"Bản đồ tàu đắm": Tiềm năng cho du lịch biển

Thứ Sáu, 20/03/2009 11:16 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Là người tham gia hoặc chủ trì hầu hết các cuộc khai quật tàu cổ ở Việt Nam suốt hàng chục năm qua, TS khảo cổ học Nguyễn Đình Chiến trao đổi với TT&VH về “bản đồ tàu đắm” dọc theo bờ biển Việt Nam và tiềm năng khai thác nguồn di sản dưới nước này.
 

* Xin bắt đầu từ cuộc tìm kiếm 2 con tàu cổ gần đấy nhất ở gần Hòn Thơm và Hòn Dầm (TT&VH số ra ngày 17/3). Có vẻ như vùng biển Kiên Giang chứa đựng rất nhiều bí ẩn về những con tàu xấu số thuở xưa?
 
TS khảo cổ học Nguyễn Đình Chiến

- Cho tới gần đây, tại vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang) đã phát hiện được 6 di chỉ tàu đắm. Tuy nhiên, trong số đó mới chỉ có tàu Hòn Dầm là được bảo vệ và tổ chức khai quật kịp thời (năm 1991), các di chỉ khác hầu hết đều bị ngư dân tự ý khai thác trái phép. Còn tàu Rạch Tràm thì được khai quật chữa cháy. Không những thế hiện trường các tàu đắm hầu hết đều bị phá hủy, gây khó khăn cho việc nghiên cứu xác định cấu trúc, xuất xứ, chủ nhân của các con tàu… Rõ ràng vấn đề đặt ra là chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa vấn đề bảo vệ di sản văn hóa dưới nước tại địa phương

Vùng biển Kiên Giang nằm trong đầu mối con đường giao lưu thương mại quốc tế nên khả năng còn lưu giữ nhiều di chỉ tàu đắm khác. Nếu phát hiện thêm, đề nghị các cấp lãnh đạo tỉnh cần có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu theo Luật Di sản Văn hóa và Nghị định về Bảo tồn di sản văn hóa dưới nước tránh hiện tượng như đã xảy ra đối với các di chỉ tàu đắm nêu trên.
 
* Sau 5 con tàu đắm được khai quật trên vùng biển Việt Nam (nếu tính thêm cả tàu cổ Rạch Tràm là 6), thì việc tìm kiếm, khai thác bảo về nguồn di sản văn hóa này đã có những gì chuyển biến?

- Sau 5 cuộc khai quật nói trên thì những phát hiện thêm về các con tàu, chủ yếu vẫn là những phát hiện ngẫu nhiên từ các ngư dân. Chủ trương của nhà nước là không tổ chức khảo sát để lập bản đồ về các con tàu đắm như có người đề xuất, bởi vì mình không đủ điều kiện kinh phí trông giữ cũng như tổ chức khai quật. Với những phát hiện ngẫu nhiên, nếu thấy xét thấy có đủ điều kiện thì Nhà nước sẽ cho phép tổ chức khai quật. Lúc đó phương thức khai quật mới được bàn đến.
 
Tàu Bảo Trân tham gia khảo sát tàu đắm ở gần Hòn Thơm và
Hòn Dầm năm 2008

Những phát hiện thêm gần đây (trong đó có di chỉ tàu đắm ở gần Hòn Thơm, Hòn Dầm như đã phản ánh trong kỳ 1) chỉ là những phát hiện nhỏ. Công việc thăm dò hoàn toàn do sự tự nguyện của một số tổ chức quan tâm đến, và họ đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu về mặt pháp lý: Xin phép khảo sát, thăm dò thông qua cơ quan quản lý văn hóa, làm các thủ tục cần thiết… Nhưng kết quả cũng rất đáng tiếc là không đủ điều kiện để tiến hành khai quật.

* Ông đang nói đến cuộc tìm kiếm tàu đắm ở Hòn Thơm, Hòn Dầm, Theo ông cuộc tìm kiếm này không thu được nhiều hiện vật vì ngư dân đã khai thác hết. Như vậy, cuộc tìm kiếm này có ý nghĩa gì không?

- Tôi là người tham gia trực tiếp thì thấy rằng đây chỉ là những dấu tích để điền thêm vào bản đồ khảo cổ học khu vực về tàu cổ, cũng như là một điểm mà sau này ngành du lịch biển phát triển thì có thể xem đây là một tiềm năng.

* Các cuộc khai quật hoặc tìm kiếm tàu đắm thường chỉ chú ý đến hiện vật (đồ gốm sứ chở theo). Còn bản thân con tàu cổ thì sao?

- Phần nhiều người ta không khai thác các phần về thân tàu, một là không đầy đủ, hai là mang lên rất phức tạp (công mang lên, rồi thì kinh phí để bảo quản trưng bày sẽ ra sao?). Hiện đã có một bảo tàng tư nhân nghĩ đến việc này, nhưng chưa làm được. Họ đã tham gia khảo sát 1 số con tàu, có ý tưởng mở một trưng bày bảo tàng biển Việt Nam ở Phú Quốc, họ định trục vớt các dấu tích thân tàu cổ lên...
 
Cổ vật vớt lên từ tàu đắm

Có con tàu cổ ở các di chỉ thì vẫn còn phần gỗ tương đối nhiều nhưng không đầy đủ, tất nhiên là không thể… chui vào lòng tàu được. Có con tàu thì có dấu vết đã bị cháy trước khi chìm, bị gẫy, bị cát vùi… Cho nên muốn hình dung lại con tàu đắm, tất nhiên phải phục dựng. Khi khai quật các con tàu, chúng tôi cũng vẽ lại sơ đồ các phần vỏ tàu để phục vụ cho nghiên cứu.

* Không kể con tàu cổ vừa được trục vớt ở dưới sông Hồng có niên đại muộn (ước chừng TK 19) cho nên vẫn còn tương đối đầy đủ (khi vớt lên đã bị gẫy đôi); theo ông biết, gần đây còn có những thông tin mới nào về phát hiện tàu đắm ở Việt Nam nữa không?

- Ở Bình Thuận có những thông tin về tàu đắm nhưng không được chính thức thông báo, vì dân vớt lên, bộ đội biên phòng giữ, rồi chuyển cho Bảo tàng địa phương. Số lượng cũng vài chục hiện vật, và giá trị không cao, cho nên cũng không đầu tư thăm dò.

Ở Bà Rịa - Vùng Tàu thì Bảo tàng tỉnh cũng có thông báo về tàu đắm, nhưng số lượng hiện vật cũng ít, chất lượng và giá trị cũng không cao, cho nên những dấu tích đó chỉ có ý nghĩa điểm thêm thôi.

Có một chuyện thú vị là khi xử lý hiện vật ở tàu đắm Hòn Cau (1 trong 5 tàu đắm được khai quật, vào năm 1990- 1991) thì chính tôi được xem một tàu ngư dân vớt được mấy khẩu súng thần công có niên hiệu thời Vạn Lịch thời Minh. Tuy nhiên đó chỉ là một dấu vết chứ chưa có nhiều minh chứng về tàu đắm chở hàng hóa đáng để tổ chức thăm dò khai quật.

* Xin cảm ơn ông!
 

Nguyễn Mỹ (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›