2 Di sản tư liệu của Việt Nam vừa được UNESCO vinh danh thế giới

Thứ Năm, 19/05/2016 18:09 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 19/5, trong Hội nghị lần thứ 7 của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc UNESCO) tại Huế, 2 hồ sơ đề cử danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới của Việt Nam đã chính thức được công nhận. Đó là Di sản "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế" và "Mộc bản Trường Phúc Giang" (Hà Tĩnh).


Bằng công nhận "Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế" là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

* Nhận diện "Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế"

Về cơ bản, hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là những bài thơ, văn, câu đối… được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men… trên các công trình thuộc kinh đô Huế giai đoạn 1802- 1945. Hầu hết, tác giả của phần thơ, văn, câu đối… này là các vị hoàng đế, thân vương, quan lại của vương triều Nguyễn.

Thơ chữ Hán tại nội thất điện Long An

Dù chịu ảnh hưởng của chiến tranh và các biến cố lịch sử, hệ thống này hiện vẫn còn khá đồ sộ với gần 3000 ô thơ chạm khắc, sơn thếp, cẩn xà cừ trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 78 đơn vị ô học, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Đáng chú ý, qua nghiên cứu, các ô thơ văn này đều ở tình trạng nguyên bản và chưa hề bị can thiệp về chất liệu, họa tiết cũng như nội dung.

Một đoạn bờ nóc và cổ diềm điện Thái Hòa gắn thơ văn chữ Hán theo mô-típ trang trí "Nhất thi - Nhất họa" bằng chất liệu Pháp lam

Nổi bật nhất trong số này phải kể tới 3 bài thơ được khắc ở gian chính trung trên điện Thái Hòa, có giá trị như tuyên ngôn của triều Nguyễn với cái nhìn so sánh lịch đại, khẳng định chủ quyền đất nước, cũng như khả năng xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc của dân tộc:Văn hiến thiên niên quốc/Xa thư vạn lý đồ/ Hồng Bàng khai tịch hậu/ Nam phục nhất Đường Ngu''

Tạm dịch: Nước ngàn năm văn hiến/ Mở rộng quy mô xưa/ Từ Hồng Bàng mở cõi/ Phương Nam một Đường Ngu

Thơ được khắc tại điện Thái Hòa (Huế)

* 400 bản khắc tại thư viện dòng họ Nguyễn Huy ở làng cổ Trường Lưu

Trong khi đó, Mộc bản trường Phúc Giang (còn gọi là Mộc bản Trường Lưu) lại là một trường hợp thú vị, với gần 400 bản khắc chữ Hán - Nôm ngược, dùng để in tài liệu phục vụ cho hoạt động văn hóa và giáo dục và được chế tác trong thời gian từ 1758- 1788. Hiện tại, kho mộc bản này đang được cất giữ tại Phúc Giang thư viện của dòng họ Nguyễn Huy, đặt tại làng cổ Trường Lưu (Can Lộc, Hà Tĩnh).

Mộc bản được khắc trên gỗ thị theo thể chân thư, mỗi mặt khoảng 18 đến 20 hàng chữ. Trong gần 400 bản khắc này có trọn vẹn 12 bộ sách Nho gia, bao gồm 2 tập “Tính lý toản yếu” (sách rút gọn lại bộ sách do các nhà nho đời Minh biên soạn), 9 tập "Ngũ Kinh toản yếu" (gồm Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu) và một tập "Thư viện quy lễ" (những lễ nghi, phép tắc trong trường học).

Đáng chú ý, hệ thống mộc bản này được biên soạn và tổ chức chế tác bởi các học giả của dòng họ Nguyễn Huy như Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Cự, Nguyễn Huy Quýnh, Nguyễn Huy Tự…4 học giả trong số này đều có thời gian tham gia giảng dạy tại Quốc Tử Giám nên đã tổ chức biên soạn các sách kinh điển của Nho gia kết hợp với sự hiểu biết của mình để làm tư liệu giảng dạy.

Mộc bản Trường Lưu

* Giá trị lớn lao

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ (thậm chí là là tổ chức bảo vệ “thử” ) năm 2015, cả 2 di sản này đều nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn về khả năng đáp ứng được các tiêu chí mà MOWCAP đòi hỏi với một Di sản Tư liệu Thế giới như tính xác thực, ý nghĩa về giao lưu văn hóa quốc tế (thể hiện qua các tiêu chí về thời gian, địa điểm, con người, hình thức và phong cách) sự toàn vẹn và nguyên bản.


Các đại biểu tham quan trưng bày Thơ văn trên Kiến trúc cung đình Huế tại hội nghị

Đặc biệt, trong các hồ sơ được đệ trình lên MOWCAP lần này, 2 trường hợp của VN đều có những nét độc đáo riêng. Cụ thể, theo TS Phan Thanh Hải (Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế), tại hệ thống kiến trúc cung đình bằng gỗ thuộc các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…việc sử dụng thơ văn chữ Hán vừa làm họa tiết trang trí, vừa biểu đạt về tư tưởng là điều khá hiếm gặp.

Trong khi đó, so với các mộc bản từng được UNESCO vinh danh tại VN, mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm là tàng thư liên quan đến hoạt động của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, mộc bản triều Nguyễn liên quan tới các hoạt động của cung đình thì bộ mộc bản Trường Lưu lại là tàng thư của riêng một dòng họ, với mục đích phục vụ cho giáo dục khoa cử.

Di sản Tư liệu Thế giới là danh hiệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO, ra đời từ năm 1994. Hiện, VN đang có 4 di sản nhận danh hiệu này, bao gồm Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm và bia đá Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Cúc Đường

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›