(Thethaovanhoa.vn) – Viện Hàn lâm Thụy Điển, tổ chức trao giải Nobel Văn học, vừa bổ nhiệm người đứng đầu mới hôm thứ Sáu sau khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử liên quan tới các cáo buộc tấn công tình dục chống lại chồng của một thành viên của Viện.
- Khủng hoảng tại Viện Hàn lâm Thụy Điển: Ảnh hưởng gì tới giải Nobel Văn học?
- Hội đồng trao giải Nobel Văn học sụp đổ vì bê bối tấn công tình dục
- Chủ nhân Nobel Văn học 2017 - Kazuo Ishiguro: Sự lựa chọn 'sẽ làm cả thế giới hạnh phúc'
Anders Olsson, nhà văn và giáo sư văn chương 69 tuổi nổi tiếng với thái độ bình tĩnh và khả năng ngoại giao của mình, vừa được bổ nhiệm làm thư ký thường trực “tạm thời” của Viện trong nỗ lực đoàn kết 11 thành viên còn lại giữa bối cảnh tranh luận gay gắt đang chia đôi hội đồng trao giải Nobel.
Hai thành viên, trong đó có người đứng đầu - thư ký thường trực Sara Danius, vừa từ chức hôm thứ Năm sau bê bối, trong đó 18 phụ nữ cáo tố cáo họ bị quấy rối và tấn công tình dục bởi Jean-Claude Arnault, chồng nhà thơ đồng thời là thành viên của Viện Katarina Frostenson.
Trước đó đã có ba người khác rời Viện vì cùng lý do là Klas Ostergren, Kjell Espmark và Peter Englund. Ngoài ra, còn hai người cũng “cạch mặt” Viện dù không liên quan tới bê bối lần này. Như vậy, Viện Hàn lâm Thụy Điển chỉ còn 11/18 thành viên.
Những chia rẽ ở Viện còn xuất hiện do bất đồng về cách giải quyết những xung đột lợi ích và về thực tế rằng có thành viên Viện tiết lộ tên người thắng giải Nobel.
Là tổ chức văn hóa tầm cao, Viện thường được biết với tính toàn vẹn và tự quyết, trong đó các cuộc họp và quyết định đưa ra giữa 18 thành viên luôn được giữ bí mật. Nhưng trong vài tuần gần đây, bức màn đã dần hạ xuống khi thành viên hai phía liên tục tung cú đấm vào nhau qua truyền thông.
Sau khi 18 phụ nữ lên tiếng trên tờ Dagens Nyheter của Thụy Điển chống lại Arnault hồi tháng 11 năm ngoái – theo phong trào #MeToo – Viện đã cắt đứt mọi quan hệ với câu lạc bộ văn hóa Forum in Stockholm của Arnault, nơi Viện đã trợ cấp trong nhiều năm và là tụ điểm của giới tinh hoa văn hóa Thụy Điển.
Một bên đứng ra bảo vệ Katarina Frostenson và quan điểm của Viện, còn một bên ủng hộ Danius, người muốn thực hiện cải cách.
“Không phải mọi truyền thống đều đáng được duy trì”, bà Danius nói hôm thứ Sáu trong thông cáo gửi báo chí. “Tôi đồng ý nhận vai trò thư ký vĩnh viễn bởi tôi tin sẽ nhận được ủng hộ cho những mục tiêu cẩn trọng nhưng hiện đại từ Viện”.
Danius, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Viện Hàn lâm Thụy Điển kể từ khi thành lập năm 1786, nói hôm thứ Năm rằng bà đồng ý từ chức sau khi không nhận được sự ủng hộ từ số đa thành viên.
Tuy nhiên, bà lại nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người nổi tiếng ở Thụy Điển, các chính trị gia khi họ đồng loạt đăng ảnh họ mặc áo thắt nơ, giống cái bà mặc khi tuyên bố từ chức, cùng hashtag #knytblus.
Frostenson, người lâu nay từ chối rời vị trí, cũng vừa tuyên bố sẽ rút khỏi các hoạt động của Viện. “Katarina Frostenson đang rời khỏi vị trí ở Viện với hi vọng nó sẽ tiếp tục tồn tại như một tổ chức”.
Vụ bê bối hiện đã kéo danh tiếng của Viện xuống bùn, điều mà Vua Thụy Điển, người bảo trợ Viện và Quỹ Nobel không vui chút nào.
“Chuyện này đang tàn phá danh tiếng của giải Nobel”, Mattias Berg, người phụ trách các vấn đề văn hóa của đài SR nói với AFP. “Có vẻ như Nobel Văn học, giải quan trọng nhất trong giới văn chương thế giới, là đang được trao bởi một Viện thiếu khả năng phán xét và tính toàn vẹn”.
Năm 2016, Viện Hàn lâm Thụy Điển cũng vướng nhiều thị phi khi trao giải Nobel Văn học cho nhạc sĩ – ca sĩ người Mỹ Bob Dylan, người khinh khỉnh không tới lễ trao giải ở Stockholm sau đó.
Về mặt thủ tục, các thành viên của Viện đều là được bổ nhiệm trọn đời và không thể từ chức. Tuy nhiên, họ có thể chọn không tham gia các cuộc họp và đưa quyết định.
Trong tổng số 18 thành viên, hiện có 7 người không hoạt động ở Viện nữa, gây ra một vấn đề nhức đầu khác: theo quy chế của Viện, cần ít nhất 12 thành viên để bỏ phiếu chọn thành viên mới.
Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf cho biết ông sẵn sàng thay đổi quy chế để đảm bảo sự sống còn của Viện.
Đây không phải lần đầu Viện phải đối mặt với làn sóng từ chức. Năm 1989, ba thành viên quyết định bỏ rời bỏ ghế của mình sau khi Viện từ chối phán xét Ayatollah Ruhollah Khomeini, người kêu gọi xử tử tác giả The Satanic Verses Salman Rushdie. Tới tận 27 năm sau, Viện mới làm điều này.
Trong khi đó, các công tố Stockholm công bố hồi giữa tháng Ba rằng một phần điều tra chống lại Arnault – liên quan tới các cáo buộc cưỡng hiếp và quấy rối từ năm 2013 tới 2015 – bị bỏ vì thiếu bằng chứng. Những phần điều tra khác vẫn đang được tiếp tục.
Thư Vĩ (Theo Straitstimes)
Tags