(TT&VH) - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội) đang ngày càng trở nên gần gũi, thân thiết với công chúng yêu nghệ thuật trong cả nước. Thành công này đươc ghi nhận từ nỗ lực tạo ra một không gian mở qua những hoạt động cụ thể như: Xóa bỏ các biển cấm quay phim, chụp ảnh, xây dựng không gian sáng tạo cho trẻ em, phòng nghe nhìn… Nhưng để để bảo vệ các hiện vật khi chụp hình,người chụp không được sử dụng đèn chớp sáng (đèn flash).
Ông Đỗ Quốc Việt, Phó Giám đốc Bảo tàng cho biết: Cùng với một không gian trưng bày mở, Bảo tàng đang nỗ lực tạo ra một khuôn viên mở, hòa chung với cảnh quan rất đẹp của khu vực xung quanh; đồng thời bố trí hợp lý khu vực bán, soát vé, để phương tiện hợp lý cho khách. Bên cạnh việc thường xuyên sưu tầm nghiên cứu, bổ sung hiện vật, hồ sơ hiện vật, Bảo tàng đang từng bước hoàn thiện hơn hệ thống trưng bày tạo sự hấp dẫn, mới mẻ hơn với người xem. Một phòng nghe nhìn đang được xây dựng tại Bảo tàng với trang thiết bị chuyên dụng, đồng bộ. Khi hoàn thành và vận hành, phòng chiếu này sẽ đem đến cho khách tham quan những cảm nhận mới qua những đoạn video clip mô tả hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, phục chế tranh, tượng, các hiện vật của Bảo tàng góp phần tuyên truyền, quảng bá di sản VHVN...
Song song với những chương trình hợp tác với các tổ chức, cơ quan, trường học, cá nhân trong ngoài nước trong việc trưng bày, triển lãm hiện vật, tranh, tượng, phù điêu…, Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam tăng cường hoạt động giáo dục thẩm mỹ, nghệ thuật, xây dựng thói quen của công chúng đến thăm bảo tàng, nhất là thế hệ trẻ qua việc triển khai chiến lược phát triển giáo dục mỹ thuật cho công chúng.
Đặc biệt, chương trình “Không gian sáng tạo cho trẻ em”, “học tập suốt đời - chìa khóa thành công”, phòng triển lãm “niềm vui học tập”… mới được triển khai tại đây đã thu hút đông đảo trẻ em, công chúng đến tham quan, trải nghiệm… Những hoạt động thiết thực trên đã và đang giúp Bảo tàng xóa mờ dần quan niệm về một bảo tàng mang nặng chất hàn lâm mỹ thuật - chỉ dành cho giới am hiểu, chuyên sâu về mỹ thuật , người nước ngoài đến nghiên cứu.