(Thethaovanhoa.vn) - Dù không phải chính thức, nhưng việc một trang mạng có uy tín đưa hai cây bút người Việt vào dự đoán Nobel văn học 2016 đã ít nhiều tạo dư luận trong và ngoài nước. Nhưng liệu mỗi lần Nobel trao giải thì có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp gì với văn học trong nước?
- Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học: một tiền lệ lạ lùng nhưng hợp lý
- Nghe lại những ca khúc 'thần sầu' của chủ nhân giải Nobel Văn học 2016 Bob Dylan
Đầu thập niên 1960 ca khúc Blowin’ In The Wind (tạm dịch: Lời đáp bay trong gió thoảng) của Bob Dylan có những câu như: “… Bao nhiêu đạn pháo sẽ rơi/ Mới đến ngày im tiếng súng/ Bạn thử nghe câu trả lời/ Lời đáp bay trong gió thoảng/ Bao nhiêu mạng người thác oan/ Quả là quá nhiều chết chóc”.
Cho đến nay, ca khúc này đã có hơn 500 phiên bản khác nhau, luôn được nhiều ca sĩ, nhóm nhạc hát lại.
“Trịnh Công Sơn của Mỹ”
Nhà nghiên cứu John C. Schafer từng tình nguyện đến dạy tiếng Anh tại Đà Nẵng từ năm 1968, rất mau sau đó ông nhận ra sự tương đồng về tư tưởng trong nhiều ca khúc giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan. Có vài lần John C. Schafer viết đại ý Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan Việt Nam”, và Bob Dylan là “Trịnh Công Sơn của Mỹ”.
Bìa sách “Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: như trăng và nguyệt?”
Sau này, trong các đặc khảo, ông so sánh ca khúc phản chiến của Bob Dylan với ca khúc “da vàng” của Trịnh Công Sơn, để từ mối quan tâm chung đó chỉ ra hai cá tính sáng tạo và tâm thế khác nhau. Về số lượng ca khúc phản chiến, Trịnh Công Sơn nhiều gấp khoảng 10 lần Bob Dylan.
Cả hai đều có sự quan tâm đặc biệt về triết lý, tôn giáo và chất hiện sinh, tính vô thường của đời sống. Về ca từ, cả hai đều rất chăm chút chất thơ, nhiều ca khúc tách ca từ có thể thành một bài thơ hoàn chỉnh. Trong các lý do mà Hàn lâm viện Thụy Điển công bố, ca từ thấm đẫm chất thơ là một thế mạnh của Bob Dylan.
Chính vì sự tương đồng và dị biệt như vậy mà khi cuốn Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: như trăng và nguyệt? (NXB Trẻ 2012) của John C. Schafer phát hành đã tạo nên làn sóng trong giới nghiên cứu.
Một gợi ý dịch thuật tiếng Việt
Khi Bob Dylan đoạt giải Nobel thì hệ quả kéo theo trên toàn thế giới là nhiều tác phẩm văn học của ông sẽ dịch và nghiên cứu, nhiều ca khúc của ông sẽ được hát lại. Việt Nam chắc chắn cũng vậy.
Riêng về khía cạnh văn học, Bob Dylan có một tiểu thuyết rất quan trọng, tên là Tarantula - một thể nghiệm văn xuôi thơ. Nó được viết trong các năm 1965 và 1966, dùng thủ pháp dòng ý thức (stream of consciousness), một thủ pháp mà các bậc thầy như William Faulkner, Jack Kerouac, William S. Burroughs, Allen Ginsberg… cũng đã theo đuổi.
Có điều ngạc nhiên, khi nhắc về Bob Dylan, ít khi người ta nhắc đến Tarantula; trong các văn bản đã công bố chính thức tại Việt Nam, tiểu thuyết này gần như chưa bao giờ được nhắc đến.
Tiểu thuyết này tiền phong đến mức mà suốt nửa thế kỷ qua, tại Mỹ, người thích thì cứ điêu đứng, người không thích thì tha hồ dè bỉu. Nhưng từ đầu thế kỷ 21, sau các nghiên cứu và tái đánh giá lại vai trò quan trọng của nó, Tarantula đã được tái bản trong tiếng Anh, được dịch sang nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Croatia, Czech…
Ngoài ra, các tuyển tập lời ca của Bob Dylan như The Complete Annotated Lyrics (2014), Lyrics 1962-2001 (2004), The Definitive Bob Dylan Songbook (2001), Forever Young (2008)… xứng đáng để dịch và đọc độc lập như những tập thơ. Năm 2001, ông thành công với cuốn hồi ký Chronicles: Volume One; theo một nguồn tin khả tín, ông cũng đã ký hợp đồng in 6 cuốn sách với NXB Simon & Schustertungas - một mảnh đất màu mỡ cho dịch thuật.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa
Tags