Văn hóa đọc: 'Sóng độc' - tiểu thuyết 'đáng đọc' của Trần Gia Thái

Chủ nhật, 25/12/2022 19:04 GMT+7

Google News

Tiểu thuyết Sóng độc của Trần Gia Thái vừa ra mắt chưa lâu, có thể nhiều bạn đọc còn chưa kịp đọc. Tôi và một số bạn văn đã đọc tiểu thuyết này, nhận rằng đây là cuốn truyện hấp dẫn, có thể đọc liền một hơi. Một cuốn truyện rất đáng đọc. 

1. Còn nhớ, một ngày nào đó vào năm 1997, kỹ sư Trần Thùy, bạn từ thời học phổ thông, nhắn tôi tới một quán trên đường Láng, tại đó anh giới thiệu với tôi một người em họ của anh là Trần Gia Thái, cán bộ đài phát thanh và truyền hình Hà Nội. Hôm ấy, lần đầu tiên biết nhau, Thái tặng tôi tập truyện mới ra mắt.

Thái quê làng Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

Tình cờ, từ khá sớm tôi đã quen không ít người ở cái làng đồng chiêm gần ga xe lửa Cầu Họ ấy. Không phải vì tôi đã có dịp từng ở đấy, mà bởi nhiều bạn trẻ làng ấy sớm từ làng lên trọ học tại thị xã Phủ Lý, cách làng gần hai chục cây số. Tôi ở huyện khác, nhà chỉ cách Phủ Lý vài ba cây số, từ cấp I đến cấp III, vẫn ngày ngày qua cầu phao sang thị xã đến trường. Cùng học tại thị xã nên sớm biết nhau, đến mấy năm cấp III thì Trần Thùy với tôi cùng lớp.

Trần Gia Thái kém bọn tôi và Thùy chừng mươi tuổi.

Văn hóa đọc: 'Sóng độc' - tiểu thuyết 'đáng đọc' của Trần Gia Thái - Ảnh 1.

Nhà văn Trần Gia Thái

Có lẽ hồi nhỏ Thái không phải lên thị xã trọ học, vì từ giữa những năm 1960 ở khắp vùng đồng bằng miền Bắc, xã nào cũng có trường phổ thông cấp II, huyện nào hầu như cũng có một trường phổ thông cấp III. Qua thời học chuyên ngành báo chí tuyên truyền, Thái bước vào nghề làm báo, hầu như gắn bó với đài Hà Nội, từ khi còn là đài truyền thanh, rồi chuyển thành đài phát thanh và truyền hình; từ vị trí biên tập viên, dần dần Thái được giao đứng đầu một vài ban chuyên môn, rồi làm Phó tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc.

Tôi nghĩ, công việc tổ chức các mảng kỹ thuật và các mảng mang tính báo chí của nghề phát thanh và truyền hình là những hoạt động mà chỉ người trong ngành mới có thể biết thật rõ sự đóng góp của Trần Gia Thái. Những công việc ấy đương thời thu hút gần như toàn bộ tâm trí người đang giữ trọng trách.

Có lẽ vì vậy, sau hai tập truyện ngắn Thành phố đáy hồ (1981) và Hắn là tôi (1997), phải gần mười năm sau đó mới thấy Thái lại có sách in, nhưng không phải truyện văn xuôi mà là một loạt tập thơ:Lời nguyện cầu trước lửa (2011), Mưa không mùa (2012), Ký ức khát (2013), Trăng ướt (2016), Biển giờ không còn mặn (2018). Các nhà thơ Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Trần Ninh Hồ, Hữu Thỉnh, … trong những bình luận khác nhau, đã nêu lên những đặc sắc của thơ Trần Gia Thái, thậm chí dự đoán "căn cước nghệ thuật" của Thái sẽ định hình ở thơ!

Vậy mà trong năm 2022 này, Trần Gia Thái công bố tiểu thuyết Sóng độc, trở lại mạch văn xuôi tưởng đâu đã dừng lại từ vài chục năm trước!

2. Một số nhà phê bình xem Sóng độc như cuốn tiểu thuyết vào loại hiếm hoi ở ta viết về hoạt động báo chí bằng phát thanh, truyền hình. Từ "sóng" ở tên tác phẩm cho thấy rõ việc đó.

Sóng ở đây trước hết chỉ loại "dao động truyền đi trong một môi trường" nhất định; loại sóng vô tuyến điện truyền các tín hiệu âm thanh, hình ảnh qua không gian mà những loại thiết bị chuyên dụng (máy thu thanh, máy thu hình) có thể thu được, tái tạo được, nhờ đó thính giả khán giả tiếp nhận được âm thanh, hình ảnh đã truyền đi. Do vậy, "sóng" trở thành công cụ, phương tiện trong tay nhà báo làm phát thanh, truyền hình. Nhưng "sóng" cũng được hiểu như loại thông tin truyền đi bằng mọi cách, kể cả bằng trang báo viết và in trên giấy, lẫn những cách rất xưa cũ - rỉ tai, sang tai!

Do vậy, đối với các nhóm cư dân sẽ luôn luôn có thứ sóng lành lẫn thứ sóng độc! Sóng phát thanh, truyền hình của thế giới hiện đại cũng vẫn có thể được đo đếm, định tính như thông tin truyền miệng có từ xa xưa!

Văn hóa đọc: 'Sóng độc' - tiểu thuyết 'đáng đọc' của Trần Gia Thái - Ảnh 2.

Tiểu thuyết “Sóng độc”

Loại "sóng độc" trong tiểu thuyết được tạo ra bởi một nhóm nhà báo đài truyền hình Bắc Hà của tỉnh Nam Bình, do Đỗ Thiết cầm đầu, cùng một bộ sậu tay chân của y, được gọi bằng những hỗn danh như Bạc "phò", Mùi "già", Hoàn "toác", Phòng "bếp", Đạt "láu"…

Sự việc trung tâm là khi các vai lãnh đạo đài này đang cần thay đổi: Giám đốc sắp nghỉ hưu, cần chọn người thay. Bên cạnh một trong hai phương án là hai phó giám đốc Trần Thụy và Đỗ Thiết, lãnh đạo tỉnh còn đưa ra phương án thứ ba: Quang Thiện, một trưởng ban thư ký biên tập giỏi nghề và được số đông cán bộ nhân viên tín nhiệm. Sau khi ba phương án được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm ở hội nghị công nhân việc chức của đài, lãnh đạo tỉnh sẽ đi tới lựa chọn quyết định.

Đỗ Thiết vừa có tham vọng lên ghế giám đốc, vừa muốn ngăn chặn người trẻ tuổi giàu triển vọng là Thiện, cho nên sau nhiều cân nhắc, hắn quyết định tấn công nhân sự trẻ tuổi này. Thủ đoạn của hắn và đồng bọn là tung tin đồn, trộn tin giả vào tin thật, rồi khiếu kiện, vu cáo, khiến nạn nhân "được vạ thì má sưng". Bọn họ tìm vào các hồ sơ tham dự các khóa đào tạo tại chức và đào tạo chuyên ngành củaThiện, liên kết với những nhà báo thiếu công tâm hoặc bị bọn họ hối lộ để đưa lên mặt báo những bài vu cáo Thiện không học hết khóa điện ảnh cũng được nhận bằng đạo diễn, không đủ điều kiện cũng được cử đi học khóa chính trị cao cấp! Ngay khi các cơ quan liên quan đã có phản hồi làm rõ sự chính đáng của Thiện, bọn họ vẫn tiếp tục đưa ra những vu cáo mới, xuyên tạc những kết luận đã có.

Nạn nhân của Đỗ Thiết và đồng bọn là Thiện và gia đình anh. Ông bố Thiện ở quê, đang ốm, nghe bài báo vu cáo Thiện, đã bị sốc, bị đột qụy, phải đưa đi cấp cứu và rốt cuộc không qua khỏi. Chính Thiện cũng vì những căng thẳng do bị vu cáo nên bị chảy máu dạ dày, phải đi cấp cứu.

Những đấu đá vì quyền lực ở tiểu thuyết Sóng độc đã khiến câu chuyện về giới nhà báo trở thành câu chuyện cạnh tranh quyền lực ở giới cán bộ công chức nói chung. Nó cho thấy chính môi trường những người có hiểu biết hơn nơi khác, lại là môi trường mà cái ác, cái xấu trong quan hệ con người bộc lộ đến mức sâu sắc, đậm đặc.

Câu chuyện Sóng độc cũng xui người ta xếp nó vào loại truyện (và phim truyện truyền hình) đôi khi được gọi là "truyện (phim)-chính luận" mà thực chất là loại tác phẩm kể về công tác tổ chức cán bộ. Trong Sóng độc có khá nhiều nhân vật cán bộ lãnh đạo, từ bí thư tỉnh, sau lên trung ương, rồi phó bí thư tỉnh, phó chủ tịch, chủ tịch tỉnh, thứ trưởng, vụ trưởng, vụ phó, v.v… Tất cả đều là những nhân vật tốt; song họ lại tỏ ra khá dè dặt trước những trò đơm đặt vu cáo người khác của nhóm Đỗ Thiết!

Trong bài Thay lời tựa sách này, nhà văn Sương Nguyệt Minh rất có lý khi đã "lấy làm tiếc hùi hụi cho tác giả" vì tính gay cấn của xung đột chưa được đẩy đến tầng cao, và câu chuyện Sóng độc chưa có mâu thuẫn lớn! Nhân vật xấu có chức cao nhất ở đây, Lê Sở Kha, chỉ là phó chánh thanh tra của một bộ, gần như ngang cỡ với Đỗ Thiết, quyền giám đốc đài phát thanh truyền hình cấp tỉnh!

3. Là người cùng quê Hà Nam với tác giả, tôi chú ý hơi nhiều đến việc tác giả Trần Gia Thái khắc họa nhân vật Phạm Quang Thiện.

Có thể nhận thấy, khi miêu tả, kể chuyện hàng loạt người trong cái đài phát thanh truyền hình Bắc Hà hư cấu, thuộc một tỉnh Nam Bình cũng hư cấu, tác giả không vương vấn gì về yếu tố quê hương của hầu hết các nhân vật ấy. Tác giả kể về họ như là những viên chức ở đô thị, vậy thôi. Nhưng với Thiện, nhân vật chính được cấp trên tín nhiệm chọn cho chức giám đốc tương lai của đài này, cũng là nạn nhân chính của những vu cáo, đấu đá của nhóm Đỗ Thiết, thì tác giả lại cần triển khai câu chuyện ra đến cái hậu phương của Thiện, thời nhỏ ở quê đi học, chuyện bố mẹ, anh chị em của Thiện.

Cố nhiên tác giả có thể hư cấu cho Thiện một quê hương với đặc điểm khác. Nhưng trong chuyện này, một nét tâm lý sáng tác nào đó đã khiến tác giả thích đem những chất liệu về vùng quê thân thuộc của mìnhđể gắn cho nhân vật Thiện.

Người đọc nhận ra điều này ở hàng loạt chi tiết. Khi thì để Đỗ Thiết dọa sẽ đánh cho Thiện phải "đi chân đất về lại Bình Lụt nhà nó mà lội bùn"! Bình Lụt (hư cấu) không khỏi làm liên tưởng địa danh Bình Lục, tên huyện quê tác giả! Khi thì tác giả để chính Thiện nói thân mật với nhà báo Nguyễn An rằng "quê em trên dê dưới hến", dù nói tên núi khác sông khác, người ta cũng biết, câu thành ngữ kia lâu nay vốn gắn với tỉnh Hà Nam. Có khi không cần giữ gìn nói chệch gì nữa, địa chỉ Cầu Họ được nêu đích danh!

Tôi không định nói rằng ở nhân vật Thiện có những nét tự truyện của tác giả, song tôi dám chắc khá nhiều chi tiết thuộc trải nghiệm riêng ở cuộc sống quê hương, gia đình nông dân vùng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam, đã được tác giả đưa vào câu chuyện gia đình Phạm Quang Thiện trong tiểu thuyết Sóng độc mà nổi bật là hình ảnh người cha mạnh mẽ, trọng nghĩa khí, ghét dối trá. Người cha từng đóng gạch, trồng xoan, dựng nhà cho gia đình mình. Người cha luôn khuyên con tiến bước nhưng cần khiêm nhường trên mọi bước đường đời. Người cha mà tình thương yêu con dù mạnh mẽ cũng có lúc lộ chút yếu đuối, khiến ông gục ngã trước những tai ương mà kẻ ác gây cho con mình. Bên cạnh hình ảnh nhân vật Thiện, thì hình ảnh ông bố Thiện cũng là một hình ảnh đẹp.

LẠI NGUYÊN ÂN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›