Carol - một 'Brokeback Mountain' phiên bản nữ: Sách gốc từng gây sốc nước Mỹ

Chủ nhật, 24/05/2015 15:14 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Carol, bộ phim mang đề tài đồng tính nữ của nhà làm phim Mỹ Todd Haynes, đang được kỳ vọng sẽ “rinh” giải Cành cọ Vàng. Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết The Price Of Salt (1952) của nữ văn sĩ Patricia Highsmith, từng gây sốc nước Mỹ.

Cuốn sách kể về 2 người phụ nữ ở New York thời hậu chiến, có độ tuổi khác nhau, xuất thân khác nhau đem lòng yêu nhau. Nó đã trở thành một hiện tượng xuất bản ở nước Mỹ.

Tại LHP Cannes năm nay, Carol cũng được xem là một Brokeback Mountain phiên bản nữ.

Tiêu thụ hàng triệu bản vì viết về điều đang bị nghiêm cấm

Câu chuyện bắt đầu ngay trước mùa Giáng sinh năm 1948, trong cửa hàng tổng hợp Bloomingdale ở New York. Vẫn như thường lệ, các giao dịch diễn ra sôi nổi. Song lần này, cô gái bán hàng Patricia Highsmith 27 tuổi, tự nhiên có cảm giác rất kỳ lạ, khiến cô gần như ngất xỉu, sau khi gặp một người phụ nữ sang trọng.

Cuối ca bán hàng của mình, Highsmith trở về nhà, trong đầu cô đã manh nha về mối tình giữa một cô gái bán hàng trong một cửa hàng đồ chơi và Carol, một khách hàng đã kết hôn và có một cậu con trai. Câu chuyện này sau đó đã được xuất bản thành tiểu thuyết mang tên The Price Of Salt.


Nữ văn sĩ Patricia Highsmith, tác giả cuốn tiểu thuyết “The Price Of Salt”

Trong phim Carol, 2 nhân vật chính do Cate Blanchett và Rooney Mara thủ diễn. Sau khi tham dự Cannes, phim dự kiến phát hành rộng rãi vào cuối năm nay và nhiều khả năng sẽ là tác phẩm điện ảnh ăn khách. Tuy nhiên, phim không thể có được sự tác động tương tự như cuốn tiểu thuyết sau khi nó có mặt trên thị trường.

Trở lại năm 1952, chỉ riêng hình ảnh bìa cuốn sách cũng khiến nhiều người phải ngoái nhìn: một người phụ nữ vô cùng tinh tế đang đặt tay lên vai của một cô gái trông rất ngây thơ, trong khi phía sau họ là một người đàn ông trẻ trung đang dõi nhìn. Dưới đó là dòng chữ: “Cuốn tiểu thuyết về một mối tình bị xã hội nghiêm cấm”.

Trong bối cảnh các mối quan hệ đồng giới nữ vẫn còn là điều cấm kỵ, The Price Of Salt như cánh cửa sổ mở toang căn phòng ngột ngạt, gây sự tò mò của công chúng và nhờ vậy đã tiêu thụ được hàng triệu bản.

Sau đó, một cư dân ở một thị trấn đã gửi thư tới nhà xuất bản cuốn truyện, bày tỏ rằng trước khi đọc tiểu thuyết, cô vẫn nghĩ mình là người phụ nữ duy nhất trên thế giới có ham muốn với một phụ nữ khác.

Nhà văn có cách sống “khác người”

Highsmith là người có tình cảm đồng giới và để tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý nhằm “chữa trị” được cảm xúc của mình trước phụ nữ, cô đã buộc phải nhận công việc tạm thời tại Bloomingale’s. Tuy nhiên, cách “chữa trị” đó không hiệu quả, Highsmith vẫn xao xuyến trước những người phụ nữ mà cô có cảm tình.

Vài tháng sau khi làm việc ở Bloomingdale’s, Highsmith có chuyến đi châu Âu đầu tiên. Ở London, cô thấy ấn tượng với người phụ nữ Mỹ xinh đẹp tên là Kathryn Cohen, vợ của một nhà xuất bản Anh. Khi tới Roma (Italy), Highsmith đánh điện cho Kathryn đến với mình. Nhanh chóng sau đó, họ yêu nhau. Highsmith luôn tìm kiếm những người phụ nữ mà cô “tôn thờ”, mê mẩn một trong những người tình Anh của mình, nhà báo Rosalind Constable. Kết thúc cuộc tình với Rosalind, Highsmith lao vào những cuộc hẹn hò với cả đàn ông và phụ nữ.

Mặc dù có trí tưởng tượng hết sức đặc biệt, tạo ra những nhân vật khác thường, song bản thân Highsmith là người khác thường hơn bất cứ nhân vật nào mà cô tạo ra. Cô không bao giờ bật lò sưởi và yêu cầu khách nghỉ qua đêm phải làm ấm mình bằng những chai nước nóng. Cô còn đặc biệt yêu thích ốc sên và nuôi 300 con ốc sên trong nhà cùng một bầy mèo. Highsmith không muốn xa rời chúng, vậy nên mỗi khi bay từ Anh sang Pháp, cô thường chuyển lậu chúng qua hải quan bằng cách giấu chúng trong áo ngực của mình.



Bìa cuốn tiểu thuyết “The Price Of Salt”

Tuổi thơ bất hạnh

Dường như những sở thích kỳ dị của Highsmith bắt nguồn từ tuổi thơ bất hạnh. Highsmith sinh năm 1921 ở Texas, nhưng cha mẹ cô đã ly hôn từ trước khi cô ra đời. Highsmith cực kỳ ghét cha dượng của mình, Stanley Highsmith, và năm 8 tuổi cô đã say mê tưởng tượng ra những cách giết ông. Thời kỳ cuối đời, Highsmith (qua đời hồi năm 1995) còn tuyên bố cô đã bị 2 người đàn ông bán hàng dạo lạm dụng tình dục khi mới lên 5, tại nhà bà ngoại mình.

Tuổi thơ bất hạnh ấy là thực tế để giải thích tại sao, trong khi các cô bé cùng trang lứa thích chơi búp bê thì Highsmith lại có thiên hướng phát triển lệch lạc. Khi những đứa trẻ khác thích đọc những câu chuyện thần thoại thì Highsmith, có chỉ số thông minh cao, lại thích đọc các báo cáo về chứng ăn cắp vặt, tâm thần phân liệt và hoang tưởng của một nhà tâm lý học. Những nhân vật bị tra tấn, hành hạ còn thu hút Highsmith hơn cả những nhân vật đầy lạc quan.

Ở trường học, Highsmith bắt đầu say mê các bạn gái và mẹ cô đã phát hiện ra. Năm 14 tuổi, mẹ đã hỏi thẳng Highsmith: “Con là người đồng tính à?”. Hay lần khác, mẹ nói với cô: “Tại sao con không phải là người ‘thẳng’?”. Những câu hỏi đó càng chỉ khiến Highsmith cảm thấy mình xa lạ với mọi người và sống kín đáo hơn. Sau này, Highsmith mô tả, hôn đàn ông giống như bị rơi vào xô hàu.

Một trong những đức tính đáng quý nhất của Highsmith ở vai trò người cầm bút là cô đã tạo nên những nhân vật đểu giả, đầy ác tâm song có vẻ ngoài đáng kính. Tuy nhiên, trước hết cuốn tiểu thuyết The Price Of Salt là câu chuyện tình. Highsmith thấy xao xuyến với người phụ nữ thanh lịch mà cô tình cờ gặp ở Bloomingdale’s. Sau này hy vọng được gặp lại, song cuối cùng cô cũng chỉ biết được tên người đó là E.R. Senn.

Có điều là người phụ nữ đã truyền cảm hứng cho Highsmith viết cuốn tiểu thuyết đó chưa bao giờ đọc nó. Sau này, người ta xác định được người phụ nữ đó là Kathleen Senn, một người giàu có, giao thiệp rộng trong xã hội, song mắc chứng nghiện rượu và đã tự vẫn hồi tháng 10/1951, trước khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản.

Việt Lâm (theo Daily Mail)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›