(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 1/6, tại Phố Sách Hà Nội đã diễn ra Lễ phát động cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô 2017”.
- Hội sách và chuyện 'định lượng' văn hóa đọc
- Hà Nội tìm kiếm 'Đại sứ Văn hóa đọc''
- Ngắm biểu tượng văn hóa đọc của người Đà Nẵng
- Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Suy tư từ văn hóa đọc
Đây là cuộc thi thường niên do Trung tâm hợp tác Trí tuệ Việt Nam, Sở TT&TT, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp tổ chức. Mục đích của cuộc thi là tìm ra các gương mặt Đại sứ Văn hóa đọc – nhân tố thúc đẩy đam mê, lan tỏa tình yêu sách của thế hệ trẻ Hà Nội.
Ở mùa đầu tiên, chỉ sau 3 tháng phát động, (1/6-15/9/2016), cuộc thi đã thu hút hơn 10.000 học sinh Hà Nội tham dự ở cấp trường và cấp phòng GD&ĐT.
Tại VCK, BTC đã lựa chọn được 20 "Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô" phần tiếng Việt, cùng 5 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô phần tiếng Anh.
"Qua cuộc thi này, các em đã thể hiện niềm say mê với sách, biết cách cảm thụ và trải lòng mình trên từng trang viết, đồng thời truyền cảm hứng đọc sách tới nhiều người khác trong cộng đồng", ông Phạm Xuân Tiến, Phó GĐ Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện cho BTC cuộc thi đánh giá.
Nhiều "Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô" tuy còn rất nhỏ tuổi nhưng đã biết cách làm cho lan tỏa tình yêu đối với sách, giá trị của sách và... văn hóa đọc.
Một trong những "Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô 2016" nhỏ tuổi nhất là em Nguyễn Cảnh Thắng (Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long, Hoàng Mai) cho biết, em đang cùng các bác tổ dân phố ở khu chung cư nơi gia đình em sinh sống thành lập một thư viện ở tầng 1 để góp phần xây dựng thói quen đọc sách cho từng hộ gia đình.
Cuốn sách gối đầu của "mọt sách" Nguyễn Cảnh Thắng là 7 thói quen để trẻ trưởng thành của tác giả Sean Covey. Ngoài ra là cuốn Con đường phía trước (The Road Ahead) – tự truyện của Bill Gates.
Tương tự, nữ "Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô 2016" Nguyễn Vân Thùy Linh, (Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q Hoàn Kiếm, Hà Nội) đưa ra ý tưởng đặt những quầy sách miễn phí quanh phố đi bộ Hồ Gươm để ai ai cũng có thể đọc được sách, trao đổi với nhau về sách.
"Ngoài ra, em rất muốn mỗi tổ dân phố ở Hà Nội nên có một thư viện hoặc đơn giản một không gian đọc cho các bạn thiếu nhi. Trong không gian đọc ấy, nên có những cuốn sách về lịch sử, địa lý và khoa học liên quan đến các môn học của các bạn để ngoài việc học trong sách giáo khoa, các bạn có thể đọc thêm, tìm hiểu thêm về các lĩnh vực liên quan đến bài học", Nguyễn Thùy Linh nói.
Trong khi đó, "Đại sứ Văn hóa đọc 2016" phần tiếng Anh Cao Mỹ Duyên (Trường Tiểu học Lý Thái Tổ, Q Cầu Giấy) đã mong muốn theo tấm gương của chú Nguyễn Quang Thạch lan toả tình yêu đọc sách tới những người khác....
Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô 2017” được phát động chính thức tại Hội sách Thiếu nhi 01/06/2017, tổ chức lần thứ hai tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và tổng kết, trao giải tại Hội sách Hà Nội 2017 vào dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô 10/10 tại Di sản Hoàng Thành - Thăng Long Hà Nội.
Mục tiêu của cuộc thi lần 2 này là hướng đến 10.000 em học sinh cấp 1-2 trên địa bàn Hà Nội và kỳ vọng sẽ "chấm" được 100 Đại sứ.
Phạm Huy
Tags