Bản quyền tác giả: Luật có như không

Thứ Tư, 24/09/2014 14:05 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Hàng loạt các tác phẩm không có bản quyền mà vẫn phát hành thời gian qua: Búp sen xanh, Dế mèn phiêu lưu ký, Miếng da lừa (bản dịch)… khiến các tác giả cũng như gia đình các cố tác giả bức xúc.

Ngày 21/3/2013, bà Đỗ Thị Hồng Lạng là con gái dịch giả Trọng Đức (tức nhà văn Đỗ Đức Dục, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa) đại diện gia đình có ký hợp đồng 5 năm (2013-2018) sử dụng tác phẩm với NXB Văn học bản dịch cuốn sách Miếng da lừa (Balzac). Theo thỏa thuận, trước khi in, gia đình sẽ được thông báo về thời gian và số lượng sách phát hành.

Nhưng đến khi phát hiện cuốn sách đã có mặt trên thị trường mà không thông báo với gia đình, ngày 19/5/2014, bà Đỗ Thị Hồng Lạng đã yêu cầu hủy hợp đồng. Bà Hồng Lạng còn cho biết thêm, bản dịch Miếng da lừa của dịch giả Trọng Đức đã bị nhiều nhà xuất bản và nhà sách khai thác trái phép.


Gia đình cố nhà văn Nguyễn Công Hoan bức xúc vì “Nguyễn Công Hoan – Truyện ngắn chọn lọc” bị xâm phạm bản quyền

Không chỉ với cuốn Miếng da lừa, nhiều tác giả và nhiều tác phẩm khác cũng bị in lậu vô tội vạ, không có bản quyền, không nộp lưu chiểu mà vẫn phát hành như cuốn Búp sen xanh của nhà văn Sơn Tùng đứng tên NXB Thời đại (2014); cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài với nhiều phiên bản khác nhau cũng đứng tên NXB Thời đại (2014); tập thơ Góc sân và khoảng trời của nhà thơ Trần Đăng Khoa… Bất bình trước việc Dế mèn phiêu lưu ký bị in lậu, bà Nguyễn Sông Thao, con gái nhà văn Tô Hoài, cho rằng: "Bố tôi vừa qua đời, đây là hành động lợi dụng tên tuổi cụ để kiếm lợi”.

Thậm chí, nhiều cuốn sách thuộc dạng liên kết có mặt trên thị trường nhưng các tác giả đều không được biết, đến khi hỏi tới nhà xuất bản những cuốn sách đó chưa hề được nộp lưu chiểu như Nguyễn Công Hoan - Truyện ngắn chọn lọc do nhà sách Minh Thắng liên kết với NXB Văn học (2013); Hai vạn dặm dưới biển (Lê Anh dịch) cũng do nhà sách Minh Thắng liên kết với NXB Văn học (2012); hay cuốn Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ 19 do nhà sách Minh Lâm và NXB Văn học liên kết (2014).

Hiện nay, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình, cá nhân các tác giả, dịch giả vẫn phải chạy đi chạy lại đến các NXB hoặc các nhà sách đòi tiền nhuận bút mà như đi… xin!

“Tôi là Lê Minh, con gái cố nhà văn Nguyễn Công Hoan, là người được gia đình ủy quyền trong việc xuất bản các tác phẩm của cố nhà văn.

Tôi được biết, hiện nay trên thị trường đang lưu hành cuốn sách của cha tôi, mang tên Nguyễn Công Hoan - Truyện ngắn chọn lọc do NXB Văn học và nhà sách Minh Thắng (808 đường Láng) liên kết phát hành năm 2013.

Năm 2013, NXB Văn học và nhà sách Minh Thắng đã không có một liên hệ gì với gia đình cố nhà văn. Việc làm kể trên đã vi phạm Luật Xuất bản và Luật Sở hữu Trí tuệ...” (Phát biểu của đại diện gia đình cố nhà văn Nguyễn Công Hoan).

Công ty Minh Thành khẳng định thực hiện đúng quy trình

Sau khi đăng bài Sách của cố GS Trần Quốc Vượng cũng bị “luộc” (số báo ra ngày 22/9/2014), chiều qua (23/9), Thể thao & Văn hóa đã nhận được công văn số 127 của Công ty Minh Thành (Nhà sách Thăng Long). Là doanh nghiệp nhà nước trong quân đội, thuộc Bộ Tư lệnh TP.HCM, Công ty Minh Thành (viết tắt: Công ty) khẳng định đã thực hiện quy trình liên kết xuất bản theo đúng quy định.

Công văn 127 nói trên có đoạn: “Ngày 22/5/2012, Công ty đã ký hợp đồng số 11/MBBT/INSTL.2012 với Tạp chí VHNT liên kết xuất bản (tái bản) tên sách: Văn hóa Việt Nam của GS Trần Quốc Vượng. Tại điều 3 có ghi rõ: “Bên B (Tạp chí VHNT) chịu trách nhiệm về bản quyền, trả nhuận bút tác giả, cam kết là đại diện chủ sở hữu tác phẩm ghi trong điều 1. Nếu có tranh chấp về bản quyền, Bên B chịu trách nhiệm giải quyết mọi phát sinh từ hoặc liên quan tới quyền tác giả của xuất bản phẩm ghi tại Điều 1 của hợp đồng này...”

Ngày 19/11/2012, Công ty Minh Thành đã ký hợp đồng số 181 – 2012/LKXB/NXBTĐ-CN với Nhà xuất bản Thời Đại, liên kết xuất bản tên sách Văn hóa Việt Nam, tại Điều 2 ghi rõ: “Trách nhiệm của Bên A (NXB Thời Đại): Tổ chức biên tập, chịu trách nhiệm duyệt nội dung của bản thảo và kỹ, mỹ thuật bìa sách, sửa bông; Ký duyệt bản thảo trước khi đi in, cấp giấy phép xuất bản, nộp lưu chiểu Cục Xuất bản...”.


Ngày 20/12/2013, Công ty đã thanh toán tiền nhuận bút của tác giả thông qua Tạp chí VHNT, tại mục II của bản thanh toán tiền được ghi rõ: Bản thanh toán tiền nhuận bút là văn bản không tách rời hợp đồng liên kết xuất bản, là cơ sở pháp lý của Công ty Minh Thành - Bộ Tư lệnh TP. HCM đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán tiền nhuận bút của tác giả… Ngày 7/11/2013 đã nộp lưu chiểu 15 cuốn sách Văn hóa Việt Nam cho NXB Thời đại và 05 cuốn sách biếu tác giả thông qua Tạp chí VHNT”.

Với cuốn Văn hóa tộc người Việt Nam (như Thể thao & Văn hóa đã phản ánh trước đó trong bài báo Bức xúc vì sách tái bản “cẩu thả” đoạt Giải Sách hay (số báo ra ngày 17/9), Công ty Minh Thành cũng cho biết thực hiện theo quy trình và các văn bản có tính pháp lý đúng quy định của pháp luật.

Cũng trong chiều 23/9, Thể thao & Văn hóa đã gửi công văn đến Cục Xuất bản đề nghị phản hồi về tình trạng vi phạm bản quyền như báo phản ánh thời gian qua. Ông Hoàng Hải Long - Chánh Văn phòng Cục Xuất bản cho biết, công văn sẽ được báo cáo lên lãnh đạo Cục cho ý kiến trong thời gian sớm nhất.

Trong công văn này, báo Thể thao & Văn hóa đề nghị Cục cho biết quan điểm khi các trường hợp sách tái bản có dấu hiệu vi phạm bản quyền, đồng thời phạm nhiều sai sót về nội dung với số lượng lớn; biện pháp bảo vệ bản quyền cho các tác giả, dịch giả cũng như các đơn vị xuất bản của những cuốn sách gốc; đồng thời làm rõ vai trò và trách nhiệm của các NXB đề tên trong các cuốn sách nêu trên.

Thể thao & Văn hóa sẽ tiếp tục phản ánh sự việc tới quý độc giả.

Mai Kiều
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›