"Cuộc sống của các nhà văn không xoay quanh những giải thưởng, bởi không có giải thưởng nhà văn vẫn viết. Nhưng càng nhiều giải thưởng cho người viết càng tốt. Có giải thưởng giống như cú hích đối với những nhà văn đang ấp ủ viết cho thiếu nhi, giúp họ thấy hứng thú cầm bút lên để viết cho trẻ em, viết về tuổi thơ".
Đó là khẳng định của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh - tác giả viết cho thiếu nhi "ăn khách" nhất hiện nay tại Lễ Công bố thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng và phát động cuộc Vận động sáng tác cho thiếu nhi 2023 - 2025 được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
Tạo hưng phấn trong sáng tác
Năm 1983, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi sáng tác cho Nhi đồng do NXB Kim Đồng tổ chức với truyện ngắn Cú phạt đền. Sau đó, tập truyện cũng được chính NXB Kim Đồng xuất bản.
Nhớ lại kỉ niệm với giải thưởng văn học đầu tiên, ông Ánh bày tỏ: "Được giải thưởng với người bắt đầu viết là một sự sung sướng vô bờ. Sung sướng hơn là khi tác phẩm đoạt giả được in thành sách". Qua đây để thấy, "đối với những cây viết mới, người viết trẻ thì những giải thưởng có ý nghĩa như bước tạo đà. Còn với những nhà văn thành danh thì những giải thưởng cũng tạo những hứng thú để nhà văn có cơ hội đóng góp".
Cùng với Giải thưởng Văn học Kim Đồng, trước đó đã có một số đơn vị khác tổ chức các giải thưởng cho văn học thiếu nhi như Hội Nhà văn Việt Nam, Giải Sách hay, Giải Dế Mèn của báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), và gần đây nhất Giải thưởng Sách thiếu nhi TP.HCM vừa công bố hôm qua, 1/6.
Khẳng định càng nhiều giải thưởng càng tốt cho người viết, theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sự nở rộ của các giải thưởng văn học thiếu nhi còn tạo ra sự khích lệ đáng kể với người viết cho thiếu nhi trong bối cảnh sáng tác đầy cạnh tranh như hiện nay.
"Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, có rất nhiều loại hình giải trí nghe nhìn rất hấp dẫn. Dành mối quan tâm cho những hoạt động hấp dẫn, thú vị và hiện đại khác, trẻ em hiện nay ít đọc sách hẳn đi so với trước đây. Trong tình hình này, sách và đặc biệt sách cho trẻ em gặp phải sự cạnh tranh rất khốc liệt" - ông Ánh khẳng định - "Các giải thưởng đã xuất hiện kịp thời, đúng lúc để cả đối tượng viết cũng như đối tượng hưởng thụ thấy được sự quan tâm của xã hội đối với trẻ em. Từ đây, các giải thưởng tạo hứng thú, khơi dậy cảm xúc cho nhiều người. Riêng với người viết, các giải thưởng cũng là một tiếng nói tạo nên sự hưng phấn sáng tác đáng kể".
Tác giả Kính vạn hoa cũng cho rằng, những nhà văn viết cho thiếu nhi hiện nay phải chấp nhận sự thách thức của các loại hình giải trí hấp dẫn trẻ em khác. "Chúng ta không thể chống lại sự phát triển đó, thay vào đó, người viết phải thích nghi, phải "sống chung với lũ". Nhà văn phải chấp nhận thách thức để tạo nên nhiều tác phẩm hấp dẫn hơn nữa cho trẻ em. Sáng tác trong tình hình như vậy, không thuần túy chỉ có câu chuyện văn chương mà còn là hoạt động có ý nghĩa xã hội rất lớn, để trẻ em trở thành đối tượng hưởng lợi nhiều nhất".
Không thiếu những tác phẩm hay và đáng đọc
Từ những tín hiệu khả quan của các giải thưởng văn học thiếu nhi, nhà văn Trần Đức Tiến cho rằng: "Lâu nay, chúng ta vẫn cứ đánh giá văn học thiếu nhi còn yếu, tác giả ít, tác phẩm xuất sắc hiếm. Tôi nghĩ không phải. Theo sự quan sát của tôi, khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng tác giả viết cho thiếu nhi không ít, thậm chí nhiều hơn so với thời của chúng tôi và trước đó".
Ông nói thêm: "Số lượng sách thiếu nhi xuất bản rất nhiều. Sách hay cũng không thiếu. Vấn đề nằm ở chỗ các em có đọc hay không? Đúng là một tác phẩm xuất sắc vừa mới xuất hiện đã gây được sự chấn động có thể chưa có, nhưng tác phẩm hay và đáng đọc không thiếu. Ngay trong năm qua, chỉ theo sự đọc của riêng tôi, chưa kể những tác phẩm tôi chưa biết đến, phải có 4-5 cuốn rất đáng đọc. Trong đó, một số cuốn đã đoạt giải Dế Mèn năm nay. Đáng mừng hơn, những tác phẩm đó đều là của những tác giả trẻ. Từ đó, để thấy tiềm năng sáng tác cho thiếu nhi còn rất lớn".
Nói rộng ra, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch cho rằng còn nhiều điều trông đợi khác ở văn học thiếu nhi như những tác phẩm có chất lượng văn học cao, những tác phẩm làm với công nghệ xuất bản hiện đại, v.v…
"Ở đây, dĩ nhiên, chúng ta không thể cạnh tranh được với văn học nhập khẩu vì họ đã đi trước chúng ta quá lâu và số lượng sản phẩm của họ cũng quá lớn. Cụ thể, chúng ta phải chấp nhận rằng trẻ em vẫn sẽ tiếp tục xếp hàng để mua truyện tranh Nhật Bản. Nhưng chúng ta vẫn cần phải có những tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị đặt bên cạnh. Đó là những tác phẩm có trình độ về công nghệ cũng như giá trị về nhân văn để trẻ em thấy những cuốn sách thiếu nhi Việt Nam thực sự là những người bạn" - ông Thạch nói.
Cũng theo nhà phê bình Phạm Xuân Thạch, bên cạnh sách văn học, những tác phẩm phổ biến tri thức, truyện tranh, v.v… cũng là những đầu sách mà trẻ em đang muốn đọc. Ông ví dụ: "Cầm trên tay cuốn sách Hành trình sáng tạo Chữ Quốc ngữ, mới được xuất bản bởi NXB Kim Đồng, tôi rất xúc động. Đó là một cuốn sách phổ biến kiến thức nghiêm cẩn, khoa học nhưng lại được trình bày vô cùng hấp dẫn, đầy tính mỹ thuật dưới hình thức truyện tranh. Riêng tính mỹ thuật của cuốn sách cho thấy chúng ta đã có một thế hệ họa sĩ tìm được ngôn ngữ tạo hình mới để hấp dẫn trẻ em. Và văn học thiếu nhi đang cần những tác phẩm có ngôn ngữ tạo hình như thế".
Coi trẻ em là những người bạn
Ở khía cạnh khác, nhà phê bình Văn Giá cho rằng, sáng tác văn học cho thiếu nhi không chỉ cần sự thông minh mà quan trọng hơn là cần đến sự xúc động. Đó là lòng thương xót đối với con người, tình yêu thương đối với thiên nhiên, tạo vật nói chung.
Từ đây, ông Giá cũng cho biết: "Văn học Việt Nam hiện nay nói chung, và văn học thiếu nhi nói riêng đang thiếu một khu vực khá quan trọng đó là văn học sinh thái. Khu vực văn học này bao gồm nhiều vấn đề như: Sự tàn phá, sự ca ngợi, sự ứng xử, lòng yêu thương với sinh thái môi trường và cả vấn đề về nơi chốn mà con người đang sống. Dạy cho trẻ con yêu thiên nhiên, yêu cây cỏ, yêu môi trường, yêu nơi chốn sinh sống rất quan trọng, trong khi mảng văn học thiếu nhi viết về thiên nhiên, môi trường, nông thôn lại đang thiếu vắng".
Còn theo nhà phê bình Vũ Quần Phương, sáng tác cho thiếu nhi nên viết những câu chuyện bám vào đời sống thực hơn, sẽ dễ gây được cảm động. "Văn chương của ta lâu nay bị "lý tưởng hóa". Điều này vừa có mặt tốt, vừa hạn chế. Có những vấn đề được khuôn lại thành những nội dung giáo dục nhưng đôi khi viết về "cái thằng lêu lổng nhất" lại giúp người đọc rút được kinh nghiệm sống rất nhiều".
Trong khi đó, đặt ra câu chuyện giáo dục trong bối cảnh hiện nay trẻ em luôn phải đối diện trước những cạm bẫy của cuộc sống, nhà phê bình Phạm Xuân Thạch cho rằng, của những cuốn sách cho thiếu nhi thành công của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, v.v… đều thấy, hơn lúc nào hết, trẻ em cần người bạn hơn là những người thầy.
"Trẻ em cần những người đồng hành với, hiểu chúng, tôn trọng chúng, và nhìn nhận chúng với sự trưởng thành vốn có. Để rồi, tâm sự với chúng, và giúp chúng đi qua những khủng hoảng của cuộc sống" - ông Thạch nói - "Những người sáng tác văn học thiếu nhi thành công là những người coi trẻ em là bạn. Chúng ta cần phải tôn trọng các em như những con người trưởng thành, dù các em chưa đầy đủ về mặt tri thức".
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 360 triệu đồng
Giải thưởng Văn học Kim Đồng dành cho tất cả các cây bút chuyên và không chuyên, với ba thể loại: Truyện ngắn, truyện dài và thơ. Các tác phẩm dự thi hướng tới đối tượng nhi đồng (6 - 10 tuổi) và lứa tuổi thiếu niên (11 - 15 tuổi). Tổng trị giá giải thưởng lên tới 360 triệu đồng (gồm 01 Giải Nhất: 100 triệu đồng; 02 Giải Nhì: 60 triệu đồng/giải; 03 Giải Ba: 30 triệu đồng/giải; 05 Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Thời hạn nhận tác phẩm từ 17/6/2023 đến hết ngày 31/3/2025. Trao giải dự kiến vào tháng 6/2025 (dịp kỉ niệm ngày thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng).
Hội đồng Chung khảo gồm các nhà văn nổi tiếng có nhiều đóng góp cho văn học thiếu nhi Việt Nam: Chủ tịch Hội đồng, nhà văn Trần Đức Tiến và các thành viên: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn Lý Lan, nhà thơ - tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh và bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Tổng biên tập NXB Kim Đồng.
Tags