100 nghìn người phản đối bom tấn ‘Ghost in the Shell’ tẩy trắng nữ anh hùng Motoko Kusanagi

Thứ Bảy, 01/04/2017 10:13 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) – Từ nhân vật nữ anh hùng của Scarlett Johansson tới vai thầy tế Hymalaya của Tilda Swinton trong Doctor Strange, ngành công nghiệp điện ảnh đang đứng trước cáo buộc “tẩy trắng” nhân vật và văn hóa châu Á.

Một trong những chiến lược quảng bá của bom tấn Ghost in the Shell là khuyến khích người hâm mộ đăng ảnh kèm khẩu hiệu bắt đầu bằng chữ “Tôi là…” với gợi ý những từ tiếp theo như “người mạnh mẽ”, “một chiến binh” hay “bất cứ ai tôi muốn”.

Tuy nhiên, chiến lược này đã phần nào phản tác dụng.

Scarlett Johansson trong “Ghost in the Shell” (phải) và nhân vật gốc trong truyện tranh

Ghost in the Shell là bộ phim Hollywood là phiên bản người đóng của một trong những phim hoạt hình nổi tiếng tiếng nhất tại Nhật Bản. Quyết định để Scarlett Johansson thủ vai nữ anh hùng Motoko Kusanagi khiến nhiều người hâm mộ không hài lòng. Theo họ, đây là hành động “tẩy trắng”. Đáng lẽ nên để một diễn viên Nhật Bản đóng vai này.

Hơn 100.000 người đã ký kiến nghị phản đối quyết định trên. Họ cũng “chế” vô số hình ảnh giễu cợt Ghost in the Shell như ảnh Johansson kèm khẩu hiểu “Tôi hoàn toàn là một người Nhật Bản” hay hình nữ diễn viên Nhật Bản Rinko Kikuchi với “Tôi là người phụ nữ nên được chọn đóng vai này”…

Hollywood vừa có bước tiến đáng mừng trong nỗ lực đa dạng hóa khi có nhiều diễn viên, phim của người Mỹ gốc Phi đoạt giải Oscar năm nay. Nhưng còn người châu Á thì sao?

Trong loạt phim về Ai Cập gần đây như Exodus: Of Gods and Kings hay Gods of Egypt, không có diễn viên Ai Cập nào. Trước đó, Jake Gyllenhaal mắt xanh được chọn vào vai hoàng tử Iran, Matt Damon là trung tâm trong phim Vạn lý trường thành, Rooney Mara hóa thân thổ dân, Benedich Cumberbatch “tẩy trắng” nhân vật Ấn Độ Khan trong Star Trek… Điển hình nhất là nhân vật Ancient One, phù thủy tối thượng Hymalya với hình ảnh gốc là người đàn ông râu dài, đầu trọc lại giao cho Tilda Swinton.


Tilda Swinton trong "Dr Strange"

“Có nhiều người châu Á ở Mỹ thất vọng, cảm thấy vai diễn này nên trao cho một người gốc Á”, nữ diễn viên Margaret viết trong thư gửi Swinton. “Những câu chuyện của chúng tôi bị kể lại bằng các diễn viên da trắng hết lần này tới lần khác, và chúng tôi cảm thấy bất lực trong việc tìm cách đối phó”.

Swinton trả lời rằng các nhà viết kịch bản Dr Strange đã làm nhằm đổi mới, tránh những khuôn mẫu sáo mòn về một “người phương Đông già thông thái”.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp “tẩy trắng” ngược như Samuel L Jackson vào vai Nick Fury trong The Avengers, Will Smith được chọn làm Deadshot trong Suicide Squad, vốn là những nhân vật da trắng trong truyện gốc.

Đối với Ghost in the Shell, thú vị là chính Mamoru Oshii, đạo diễn phim hoạt hình gốc, lại cho rằng Scarlett Johansson là lựa chọn hoàn hảo. Lý do ông đưa ra lả bởi nhân vật này vốn là sinh vật bán cơ khí. Cái tên Motoko Kusanagi và hình thể trong truyện vốn cũng không phải tên và hình thể ban đầu của cô. Do đó, không có cơ sở để nói đây phải là một nhân vật người châu Á. 

Ngoài ra, bản thân các truyện tranh Nhật Bản vốn không quá kỹ lưỡng về mặt sắc tộc. Các nhân vật rất hay có tóc vàng, mắt xanh nhưng không có nghĩa họ là người da trắng hay Nhật Bản. Bản thân nhân vật thiếu tá của Johansson có màu tóc đen hoặc tím, mắt tròn, có màu chuyển từ xanh sang cam.


Trailer bom tấn “Ghost in the Shell”

Ít nhất, Hollywood và Đông Á cũng đang tìm ra những sân chơi chung, thường là trong phim khoa học viễn tưởng. Điển hình như Pacific Rim, trong đó có một nhóm đa quốc gia gồm Idris Elba, Charlie Hunnam và Rinko Kikuchi đang nỗ lực giải cứu thế giới khỏi quái vật “kaiju” – một từ Nhật Bản. 

Tuy vậy, làn sóng phản đối “tẩy trắng” văn hóa châu Á có vẻ chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuần trước, Netflix mới ra mắt trailer đầu tiên của Death Note, một bộ phim dựa theo truyện tranh Nhật Bản. Nhân vật chính là diễn viên da trắng Nat Wolff. Hiện tại, đã có hơn 14.000 người ký tên phản đối sự lựa chọn này.

Thư Vĩ (lược dịch)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›