Ca sĩ Thu Phương: Biết đâu, tôi lại viết tự truyện?

Chủ nhật, 12/06/2016 14:11 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Những cuộc chuyển dời đầy biến động đã diễn ra với Thu Phương: từ Hải Phòng lên Hà Nội lập nghiệp, vào Nam rồi đi Mỹ. Chừng đó là đủ, để giọng ca của Dòng sông lơ đãng có những trải nghiệm đầy thấm thía khi nói về cuộc sống của mình.

30 năm theo nghề, ca sĩ Thu Phương đã không chọn một liveshow để mở màn cho những hoạt động của mình tại Việt Nam trong năm 2016. Thay vào đó sẽ là bộ phim ca nhạc Nam Phương hoàng hậu (ra mắt khán giả vào mùa thu này).

* Chị sẽ xuất hiện thế nào trong dự án phim ca nhạc này?

- Tôi chỉ hát đúng bốn tác phẩm được viết riêng cho Nam Phương Hoàng hậu, còn vai diễn này sẽ do người khác thể hiện. Bốn tác phẩm ấy, tôi mong gửi gắm nhiều điều: những giá trị của thời gian, lịch sử, của người phụ nữ Việt Nam…

* Chị e ngại không, nếu từ cái tên này, có người nói rằng Thu Phương muốn thể hiện tinh thần “nếu không là diva thì cũng là bà hoàng”?

- Thật lòng, tôi rất thích một câu nói của nhạc sĩ Quốc Bảo về mình. Đó là Thu Phương hay là âm nhạc của Thu Phương ở trong lòng người yêu nhạc Việt, nhiều thế hệ. Có những người tri kỉ chia sẻ cùng Phương trong suốt 30 năm qua với những vấp ngã, sóng gió, thành công, thất bại và cũng có những người vừa mới yêu Phương ngày hôm qua.

Khán giả yêu quý, cuộc sống của tôi có ý nghĩa hơn. Và từ sự có ý nghĩa ấy, tôi tự thấy mình buộc phải đáp lại họ, trong vai trò của một ca sĩ.


Ca sĩ Thu Phương trong buổi họp báo giới thiệu dự án phim "Nam Phương hoàng hậu"

* Nhưng, sao chị lại chọn phim ca nhạc chứ không phải là một liveshow để kỉ niệm 30 năm theo nghề của mình?

- Vì đây là dự án quan trọng, ý nghĩa và tâm huyết nhất của tôi. Còn để kỉ niệm 30 năm ca hát của mình, tôi còn rất nhiều dự án khác. Tôi đã đặt cho mình chỉ tiêu rõ ràng như tôi sẽ thực hiện 30 show diễn tại Việt Nam trong suốt quá trình về, với bất cứ hình thức nào, từ nhỏ đến tầm cỡ, với tất cả các đối tượng khán giả, từ sinh viên.

Ngoài ra, tôi còn hợp tác cùng các nghệ sĩ trẻ để cho ra mắt những sản phẩm dành cho giới trẻ, như làm việc với violon Hoàng Rob chẳng hạn.

Riêng liveshow như mọi người chờ đợi, nếu làm, tôi sẽ không chọn sự hoành tráng. Vì thực sự tôi muốn tìm về với kỉ niệm của mình trong đêm nhạc này. Tôi không quên được ngày 25/9/1986, lần đầu tiên tôi đặt chân đến sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ. Đây là đêm nhạc tôi chờ đợi nhất và đang cố gắng để biến nó thành hiện thực.

* Vậy, nhìn lại 30 năm ấy, chị tự thấy những dấu mốc nào quan trọng nhất với mình?

- Dù sao cũng phải nói tới sự kết hợp giữa tôi và nhạc sĩ Việt Anh trong ca khúc Dòng sông lơ đãng năm 1997. Đấy là thời điểm khán giả biết đến mình, âm nhạc của mình cũng gắn với nhạc sĩ Việt Anh và mình cũng định hình được dòng nhạc mà mình theo đuổi, đúng với mình nhất cho đến tận bây giờ.

Còn lại thì cũng nhiều lắm, khó kể hết được những dấu mốc khi tôi theo nghề suốt 3 thập kỷ, đi nhiều nơi, gặp rất nhiều khán giả. Phần nào, tôi cũng là người rất may mắn.

* Nhưng, song hành với may mắn ấy cũng là những mất mát nữa, chị nghĩ vậy không?

- Đúng đấy! Vấn đề là mình ứng xử với những chuyện ấy thế nào thôi. Mỗi lúc gặp những mất mát như vậy, tôi tự động viên rằng mình sẽ lấy điều này để nhìn nhận lại bản thân. Có người nhìn lại với tâm lý “tự mình biết riêng mình, tự ta biết riêng ta”.

Ca sĩ Thu Phương: Tôi đã khóc cho rất nhiều điều…

Ca sĩ Thu Phương: Tôi đã khóc cho rất nhiều điều…

Trước thời gian trở về Việt Nam, để tham gia vào Không gian âm nhạc (27, 28/8 tại 19 Lê Thánh Tông), ca sĩ Thu Phương bận rộn chuẩn bị 30 tình khúc tặng khán giả Thủ đô.


Nhưng tôi thì luôn sẵn sàng chia sẻ điều ấy với những người trẻ - những người có thể không vấp phải những “cú ngã” như tôi nhưng có nhu cầu tìm hiểu thêm về kinh nghiệm sống.

Tôi nhớ đến cuộc trò chuyện của mình với nhà báo Lại Văn Sâm. Khi ấy, ông hỏi tôi nghĩ gì về mối quan hệ giữa mình và khán giả. Tôi trả lời rằng, khán giả như là tấm gương. Và cho dù tấm gương ấy có lỗi, mờ, sáng tùy thời điểm thì mình cũng được soi mình, có được ngày hôm nay.

* Vậy, khi nhìn lại những cuộc chuyển dời trong cuộc đời mình, chị thường có cảm giác thế nào?

- Khi sang Mỹ, tôi không nghĩ tới vai trò ca sĩ của mình đâu. Cũng không hề nghĩ đến những hệ lụy sẽ liên quan mà chỉ nghĩ mình là một người mẹ đang muốn cuộc sống tốt hơn cho gia đình. Đó là một cái giá phải trả và là nỗi đau của bản thân, vì cuộc đời quả thật không hề đơn giản như vậy.

Rồi, không chỉ là nỗi đau của bản thân, có thể tôi cũng làm tổn thương người khác. Nếu được lựa chọn quay ngược lại thời gian, tôi cũng chọn cách làm khác, để nỗi đau nếu xảy ra thì cũng sẽ chỉ đến với bản thân mình.

Nhưng, sau tất cả mọi chuyện, tôi là một người luôn lạc quan và tích cực. Những kỷ niệm buồn và những lần vấp ngã cũng là một sự bồi đắp cho cuộc đời mình. Biết đâu, nhờ những câu chuyện ấy, mình có thể viết tự truyện được thì sao? (cười).

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

An Yên
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›