100 năm ngày sinh Albert Camus: Nửa thế kỷ vẫn 'hiện sinh'

Thứ Sáu, 08/11/2013 08:07 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sinh thời, nhà văn, triết gia Pháp nổi tiếng Albert Camus (1913-1960) từng nói rằng những người có văn phong mạch lạc ắt sẽ có độc giả, còn những người viết tối nghĩa, khó hiểu thì chỉ thu hút các nhà bình luận.

Camus luôn lấy phương châm ấy làm “kim chỉ nam” cho các tác phẩm văn học của mình. Chính vì vậy mà giờ đây, sau 100 năm ngày sinh của ông và hơn nửa thế kỷ sau khi ông qua đời, các tác phẩm của Camus vẫn đến được với lượng độc giả mới trên khắp toàn cầu.

Nhà văn có ảnh hưởng nhất của Pháp

Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông, L'Etranger (Người xa lạ), đã được xuất bản bằng hơn 40 thứ tiếng và tiêu thụ được hơn 8 triệu bản. Đây là một thành tựu đáng nói đối với một câu chuyện phức tạp, nhập nhằng về đạo đức, có bối cảnh trong thế giới thuộc địa, phân chia giai cấp, chủng tộc, mà giờ đây ít người có thể hiểu được.

Camus sinh ra trong một gia đình nghèo ở Algeria (lúc đó còn là thuộc địa của Pháp) vào ngày 7/11/1913. Suốt thời thơ ấu, Camus không mấy bộc lộ năng khiếu chứng tỏ sau này ông trở thành một trong những người khổng lồ văn học của thế kỷ 20.


Mẹ ông là một người mù chữ và hơi nghễnh ngãng. Cha ông là một công nhân sản xuất rượu nho, đã chết trong một trận đánh lớn từ Thế chiến thứ nhất. Khi ấy Camus vẫn còn là cậu bé ẵm ngửa.  

Nhưng năm 1957, khi Camus 44 tuổi, ông đã đoạt giải Nobel Văn học bởi các sáng tác của ông đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề đặt ra cho lương tâm loài người ở thời đại chúng ta”.

Khi nhận giải, Camus nói rằng ông dành tặng giải thưởng này cho người thầy giáo tiểu học của mình, nhân vật đã trau dồi kiến thức cho ông bằng những bài học thêm hằng ngày. Người thầy cũng thuyết phục gia đình cho ông tham gia những cuộc thi, qua đó mở cánh cửa giúp ông được học cao hơn.

Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Algiers, Camus chuyển tới Paris vào thời điểm phát xít Đức đang chiếm đóng. Ông bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình với vai trò là cây xã luận chính của Combat, một tờ báo kháng chiến ngầm.

Khi Camus qua đời do tai nạn ô tô hồi năm 1960 ở tuổi 46, ông đã là một trong những nhà văn, nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất của Pháp, là đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa hiện sinh, cùng với Jean-Paul Sartre.

Những bài viết về triết học của ông, về sự phi lý của thân phận con người và sự cần thiết phải chống lại tình trạng đó, chống lại nỗi khốn khổ của kiếp người, luôn bị giới phê bình thời đó chỉ trích tơi bời. 

Camus là người có tinh thần độc lập và khả năng thể hiện những ý tưởng của mình thông qua lối kể chuyện thuyết phục. Đây chính là lý do giải thích tại sao cho đến nay ông vẫn được độc giả đón nhận.

Frederic Worms, giáo sư triết học thuộc Trường ENS ở Paris, nói: “Camus vẫn sống trong lòng độc giả bởi các tiểu thuyết của ông hiện thân cho triết lý của ông về trải nghiệm con người”.

Được quan tâm trở lại

Ở Pháp vài năm trở lại đây, công chúng đã tìm đọc các tác phẩm của ông. Theo nhà xuất bản Gallimard, vào năm 2008-2012, lượng sách bán ra của ông tăng gần 5%.

Năm 2010, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề xuất chuyển di hài nhà văn từ miền Nam nước Pháp vào điện Pantheon ở Paris, nơi chôn cất và tôn vinh những nhân vật lịch sử và các cá nhân làm rạng danh cho nước Pháp. Tuy nhiên cuối cùng, kế hoạch không được con trai nhà văn là Jean Camus ủng hộ.

Kế hoạch tổ chức triển lãm lớn, mang tên Camus, the Rebel, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn cũng bị “đổ bể” sau khi người tổ chức triển lãm chính, sử gia Benjamin Stora, bị sa thải do tranh cãi với nhà chức trách địa phương ở Aix-en-Provence. Họ cho rằng, triển lãm mô tả quá nhiều về Algeria thuộc địa. Vụ việc này khiến Bộ Văn hóa Pháp rút kinh phí tài trợ.

Tuy nhiên, triển lãm Camus, Citizen of the World có quy mô nhỏ hơn, vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, cùng sân khấu mới được dàn dựng dựa theo tiểu thuyết Người xa lạ của ông và 2 vở kịch khác.

Vài năm trở lại đây, sức lôi cuốn của Camus ở hải ngoại cũng gia tăng đáng kể, một phần do nhiều người hâm mộ bóng đá phát hiện ra những lời bình luận của ông có thể chống lại những kẻ thành kiến với thể thao.                                                  

Sinh thời, Camus là người rất mê thể thao, đặc biệt là bóng đá. Một người bạn từng hỏi Camus: “Ông thích sân khấu hay bóng đá hơn?”. Ông lập tức trả lời: “Bóng đá”.        

Mặc dù Camus chỉ có một thời gian ngắn là thủ môn của đội bóng Racing Universitaire d'Alger (RUA), (ông đã phải bỏ chơi thể thao vì mắc bệnh lao phổi), người ta vẫn nhớ ông là thủ môn rất can đảm và chơi đẹp. Sau này, Camus từng nói: “Sau nhiều năm quan sát mọi thứ, tôi hiểu được đạo nghĩa và bổn phận con người là nhờ thể thao và RUA”.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›