Các sao võ thuật 'nổi' nhất Trung Quốc: Lý Tiểu Long chưa phải là số một

Thứ Năm, 23/07/2015 06:16 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khi nói đến các ngôi sao võ thuật Trung Quốc, tên tuổi đầu tiên mà người ta nghĩ tới là Lý Tiểu Long. Tuy nhiên, theo danh sách bình chọn mới của trang China.org, Lý Tiểu Long lại không chiếm vị trí đầu.

Ngôi vị "quán quân" thuộc về Châu Tỷ Lợi và Lý Tiểu Long phải xếp sau cái tên này. Nhưng dù sao, ông vẫn nằm trong top 10 ngôi sao võ thuật hàng đầu.

1. Châu Tỷ Lợi. Tại sao Châu Tỷ Lợi lại có thể vượt mặt Lý Tiểu Long để đứng đầu danh sách này? Lý do bởi ông là người Trung Quốc duy nhất trong lịch sử đã giành chức vô địch quyền cước (kết hợp quyền Anh và karate) thế giới.

Châu Tỷ Lợi sinh năm 1958 ở Calgary, Canada. Sau khi bắt đầu học võ thuật từ năm 11 tuổi, ông đã đoạt danh hiệu vô địch quyền cước hạng nặng của Canada trong năm 1982. Giai đoạn 1984 - 1986, ông liên tiếp đoạt danh hiệu vô địch thế giới quyền cước hạng siêu nặng.

Năm 1985, Châu Tỷ Lợi chuyển tới Hong Kong và ra mắt làng điện ảnh với phim Winner Takes All? (1984). Trong những năm 1980, ông xuất hiện tại nhiều phim hành động, như Rồng bất tử (1988) và Kỳ tích (1989). Năm 1994, Châu Tỷ Lợi làm nên tên tuổi với vai tướng Fujita trong phim Tinh võ anh hùng. Tháng 8/2006, ông từ giã nghề diễn ở tuổi 48, sau khi tham gia bộ phim cuối cùng Dragon in Fury.

2. Lý Tiểu Long. Sinh năm 1940 ở San Francisco (Mỹ), Lý Tiểu Long là một bậc thầy của võ thuật Trung Quốc. Ông được coi là đại sứ văn hóa, người đã phát triển võ thuật Trung Hoa cổ đại theo lối “bắc cầu”, nối liền khoảng cách giữa phương Đông và phương Tây. Ông là người đã đưa võ thuật Trung Quốc tới đông đảo công chúng phương Tây.

Lý Tiểu Long đóng phim từ khi mới 3 tháng tuổi. Ông chuyển tới Hong Kong cùng gia đình và học tiểu học ở nơi này. Thầy dạy võ thuật của Lý Tiểu Long là Diệp Vấn, bậc thầy phái Vịnh Xuân.


Lý Tiểu Long

 

Năm 1971, Lý Tiểu Long được công ty Giải trí Golden Harvest mời đóng phim Đường Sơn đại huynh. Phim đã thu về được 3,1 triệu HKD, mức doanh thu “khủng” thời đó. Sau thành công của phim này, Lý Tiểu Long đã thành lập hãng phim riêng, đạo diễn và diễn xuất trong các bộ phim của mình, gồm Mãnh long quá giang, Tử vong du hý.

Ngày 20/7/1973, Lý Tiểu Long đột tử ở Hong Kong, trong khi đang quay phim Tử vong du hý.

3. Thành Long. Kể từ năm 1962, Thành Long bắt đầu sự nghiệp trong ngành điện ảnh Hong Kong, với vai trò là một diễn viên đóng thế, đạo diễn hành động, diễn viên, nhà sản xuất và đạo diễn phim. Ông nổi tiếng với các màn biểu diễn võ thuật sáng tạo và đầy màu sắc hài hước.

Đến nay, Thành Long đã xuất hiện trong hơn 150 phim và đạo diễn 15 phim, phần lớn trong số đó là phim hành động. Ông đã được gắn sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood và Đại lộ Ngôi sao Hong Kong.


Thành Long

 

4. Lý Liên Kiệt. Sinh năm 1963 ở Bắc Kinh, Lý Liên Kiệt bắt đầu học võ từ năm 1971 cùng bậc thầy Ngô Bân, tại trường Thể thao Bắc Kinh. Từ năm 1975 đến năm 1979, Lý Liên Kiệt đã đoạt giải vô địch quốc gia wushu trẻ toàn quốc 5 năm liền.


Lý Liên Kiệt

 

Năm 1982, Lý Liên Kiệt nổi tiếng khắp Trung Quốc với bộ phim đầu tay Thiếu lâm tự. Kể từ đó, anh đã hóa thân thành nhiều người hùng võ thuật trong văn hóa Trung Quốc, như Hoắc Nguyên Giáp, Hoàng Phi Hồng, Phương Thế Ngọc.

Năm 1998, Lý Liên Kiệt ra mắt Hollywood với vai kẻ vô lại trong phim Lethal Weapon 4 (1998). Vai diễn chính đầu tiên của anh trong phim Hollywood là Han Sing với Romeo Must Die (2000).

5. Chân Tử Đan. Sinh năm 1963 ở Quảng Châu (Trung Quốc), Chân Tử Đan cùng gia đình chuyển tới Hong Kong khi mới 2 tuổi và 11 tuổi thì tới Boston (Mỹ). Mẹ anh là một bậc thầy phái Võ Đang và Thái cực quyền. Chịu sự ảnh hưởng từ mẹ, Chân Tử Đan bắt đầu học võ từ khi còn nhỏ. Anh cũng từng học wushu tại trường Thể thao Bắc Kinh trong 2 năm.


Chân Tử Đan

 

Năm 1982, trên đường trở về Mỹ, Chân Tử Đan dừng chân ở Hong Kong và gặp đạo diễn phim hành động Viên Hòa Bình. 2 năm sau, Chân Tử Đan nổi tiếng với phim Thái cực túy quyền.

Trong thập kỷ qua, anh đã trở thành một trong những ngôi sao võ thuật hàng đầu Trung Quốc và góp phần phổ cập hóa phái võ Vịnh Xuân truyền thống.

6. Triệu Văn Trác. Triệu Văn Trác Sinh năm 1972 ở Hắc Long Giang. Cha Triệu Văn Trác là một diễn viên am hiểu võ thuật và mẹ anh là một vận động viên chạy nước rút, từng lập kỷ lục là vận động viên nữ chạy nhanh nhất ở Cáp Nhĩ Tân.

Nền tảng đó khiến anh học võ từ khi còn nhỏ. Năm 1992, Triệu Văn Trác bắt đầu sự nghiệp diễn xuất, khi nhà sản xuất phim Hong Kong Nguyên Khuê mời anh thủ vai chính trong phim Phương Thế Ngọc. Trong những năm sau đó, anh nổi danh với chân dung Hoàng Phi Hồng.


Triệu Văn Trác

 

7. Hồng Kim Bảo. Sinh năm 1952 ở Hong Kong, Hồng Kim Bảo bắt đầu học Kinh kịch tại Viện Kịch hý Trung Quốc khi mới 6 tuổi. Ông được coi là một trong những nhân vật nòng cốt nhất trong dòng phim hành động Hong Kong, cùng với Thành Long, Nguyên Khuê...

Năm 1961, Hồng Kim Bảo bắt đầu sự nghiệp diễn viên, đạo diễn hành động, nhà sản xuất phim và đạo diễn.


Hồng Kim Bảo

 

8. Nguyên Bưu. Sinh năm 1957 tại Hong Kong, Nguyên Bưu bắt đầu sự nghiệp diễn viên đóng thế từ đầu những năm 1970 và đã đóng thế cho Lý Tiểu Long trong các phim Tinh võ môn, Mãnh long quá giang và Long tranh hổ đấu.

Cuối những năm 1970 và đầu thập kỷ 1980, ông bắt đầu sự nghiệp diễn viên. Đến nay, Nguyên Bưu đã tham gia hơn 80 dự án điện ảnh, với vai trò là diễn viên, diễn viên đóng thế và đạo diễn hành động.


Nguyên Bưu

 

9. Ngô Kinh. Sinh năm 1974 ở Bắc Kinh, Ngô Kinh học võ từ năm 6 tuổi. Cả ông nội và cha anh đều là võ sư. Năm 1995, Ngô Kinh bắt đầu sự nghiệp diễn xuất, đóng phim Thái cực quyền II của Viên Hòa Bình.

Kể từ đó, anh đã tham gia nhiều phim võ thuật. Năm 2008, anh gây chú ý khi thủ vai kẻ sát nhân trong phim Xác ướp Ai Cập 3: lăng mộ Tần Vương.


Ngô Kinh

 

10. Vu Vinh Quang. Sinh năm 1958 ở Bắc Kinh, Vu Vinh Quang bắt đầu sự nghiệp diễn xuất hồi năm 1982 và nổi danh với vai chính trong phim Thiếu niên Hoàng Phi Hồng (1993) đóng cùng Chân Tử Đan. Ông còn diễn xuất trong nhiều phim cùng Thành Long, như Câu chuyện cảnh sát và Huyền thoại.


Vu Vinh Quang

 

Việt Lâm (theo China.org)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›