Chúng ta đã dành một số thời lượng để tiếp cận chân dung thần hộ mệnh Đông Sơn, trong đó chủ yếu là chân dung mang tính phổ cập chỉ có phần đầu đến cổ với khuôn mặt dài nhân từ, hai tai đeo chuỗi vòng được giới hạn hai bên bằng hai băng hình tam giác như cờ đuôi nheo. Trên trán có hình cây. Thần hộ mệnh thường có trên đầu hai cặp sừng thể hiện bằng hai hình chữ C nằm ngửa ở mỗi bên.
Đặc biệt, trên đầu thần hộ mệnh ở hai mặt ngọn giáo đồng vớt ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), hai cặp sừng này được chi tiết hóa thành hai nhà sàn mái cong, ở giữa mái là hình một con chim mỏ ngắn.

Chân dung thần hộ mệnh Đông Sơn trên mảnh giáp đồng (hình trái) và trên ngọn giáo đồng vớt ở Thủy Nguyên, Hải Phòng (ảnh phải). Lưu ý sự phát triển ở cặp sừng hình chữ C nằm ngửa
Đây là một chi tiết rất hiếm gặp đã giúp tôi xác nhận một lần nữa vị trí linh thiêng nhất của ngôi nhà sàn nghi lễ như một ngôi đền thiêng, tâm điểm của các hình trang trí trên thạp, trống đồng Đông Sơn danh giá nhất.
Trong ngôi nhà sàn đó diễn ra nội dung nghi lễ trọng tâm của lễ hội Đông Sơn, nơi thầy cúng chính dâng rượu cho thần thánh bằng chiếc cốc đồng hai tay cầm dài rộng. Trên nóc những nhà sàn này đều có một hoặc hai chim mỏ ngắn, một số trường hợp có thể nhận ra đó là loài công, nhờ những vòng tròn ở cuối đuôi.

Hình nhà sàn mái cong lễ nghi luôn ở trung tâm lễ hội Đông Sơn (Ảnh trống đồng Ngọc Lũ, chụp lại từ bản ảnh của Phạm Ngọc Long, Viện Khảo cổ học)
Chúng ta trở lại với câu chuyện mô tả chân dung thần hộ mệnh trên giáo đồng. Phần đầu của vị thần được đội một khuôn mũ cao ở đỉnh trán và cong xoắn xuống ở hai bên cánh tai, nơi cũng có một vòng xoắn đối xứng kéo dài từ đuôi lông mày của thần. Trên đai mũ có trang trí hình tam giác răng cưa. Chụp bên trên vành mũ này là hai chân đế đỡ hai mái cong hình chữ C nằm ngửa, nơi ngự của hai hình chim mỏ ngắn.

Nhà sàn mái cong trên mặt trống đồng Sông Đà hiện lưu trữ tại Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp): Người dâng rượu bằng cốc hai tay cầm dài bên cạnh có trống da, trên mái có chim thần. Bản rập hoa văn do Frank Heger trực tiếp làm và in trong sách “Trống kim loại cổ ở Đông Nam Á”, Leipzig, 1902
Điểm khiến tôi đặc biệt chú ý là cách trang trí phần đế đỡ cặp sừng hình chữ C nằm ngửa. Để đỡ cặp sừng hình chữ C nằm ngửa, nghệ nhân xưa đã khéo léo tạo ra một bộ khung mỗi bên hai đế phụ để tạo ra hình dưới của một nhà sàn. Khi đó, cặp sừng hình chữ C nằm ngửa trở thành mái cong quen thuộc của nhà sàn lễ nghi, nơi thường ngự của chim thần mỏ ngắn. Phần kéo dài của các đế phụ cũng được cuộn cong như các búp dương xỉ, tạo thành những cụm đối xứng sinh động, chặt chẽ ở hai bên mũ.
Chi tiết nhập biểu tượng cặp sừng hình chữ C nằm ngửa trên đầu thần hộ mệnh với mái cong của nhà sàn lễ nghi rất quan trọng, vì sẽ giúp soi sáng mối quan hệ nhóm tộc Lạc - Âu mà tôi đang gắng lần tìm.
"Để đỡ cặp sừng hình chữ C nằm ngửa, nghệ nhân xưa đã khéo léo tạo ra một bộ khung mỗi bên hai đế phụ để tạo ra hình dưới của một nhà sàn. Khi đó cặp sừng hình chữ C nằm ngửa trở thành mái cong quen thuộc của nhà sàn lễ nghi, nơi thường ngự của chim thần mỏ ngắn"- TS Nguyễn Việt.
(Còn nữa)
Tags