Ly hôn chẳng còn là điều gì xa lạ trong đời sống của chúng ta. Nhưng điều gì ở đằng sau những câu nói nhẹ như không - "Chia tay đi", hay những lời khuyên mạnh mẽ - "Không hợp thì ly hôn!"? Dường như chúng ta rất ít khi được biết. Đấy vẫn là điều không dễ gì kể ra được, nó đau đớn và quá riêng tư.
Vì thế, dù ly hôn càng ngày xuất hiện càng nhiều, chúng ta thậm chí nghe cụm từ "ly hôn" đến nhàm tai, vẫn chưa có một cuốn sách nào thực sự viết về nó.
Chân dung của ly hôn của Chu Hồng Vân là cuốn sách đầu tiên vẽ nên bức tranh tương đối toàn cảnh về sự tan vỡ hôn nhân, trong đó có nhân vật người chồng, người vợ, những đứa con, và mối tương tác của họ với gia đình, bạn bè, xã hội trong hoàn cảnh đó.
Ly hôn không phải là thời điểm cặp vợ chồng ra tòa nghe phán quyết chia tay rồi đường ai nấy đi. Ly hôn là cả một quá trình mà có thể tạm tính ra ba giai đoạn: mối quan hệ rạn nứt (do nhiều nguyên nhân); thời điểm bùng nổ quyết định chia tay; và việc sắp xếp cuộc sống mới, bao gồm thay đổi các trật tự, thói quen, hàn gắn bản thân để kiếm tìm hạnh phúc mới.
Cuốn sách này không bàn đến việc ai đúng ai sai, không truy tìm căn nguyên của đổ vỡ hôn nhân, nó chỉ tập trung vào giai đoạn thứ ba: người ta đối mặt với những gì sau ly hôn và bước tiếp thế nào.
Bức tranh ly hôn nghiệt ngã
Giai đoạn thứ ba của ly hôn nhiều khi lặng thầm, nhưng lại khốc liệt nhất.
Đấy là nhân vật chị Thanh Tú, chồng đi du học rồi "mất tích" luôn… 12 năm, rồi một ngày anh trở về, thản nhiên như đi vắng mới vài ngày. Cuộc ly hôn diễn ra như nó phải thế, nhưng sự tổn thương mà đứa trẻ và người mẹ đã mang khiến họ vô cùng khó khăn để kiếm tìm hạnh phúc mới. Người mẹ phải gồng lên rằng mình ổn, khắc nghiệt với con để xã hội thấy rằng dù là mẹ đơn thân vẫn nuôi dạy con xuất sắc. Trong khi đứa con, vì mẹ, đã cố trở thành "tấm huy chương" của mẹ, bỏ qua ước mơ nghề nghiệp của riêng mình; còn vì bố, bị ám ảnh không dám tiến tới hạnh phúc lứa đôi.
Đấy là Hằng, người mẹ mười mấy tăm đi tìm con trong nước mắt, chỉ vì bố cậu bé đã giấu biệt con đi không cho gặp mẹ. "Đến chết chắc tôi cũng không thể nào quên giây phút cô giáo chủ nhiệm đưa con ra gặp tôi. Con thay đổi khá nhiều trong những ngày xa mẹ khiến tôi mường tượng con đã không được chăm sóc chu đáo. Ý nghĩ đó làm lòng tôi đau như xát muối. Mẹ con tôi ôm nhau. Tôi được ôm đứa con bằng da thịt chứ không phải nằm mơ nữa".
Đấy là anh Thảo, người cha bị phá hủy sau cuộc ly hôn. "Cuộc đời anh như cỗ xe xuống dốc không phanh. Thảo để lại ngôi nhà cho vợ và con gái, anh dọn về căn hộ tập thể cũ được trường phân cho từ nhiều năm trước… Anh bắt đầu những ngày giải khuây bằng rượu. Không uống, anh không thể nào ngủ được. Có những đêm anh uống rượu cùng thuốc an thần. Thảo bê bết đến mức phải xin nghỉ làm ở trường. Anh không đủ bình tĩnh và sức khỏe để đảm nhiệm công việc".
Đấy là trận chiến rùm beng trên mạng xã hội của Minh và chồng cũ, khởi đầu từ việc cô viết facebook tố chồng cô cấm đoán cô gặp con. Bạn bè, dư luận lao vào phản đối, phê phán bố bọn trẻ khiến cô khá hả hê. Nhưng người chồng cũ cũng không phải dạng vừa, anh gửi đơn kiện vợ cũ ra tòa vì đã vu khống, ảnh hưởng đến uy tín anh.
"Minh mô tả về "thế trận" của cô và chồng cũ: cô có hậu thuẫn của người thân, luật sư, nhân viên của một tổ chức bảo vệ phụ nữ. Anh cũng có một "lực lượng" tương tự như vậy, sẵn sàng tư vấn, bày cách để ứng phó với phe đối đầu khi có bất cứ động thái mới".
Tình yêu và hôn nhân là một mối quan hệ phức tạp. Khi người ta gắn kết mình với một người xa lạ về dòng tộc, người ta đặt vào đó rất nhiều niềm tin và cả một phần bản ngã của mình. Vì thế khi mối quan hệ đổ vỡ, nó kéo theo sự sụp đổ niềm tin và cả sự mất mát bản thể. Điều ấy thường gây ra những cảm xúc cực đoan và hành xử điên rồ.
Bởi thế, ly hôn không bao giờ là "xong" ở thời điểm lá đơn được ký, nó là cả một quá trình sắp xếp, hàn gắn, phục hồi, gom nhặt lại bản thân sau đổ vỡ. Nhưng người ta có thể thành công, hoặc không.
Ám ảnh và xót xa nhất trong những câu chuyện này luôn luôn là những đứa trẻ. Cuốn sách đã chọn những đứa trẻ làm cốt lõi để phát triển bức chân dung ly hôn. Chúng ở đâu trong quyết định của bố mẹ? Chúng phải lựa chọn sống với ai trước tòa? Chúng làm gì khi bị bố cấm cản gặp mẹ? Chúng loay hoay để tồn tại ra sao khi bố mẹ mải "chiến đấu" với nhau, về việc ai nuôi con bao nhiêu ngày, ai bỏ ra bao nhiêu chi phí…
Như cô bé Hà, xấu hổ bỏ học vì nợ học phí, nhưng không phải do gia đình thiếu tiền, mà là vì bố mẹ cô đấu nhau xem ai phải chi khoản đó. Như cậu bé Nam, cứ vào tiết học cuối là gần như phát điên: đó là giờ mẹ cậu đến cổng trường để được nhìn cậu, vì sau khi ly hôn bố không cho mẹ gặp cậu nữa. Đấy là cậu bé Tuấn, phờ phạc trước ngày bố mẹ ra tòa, cũng là ngày cậu phải trả lời với tòa rằng cậu muốn ở với ai…
Trên phương diện này, cuốn sách cũng đặt ra những vấn đề xã hội khá nhức nhối. Định kiến xã hội đối với những người đã ly hôn chưa bao giờ mất đi - suy nghĩ "tuy anh ta/cô ta ly hôn nhưng mà tốt" là một thực tế. Sự tinh tế và nhân văn đối với những đứa trẻ khi chúng phải ra tòa cùng bố mẹ để quyết định xem ở với ai vẫn là điều chưa được để ý.
Hay trong nhiều trường hợp được kể, có rất nhiều điều thiệt thòi mà phụ nữ và trẻ em sau ly hôn đang phải chịu, ví như bị bạo hành, bị cấm cảm chăm sóc, nhưng họ không dám lên tiếng vì lo ngại không được bảo vệ. Thêm nữa, việc hỗ trợ, trị liệu cho người có tổn thương tâm lý hậu ly hôn ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, các mô hình hỗ trợ tự phát rất nhiệt huyết nhưng hoạt động khá cảm tính, những người có đào tạo chuyên môn thì rất thiếu.
Hạnh phúc nào sau cuộc đổ vỡ?
Nhưng đây không phải là cuốn sách khuyên ta cố níu kéo cuộc hôn nhân đã tàn rã. Nó chỉ chỉ ra những vấn đề, những khả năng, những góc khuất, để mỗi người chọn cách hành xử phù hợp và tìm được hạnh phúc ở phía trước. Nếu đã nỗ lực làm mọi thứ và không còn gì để hối tiếc, thì đấy là thời điểm ra quyết định.
Nhưng sắp xếp cuộc sống sau ly hôn ra sao? Cuốn sách đặc biệt gợi ý rằng hãy nhìn vào phía những đứa trẻ, vào hạnh phúc của chúng, người lớn có thể vượt qua sự ích kỷ và những cảm xúc cá nhân. Nhìn vào đứa trẻ đủ lâu và chân thành, người lớn sẽ có thể bình tĩnh lại, ngừng tính toán hơn thua, dần dần làm dịu đi nỗi căm giận hay hờn tủi của mình.
"Những đứa trẻ lớn lên trong sự đổ vỡ của cha mẹ cũng phải trải qua nhiều biến cố, chịu đựng nhiều đau khổ khác nhau. Tổn thương từ đổ vỡ đó có thể được chữa lành, nhưng có thể mãi mãi là nỗi đau cùng những đứa trẻ lớn lên. Kết quả thế nào lệ thuộc rất nhiều vào sự hiểu biết và cách hành xử của những người bố người mẹ: họ sẽ lựa chọn điều gì và khả năng tái lập cuộc sống của họ đến đâu" - tác giả viết.
Chương cuối cuốn sách có tên "Lấp lánh" sẽ lấy đi của người đọc rất nhiều nước mắt. Có những câu chuyện rất đẹp, quá đẹp, và cảm động, cho thấy rằng sự bình tĩnh, lòng bao dung và tình yêu thương có thể kết nối, hàn gắn, chữa lành, lấp đầy và làm con người đi qua đổ vỡ có thể tìm đến hạnh phúc ra sao.
"Khi những mảnh vỡ tung ra, cạnh sắc nhọn của nó có thể làm ta đau đớn. Tổn thương đó có thể sẽ mãi mãi sưng tấy, nhưng cũng có thể lành theo năm tháng, nếu như ta được chăm sóc bằng sự thấu hiểu và yêu thương. Khi ấy những mảnh vỡ không còn mang màu u ám, mà nó có vẻ đẹp lấp lánh và khác biệt. Điều này thật thú vị. Ví như ta cho một chút muối vào ly cà phê có sẵn đường, hai vị mặn, ngọt đó chẳng những không xung đột mà vị muối làm cho ly cà phê có đậm đà hơn".
Một hành trình can đảm
Chỉ có thể nói đây là một cuốn sách hay mà người viết bài có may mắn được đồng hành. Ba năm trước đây tác giả Chu Hồng Vân đã chia sẻ với tôi ý tưởng viết một cuốn sách về ly hôn. Là nhà báo lâu năm, chuyên trách mảng giáo dục, chị hay quan sát các biến động của gia đình tác động lên đứa trẻ ra sao, đặc biệt là việc ly hôn của cha mẹ.
Tôi đã ủng hộ chị hết lòng, vì đây là một đề tài quá hay và nóng với xã hội bây giờ. Nhưng dĩ nhiên nó khó. Tìm nhân vật ở đâu, ai chịu kể câu chuyện riêng tư và đau đớn của họ? Ai đủ bình tĩnh nhìn lại vết thương của mình? Tôi thậm chí đã hoài nghi liệu tác giả có thể hoàn thành dự án hay không.
Nhưng luôn luôn, chị tìm kiếm các nhân vật, cập nhật cho tôi ngày nào chị gặp một người mẹ, ngày nào chị gặp người cha, ngày nào chị gặp những đứa trẻ, rồi gặp các thẩm phán, nhà tâm lý, giáo viên… Có những khi chị kể cho tôi câu chuyện vừa phỏng vấn được, và ngồi lặng đi, vì sốc. Chị nói có những khi phải ngừng dự án một thời gian để lấy lại tinh thần, vì có những câu chuyện làm chị cạn kiệt năng lượng. Phỏng vấn nhiều, nhưng còn cần cân nhắc câu chuyện nào nên đưa vào sách, chuyện nào không, chi tiết nào để, chi tiết nào bỏ, để cuốn sách tập trung nhất cũng tốn thêm khá nhiều công sức.
Cuối cùng cuốn sách đã ở đây, dày dặn, ấn tượng, xúc động và thiết thực. Một hành trình công phu, bền bỉ và can đảm của nhà báo Chu Hồng Vân suốt hơn 2 năm.
Đằng sau những quyết định chia tay, những lá đơn ly hôn, và những phiên tòa có thể là gì? Tác giả cố gắng xoay câu chuyện ở nhiều góc nhìn để kể được khách quan, điều đó khiến cuốn sách Chân dung của ly hôn cung cấp được một bức tranh ly hôn khá toàn cảnh. Rất khiêm nhường, tác giả không cho mình thẩm quyền phát xét đúng sai - "tôi chỉ là một người kể chuyện". Nhưng bên cạnh sự sẻ chia với những người đã đi qua đổ vỡ hay đang trong đổ vỡ, cuốn sách cũng mang đến gợi ý tử tế cho những ai đang đứng trước quyết định quan trọng của đời mình. Nó cũng gợi ý rằng sự cảm thông và không định kiến của xã hội sẽ luôn là điểm tựa cho cho người đổ vỡ có thể vượt qua và bước tiếp.
Định kiến xã hội đối với những người đã ly hôn chưa bao giờ mất đi - suy nghĩ "tuy anh ta/cô ta ly hôn nhưng mà tốt" là một thực tế. Sự tinh tế và nhân văn đối với những đứa trẻ khi chúng phải ra tòa cùng bố mẹ để quyết định xem ở với ai vẫn là điều chưa được để ý.
Tags