Văn hóa đọc: 'Rễ cây thơ' Thanh Thảo trong địa tầng sáng tạo
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi đã từng viết về thơ Thanh Thảo: “Cái choáng ngợp nhất ở thơ Thanh Thảo là sự tự do trong suy tưởng, trong vần điệu, trong cách lập tứ. Mọi bức xúc thời đại, mọi rung động đời thường qua thơ anh đều lấp lánh một thứ ánh sáng khác lạ - ánh sáng của sự tự do triệt để...”.
Với những suy nghĩ trên nên khi đọc bản thảo tập thơ Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ (NXB Hội Nhà văn), tôi nghĩ mình đã có thể viết sâu thêm về thơ anh vừa với tư cách là nhân chứng ra đời của nhiều bài thơ, vừa với tư cách một người bạn thân thiết.
1. Vào những năm cuối chiến tranh chống Mỹ, sau khi trình làng bằng chùm thơ ấn hành trên tạp chí Tác phẩm mới, thơ Thanh Thảo trở thành một hiện tượng. Ngày ấy, trước sự khốc liệt của chiến tranh, mọi người đã quá chán véo von, quá chán giả dối, họ muốn được nói thật về sự dấn thân và dâng hiến đầy đau đớn và nước mắt của dân tộc, thì thơ Thanh Thảo xuất hiện, dù trước đó, anh đã từng mang vạ về cách phát ngôn này trong bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình. Nhờ thế, sau ngày thống nhất, anh nhanh chóng nổi tiếng với trường ca Những người đi tới biển và tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978.
Không khí văn chương ngỡ đã có thể thay đổi,nhưng lại phải thêm những năm tháng chờ đợi nữa, cho đến ngày của thời mở cửa và đổi mới. Những năm tháng như thế, giọng thơ Thanh Thảo càng có giá trị như một ứng xử cưỡng lại những thế lực muốn cưỡng lại sự phát triển tự nhiên của dân tộc. Tôi nhớ bài thơ Trang sức của anh chứa đựng nhiều dự báo đã được truyền miệng khắp xứ sở:
anh sẽ đeo vào tay em gié lúa
vòng ngọc xanh tiếng dế kêu lá cỏ
ngọn lửa da thịt
chìm trong đôi núm vú hồng hồng
*
anh sẽ đeo vào cổ em
sợi dây chuyền bí ẩn của bóng đêm
những chiếc chuông mùa thu trong trẻo
rung lên khi thành phố bay về trời
*
anh sẽ đeo vào ngực em
cơn bão
Nhưng tôi thích cách dự báo từ thời “ngăn sông cấm chợ” trong Ba lát xe lam. Nó vừa nhức nhói vừa mỉa mai.
Tôi nhìn em bằng cái nhìn thuế vụ
em nhìn tôi trâng tráo mắt con buôn
xe lam chật thế giới này không rộng
ta thu xếp cùng nhau vui vẻ một đoạn đường
*
và em hát bản tình ca nhảm nhí
và tôi thấy những con đường kinh dị
và hai ta phút chốt biến lên trời
chiếc xe lam cà tang lướt giữa chơi vơi
2. Bởi thế, tôi đã từng viết về thơ Thanh Thảo: “Cái choáng ngợp nhất ở thơ Thanh Thảo là sự tự do trong suy tưởng, trong vần điệu, trong cách lập tứ. Mọi bức xúc thời đại, mọi rung động đời thường qua thơ anh đều lấp lánh một thứ ánh sáng khác lạ - ánh sáng của sự tự do triệt để. Tự do ngay cả khi cam chịu”.
Với những suy nghĩ trên nên khi đọc bản thảo tập thơ Chờ mãi cơn mưa rào rất lạ gồm đa số những bài thơ Thanh Thảo viết trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ trước thì tôi nghĩ mình đã có thể viết sâu thêm về thơ anh vừa với tư cách là nhân chứng ra đời của nhiều bài thơ, vừa với tư cách một người bạn thân thiết.
Không phải bỗng dưng Thanh Thảo đề từ tập thơ này bằng 4 câu thơ sau:
Xanh rất xanh một ngày tất cả cây bừng trên mặt đất
những tìm tòi không mỏi mệt suốt đời anh
là vươn tới màu xanh này rất thật
báo trước cơn mưa từ một thoáng rung cành
4 câu thơ không nói gì đến rễ cây - tác giả của màu xanh trên mặt đất, nhưng nó lại khiến ta phải liên tưởng tới. Tự do ngay cả khi cam chịu, những rễ cây chầm chậm tỏa sâu vào lòng đất giống như nhà thơ tỏa mình trong bóng tối sáng tạo để mọc lên những “cây đời mãi mãi xanh tươi” bất tử hơn “mọi lý thuyết màu xám”.
Đúng vậy, trên mặt đất, có sinh vật nào sống bền bỉ hơn cây? Các cụ xưa có câu: “Cây bao nhiêu tuổi cây già/Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non”. Một cách chơi chữ ẩn giấu sự vui đùa kín đáo. Thực ra ở đời, núi nào chả nâng trên mình nó một đại ngàn. Và chính rễ đại ngàn cũng như đại ngàn ấy khiến núi vững chãi, sừng sững không bị sạt lở, mưa lũ xói mòn. “Núi sông” hay “nước non” chính là biểu tượng của đất nước, Tổ quốc. Tổ quốc vững bền chính là nhờ các cổ thụ thơ dọc thời gian không cùng. Cứ thế, cái rễ cây thơ Thanh Thảo cứ vươn sâu, cứ tìm tòi không mệt mỏi trong bóng tối sáng tạo cũng như trong lòng đất để bật lên màu xanh rất thật.
Có lẽ đó cũng là quy trình sáng tạo của mọi nhà thơ. Nhưng nhà thơ nào cũng chỉ là cái rễ nuôi cây thơ của chính mình mà thôi. Cái rễ cây thơ Thanh Thảo luôn thăm dò tìm kiếm trong bóng tối sáng tạo để cây thơ có khả năng dự báo “từ một thoáng rung cành”. Bởi vậy, anh đã tìm tòi không mỏi mệt. Cái rễ Thanh Thảo không chỉ vươn sâu trong nền đất mềm bình thường mà còn phải luồn qua những địa tầng cứng của bảo thủ, của cũ kỹ, của giả trá mang danh thời đại:
Đêm xóa dần thứ văn chương trần trụi vờ thô lỗ
dù biết đó là văn chương hiện đại
anh vẫn từ chối nó
đôi lúc ngồi tự hỏi
sẽ về đâu?
về đâu hỗn tạp và chao đảo
nơi từng phút ngoi lên những thần tượng giả
nghiến răng để xả
nhanh chóng lặn mất tăm
sẽ về đâu sự dịu dàng
niềm an ủi sau cùng
(Ngày mười hai tháng ba)
Với cái cách như thế, Thanh Thảo đã thoát khỏi những giai điệu thơ thông thường như giai điệu ca khúc, anh tạo ra giai điệu thơ của mình như giai điệu nhạc không lời trong một thi pháp không giống những thi pháp thông thường.
Thanh Thảo viết “Biến tấu trên những mảnh vỡ”. Biến tấu là một trong những hình thức âm nhạc không lời. Bài thơ viết đầu thời đổi mới, mở cửa nhưng chứa chất đầy nỗi niềm thế sự:
Những gã điên cho rằng mình bắt được tín hiệu của Đấng Tối Cao
truyền qua làn sóng riêng
những tên già dịch làm khổ bao người
khoe rằng mình có visa của Chân Lý
những độc thoại nhàm tai rền rĩ…
Đấy là cái cách rễ cây thơ Thanh Thảo tìm tòi trong bóng tối sáng tạo mà ta có thể thấy trong bất kỳ bài thơ nào của tập thơ này. Nó đem đến cho ta một ngân vang khác kiểu âm nhạc của trường phái “Tiên phong” (Avant - garde). Khó nghe đấy, song nghe lâu là nghiện. Quá tuổi “Nhân sinh thất thập” đã vài năm, anh mới có dịp đưa đến bạn đọc những tìm tòi cuối thế kỷ trước chắc cũng có ý muốn chia sẻ, muốn bạn đọc nhìn thấy màu xanh rất thật trong cây thơ của mình.
3. Có lẽ đấy là một thời đẹp nhất mà chúng tôi từng sống. Gần đây, vào Quy Nhơn, tôi tìm đến khu nhà tập thể có nhà Thanh Thảo mà tôi từng nhiều lần tá túc. Khu tập thể đã xuống cấp thảm hại. Tôi nhắn tin cho Thanh Thảo: “Nhìn bức tường nhà chúng ta từng ở lở lói. Buồn lạ!”. Ngay lập tức, Thanh Thảo đã viết ra bài thơ Những bức tường như số phận của chúng ta “đầy trắc ẩn”: “Nhớ hồi đó tao với mày mạnh mẽ bao nhiêu/ Uống rượu gạo suốt đêm không biết mệt/ cứ lướt qua thời gian như bánh xe lao dốc/ tưng bừng chẳng biết tới ngày mai/ những bước tường lở loét ai ngờ/ và ngày mai hồi đó là hôm nay/ khỉ thật”.
Bởi thế, tôi thực sự trân trọng sự ra đời của tập thơ này. Biết đâu khi tập thơ này ấn hành, thì “cơn mưa rào rất lạ” ấy bắt đầu tuôn rơi.
Nguyễn Thụy Kha