Ca sĩ Thùy Dung: Với tôi, im lặng cũng là cách giữ đẳng cấp

Thứ Năm, 28/04/2011 14:25 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Đến gặp Thùy Dung ở Trường Nghệ thuật Seedlink (http://Seedlink.vn), hình ảnh mà tôi thấy không phải là sự thướt tha của một nghệ sĩ piano hay sự lộng lẫy của một ca sĩ trên sân khấu. Thùy Dung thật trẻ trung và năng động với áo váy và quần legging, tóc cột cao. Đặc biệt là trông chị rất hạnh phúc. Lý do là chị vừa mới tổ chức sinh nhật cho Seedlink tròn một tuổi. Đây là ngôi trường mà cả hai vợ chồng chị rất tâm huyết mở ra dành cho tất cả những ai yêu thích nghệ thuật.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với chị.

Ca sĩ - giảng viên Thùy Dung

* Seedlink của chị đã ra đời như thế nào?

- Nói vui thì đây là “sân sau” của tôi. Có lẽ với bất kỳ một người làm nghệ thuật nào cũng đều đau đáu về những năm tháng khi không còn đứng trên sâu khấu, mình sẽ làm gì? Ca sĩ là một nghề đầy vinh quang, huy hoàng, lộng lẫy nhưng có lẽ phải hết sức bình tĩnh để trở lại trạng thái cân bằng sau khi rời xa nó. Chồng tôi sợ rằng, khi tôi đến tuổi U40, bỗng dở chứng ăn mặc xanh đỏ tím vàng, môi đỏ choét suốt ngày nói về quá khứ. Anh muốn tôi vẫn được gắn bó với nghề vì dù sao chúng tôi cũng đều là những thầy cô giáo.

Còn tôi, lúc đầu cũng có vài phương án như mở phòng trà ca nhạc hay ý tưởng xây chung cư cho thuê nhưng đều thấy không ổn. Cuối cùng Seedlink đã ra đời.

* Và thành quả sau một năm mở trường?

- Khởi động từ tháng 1/2010 cho đến nay trường đã có khoảng 300 học viên và 23/4/2011 vừa qua, Seedlink đã có một đêm sinh nhật tròn 1 tuổi đáng nhớ tại phòng hòa nhạc ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Tôi đã đầu tư cho chương trình này hết sức công phu như bất cứ một chương trình nào tổ chức ở Nhà hát Lớn. Với nghệ sĩ điện ảnh, giải thưởng danh giá của họ là Oscar, còn tôi, sau 20 năm đi diễn, đến hôm nay tôi mới có một tượng vàng dành riêng cho mình, đó chính là niềm tin của các phụ huynh khi họ gửi gắm con em mình ở đây.

* Ra đời sau một số trung tâm nghệ thuật khác, chắc hẳn Seedlink phải chọn cho mình con đường đi riêng?

- Tôi có thể nói luôn sự khác biệt đầu tiên ở Seedlink là trường nói không với dạy tập thể ở những môn học như piano hay các nhạc cụ khác. Bạn thử hình dung xem, trong thời lượng 1 tiếng (60 phút), 1 giáo viên dạy 10 học sinh thì thời gian dành cho mỗi em là bao nhiêu? Tôi đã đi dạy nhiều và kiểm chứng hiệu quả của việc học tập thể với học cá nhân đối với những bộ môn chuyên ngành này như thế nào và mô hình 1 thầy 1 trò trong 45 phút là lựa chọn tối ưu nhất. Với sự chuyên nghiệp đó, các em sẽ được học với chất lượng tốt nhất và được phát huy khả năng của mình nhiều nhất. Ngoài ra, để hỗ trợ các phụ huynh về thời gian, đưa đón học sinh từ các trường phổ thông và mầm non về Seedlink cũng là một sự khác biệt của chúng tôi.

Các học viên ở Seedlink biểu diễn trong đêm sinh nhật tròn 1 tuổi Trường nghệ thuật Seedlink

* Chị có đặt nặng mục tiêu kinh doanh khi mở trường dạy nhạc này?

- Trước khi mở trường, chúng tôi cũng đã cân nhắc kỹ về địa điểm. Đã tính nếu đi thuê thì sẽ không đủ sức chi trả mọi thứ nên quyết định đập ngôi nhà cũ, xây lại thành một tổ hợp 8 tầng, 2 tầng trên làm nhà ở, dưới là trường học. Đây là nhà mình rồi nên tôi không quá đau đầu về kinh doanh nữa, chí ít là không phải trả tiền thuê nhà. Cho nên học phí cũng rất thỏa đáng. Hát, múa, vẽ đều chỉ 60.000 đồng/giờ. Tôi còn tự hào vì so với nhiều nơi, Seedlink còn có một cơ sở vật chất rất đẹp.

Tôi nghĩ âm nhạc không phải chỉ dành cho người giàu mà âm nhạc dành cho tất cả nên phải có những mức phí đặt ra một cách phù hợp. Chúng tôi không nhắm đến một đối tượng cụ thể nào vì muốn cổ vũ cho những ai yêu nhạc đều có thể đến học được.

* Còn kỳ vọng ở đây là gì?

- Mong muốn thì nhiều lắm. Đầu tiên là mong cho âm nhạc trở thành một môn năng khiếu bắt buộc phải học. Tôi thấy tại sao các con có thể học ngoại ngữ được mà không thể học nhạc, khi âm nhạc luôn làm cuộc sống con người trở nên phong phú? Khi dạy học sinh, tôi vẫn nói với các con là cứ nghe nhạc hàn lâm như khi nghe hát. Âm nhạc hàn lâm, nếu ở mức độ phổ cập thông thường, không quá cao xa thì rất dễ nghe. Vì thế mà các dàn nhạc giao hưởng ở Việt Nam vẫn có những chương trình dễ nghe với những tác phẩm cổ điển quen thuộc để đến gần với công chúng hơn.

* Mải mê với vai trò mới này, chị không sợ khán giả quên mình?

- Nói thật là dạy học vừa mất nhiều thời gian, vừa khản cả giọng nhưng tôi hạnh phúc, và không phải lúc nào lên sân khấu cũng khiến khán giả nhớ đến mình đâu. Tôi lại không phải kiểu người thỉnh thoảng lại gồng mình lên, rồi làm gì đó gây “sốc” để người ta khỏi quên mình. Với tôi, im lặng cũng là cách để giữ đẳng cấp.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Ngọc Minh (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›