(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Sự ra đi của Trần Lập để lại một khoảng trống cho rock Việt, dù theo cách nhìn từ hướng nào thì khoảng trống ấy vẫn là có thật. Và sự thật là 20 năm qua, Bức Tường trở thành nhóm nhạc rock thành công nhất tại Việt Nam và họ tạo ra những giá trị nhất định trong đó họ trở thành nhóm rock tiên phong bắt tay với các thương hiệu để làm rock theo cách rất riêng của mình.
- Điếu văn Trần Lập: Anh đã 'khắc tên mình trên đời'
- CHÙM ẢNH: Những 'đôi bàn tay' vẫy chào Trần Lập lần cuối
- Viết riêng cho anh Trần Lập... (*)
Ở tuổi 50, Kaiser Kuo, giám đốc truyền thông quốc tế của công cụ tìm kiếm Baidu đồng thời được cho là người ươm rock vào Trung Quốc, cựu thành viên Tang Dynasty (Đường Trào) và về sau là Xuân Thu, với âm thanh heavy metal kết hợp phong vị Á Đông rõ nét, đã có những thành công khiêm tốn hơn nhiều so với những gì Trần Lập làm được.
Bức tường khép
Nếu không có Bức Tường, cái gọi là rock Việt sẽ không có một diện mạo như ngày hôm nay, nhưng không một ai biết diện mạo khác của nó sẽ ra sao. Luận về điều đã qua đều là những diễn dịch thường sai nhiều hơn đúng.
Trước Bức Tường, văn hóa Việt sau một thời gian khép đã mở, nhưng không có một bức tường để giữ gìn những luồng văn hóa du nhập, chứ không cản lại. Nhưng một ban nhạc sau 20 năm tồn tại, và kết thúc vào thời điểm đại trà phổ biến của internet như ngày nay, đó là một chặng đường vừa rộng lại vừa hẹp, vừa hợp lại vừa không hợp. Tựu chung, có lẽ đúng sai tương đồng, và mỗi lựa chọn đều có những thuận nghịch của riêng nó trong từng bối cảnh cụ thể.
Không phải bức tường tự cô lập mà Roger Waters vẽ ra trong album The Wall của nhóm rock huyền thoại Pink Floyd, hòng chống lại những đớn đau gây ra với con người nhộn nhạo những chấn thương tâm lý, Bức Tường viết in hoa là một bức tường hình tượng với văn hóa thưởng thức Việt, là dáng dấp ban nhạc Bức Tường.
Từ khởi sinh trong môi trường sinh viên Xây dựng, cái tên rất “xây dựng” Bức Tường, như trong nhiều điển hình thành công khác, dường như chứa trong nó nhiều cách hiểu và diễn giải theo thời gian, và theo mức độ thành công của nhóm và cá nhân thủ lĩnh Trần Lập.
Không sinh trưởng từ cái nôi của văn hóa âm nhạc bản xứ như Kaiser Kuo (ở California) để rồi trở lại quê hương gầy dựng cộng đồng rock ở Trung Quốc, Trần Lập hấp thu một nền tảng rock chất, nhưng thiếu lượng, và cái thiếu nhất chính là, làm thế nào để xây dựng một cộng đồng khi có quá nhiều luồng ý kiến đối lập, khi khoảng cách tuổi tác không đồng nghĩa với lượng tri thức văn hóa (hay vốn văn hóa - cultural capital) có được, mà thực tế, điều ngược lại dường như hợp lý hơn, ở vào một mốc thời gian nhất định.
Việc tự quay lưng (hoặc bắt tay thương hiệu) với cộng đồng sản sinh ra mình không phải điều mới mẻ trong cộng đồng khép như Rock, như nhóm Microwave, như nhóm Unlimited đã làm, nhưng hãy nhớ rằng, rock trong khái niệm của thế hệ tiếp thu ấy không khác xa với pop, bởi tính đại chúng và sự hưởng ứng mạnh mẽ.
Sự tự quay lưng với cộng đồng còn có thể là một bước đi tất yếu, thể hiện cho sự khảng khái, phóng khoáng của người nghệ sĩ chỉ phục tùng sở thích của mình. Và cũng trong thời điểm ấy, những khuôn rập ướm gọn vào những người đang thực sự làm cái gì đó cho âm nhạc độc lập, như rock sánh đôi với bộ phận sinh viên Kiến trúc, Mỹ thuật, vốn dĩ phải tự tiếp xúc và cởi mở hơn cả với những sản phẩm văn hóa mới mẻ với cả xã hội.
Cộng với sự thức thời và tài năng sáng tác ca từ và giai điệu đơn giản, thành công của Bức Tường ở từng nấc thang không thể phủ nhận tài năng và tầm nhìn.
Gia tài lớn nhất của Bức Tường nói chung và Trần Lập nói riêng chính là truyền cảm hứng cho những người trẻ hơn và thật sự dám làm những điều mà họ đã không thể, hay không muốn, hay chưa bao giờ nghĩ tới về nó đủ nghiêm túc.
Bức tường che chắn
Lối nghĩ dùng show diễn, bất kể quy mô và tính chất, làm tâm điểm của một cộng đồng là một sự lợi bất cập hại. Bức Tường có nhiều cái mở đầu và sự mở đầu lớn nhất và cũng là quan trọng nhất cho họ và cả rock Việt, là việc bắt tay với các thương hiệu.
Ở các sân khấu không bán vé đã xảy ra những cuộc thỏa hiệp, hoặc bài xích, giữa tư tưởng chính thống và underground, phân luồng các nhóm nhạc và đối tượng tiếp xúc rõ rệt cho mỗi bên. Ở đó, lợi ích duy nhất chỉ nằm ở tài chính nhất thời, là thứ mà cộng đồng đã từ lâu và chưa bao giờ có thể cung cấp được cho nghệ sỹ. Một vòng luẩn quẩn giữa đam mê và thỏa hiệp, thỏa hiệp để theo đuổi đam mê, nhưng đam mê không thể bị thỏa hiệp.
Những trang có nguồn tin trong cộng đồng rock Việt như Hehemetal cũng không thể duy trì một lượng nội dung mới đủ đều đặn và cập nhật, để duy trì niềm ham thích và kiến thức cho một tập thể sức ì và ỷ lại quá lớn. Ngoài ra, không một thiết chế nào khác, như bản quyền, băng đĩa gốc, hệ thống xuất bản độc lập mạnh mẽ hơn, được các thương hiệu ngó đến và xây dựng bởi đó nào có phải là việc của họ. Và không một nghệ sĩ nào theo hướng đại chúng thật sự đoái hoài đến nó.
Có thể khẳng định, hầu như không một buổi diễn có nghệ sĩ quốc tế nào diễn ra ngoài vòng xoáy thương hiệu nhận được một sự ủng hộ từ những cá nhân chơi nhạc rock nhánh đại chúng. Đó là một thế giới hoàn toàn khác, mà từ thời điểm bắt tay với các thương hiệu, họ đã không còn hay không thật để tâm tới nó, hoặc không còn được chào đón nữa.
Thành công 10 năm hay 20 năm của một nhóm nhạc chỉ quanh quẩn ở các sự kiện của nhãn hàng miễn phí, hay xuất hiện cá nhân tại gameshow truyền hình âm nhạc để tạo đối trọng, và chưa một show diễn ngoài nước đúng nghĩa khai phá thị trường nào, khó lòng gọi được là thành công đáng kể trong bối cảnh âm nhạc ngày càng mở rộng mà nghệ sỹ trẻ hơn đang cố thu ngắn khoảng cách đã quá xa.
Việc vươn ra biển lớn bằng thực lực, và tiềm lực tài chính trong và ngoài âm nhạc, là một tuyên ngôn thiết thực với bối cảnh hiện nay. Sự ra đi của Trần Lập, bằng tất cả sự kính trọng dành cho anh, nên là thời điểm tháo dỡ những mảnh gạch cuối cùng ra khỏi bức tường khép.
Bài tiếp theo: Rock Việt tạm vắng… 'bão'
Du Lê
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags