"Cha đẻ" của các biểu tượng Xô Viết là một... phụ nữ

Thứ Tư, 22/07/2009 09:04 GMT+7

Google News
(TT&VH Cuối tuần) - Đó là Vera Mukhina và tháng Bảy này, nếu còn sống, bà đã tròn 120 tuổi. Bà là “cha đẻ” của nhiều tác phẩm đã trở thành biểu tượng ở thời đại Xô Viết. Các bức tượng của Mukhina rất được ưa chuộng khi ở Liên Xô (cũ) đang thịnh hành quan niệm “đẹp là phải hoành tráng, tràn trề sinh lực”. Khi quan điểm đó không còn hợp thời thì các tác phẩm của Mukhina long đong, lận đận, y như số phận của chính tác giả.

Người đàn bà truân chuyên


Vera Mukhina
Vera Mukhina sinh năm 1889, là con của một thương gia giàu có ở Riga (thủ đô Latvia thuộc đế chế Nga). Hai chị em bà sớm mồ côi cha mẹ và được gửi về sống với chú, bác. Vera Mukhina và em gái được học hành tử tế. Tốt nghiệp trung học, bà đến Moskva để theo nghề hội họa và điêu khắc, thay vì được gửi sang Paris, thánh địa của điêu khắc, vì các chú, bác của Mukhina sợ cô cháu gái trẻ người non dạ rơi vào cạm bẫy ở xứ lạ. Nhưng rồi Mukhina vẫn đến được Paris do một tai nạn, như thể có bàn tay sắp đặt của số mệnh. Trong một lần trượt tuyết, bà bị ngã và gãy mũi. Mukhina được gửi đến Pháp để nhờ cậy một vị bác sĩ giỏi nghề tại đây cứu nguy cho nhan sắc ở tuổi xuân thì. Tận dụng cơ hội này, bà đã xin ở lại Paris hai năm để theo học một nhà điêu khắc nổi tiếng.

Năm 1914, khi Thế chiến I bùng nổ, Mukhina về lại Moskva làm y tá trong bệnh viện. Tại đây, bà đã gặp người chồng tương lai - bác sĩ phẫu thuật Alexei Zamkov. Họ cưới nhau năm 1918 và hai năm sau, Mukhina sinh con trai. Gia đình họ đã trải qua giai đoạn đầy biến động ở Nga sau năm 1917.

Mukhina xuất thân từ gia đình buôn bán, còn Alexei có nguồn gốc quý tộc. Cá tính của cả hai đều rất mạnh, nghề nghiệp lại không thuộc thành phần “cơ bản”. Nhưng đặc điểm này không “thuận” vào thời điểm đó. Bất chấp những rắc rối ở ngoài lĩnh vực nghệ thuật, các tác phẩm của Mukhina vẫn chiến thắng trong nhiều cuộc thi và vào thập niên 1920, tài năng của bà đã được thừa nhận.

Các bức tượng của Mukhina thường mang dáng vẻ đồ sộ, có phần nặng nề nhưng tràn trề sức sống, một sinh lực lành mạnh và cuốn hút khó thể diễn tả bằng lời. Chúng rất hợp với thần thái toát ra từ các câu khẩu hiệu của thời đại: “Chúng ta sẽ xây dựng (CNXH)!”, “Chúng ta sẽ đuổi kịp và vượt qua (Mỹ)!”, “Chúng ta sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch (5 năm, 10 năm)!”... Những nhân vật phụ nữ của bà, xét về vẻ ngoài “hoành tráng”, không chỉ chặn được con ngựa đang phi nước đại mà còn có thể nhấc bổng một chiếc máy kéo lên vai. Những chiến sĩ cách mạng, chị nông dân, đảng viên Cộng sản và đội viên du kích qua tay của Mukhina đã trở thành những Thần vệ nữ và lực sĩ Mercury thời đại xã hội chủ nghĩa. Đó là những chuẩn mực mà các công dân Liên Xô (cũ) hướng tới. Dĩ nhiên, đại đa số những con người bình thường không thể với tới được các “số đo” do Mukhina tạo ra, nhưng họ có quyền mơ ước.

Mukhina thích sáng tác theo mẫu thật. Nhiều bức tượng chân dung của chồng và bạn bè bà rất có giá trị nghệ thuật nhưng ít được biết đến vì chúng không phải là biểu tượng của một thời đại. Năm 1930, mệt mỏi vì sự đố kỵ, ganh ghét của một số người, vợ chồng Mukhina quyết định ra nước ngoài sinh sống. Thời đó, đây là một tội nặng. Nhưng vì tài năng của Mukhina mà hai người được nương nhẹ - họ chỉ phải đi “an dưỡng” ở Voronezh (miền Nam Nga) ba năm.

Bức tượng Công nhân và nữ nông trang viên đã gánh đỡ rất nhiều cho số phận long đong của Mukhina trong năm 1938 khắc nghiệt. Trong rất nhiều mẫu tượng được đúc theo ý tưởng của kiến trúc sư Boris Iofan, tác phẩm của bà được lựa chọn. Bức tượng người đàn ông lực lưỡng giơ cao chiếc búa còn người đàn bà khỏe khoắn cầm chiếc liềm cong được đặt trước gian hàng của Liên Xô (cũ) tại cuộc triển lãm toàn thế giới ở Paris vào năm 1937. Ngay lập tức tên tuổi của Mukhina được biết đến trên toàn cầu. Bà được Moskva chúc mừng, tặng huân chương, và điều quan trọng hơn cả là được tin cậy. Mukhina dạy ở trường hội họa, điêu khắc một thời gian rồi chuyển về làm việc tại xưởng thử nghiệm của nhà máy sứ Leningrad. Bà mất ngày 6/10/1953.

Số phận long đong của “anh chị công - nông”

Bức tượng Công nhân và nữ nông trang viên dù được cuốn Đại Bách khoa toàn thư Liên Xô đánh giá là “chuẩn mực của hiện thực xã hội chủ nghĩa” thì số phận của nó cũng khá lận đận.

Tác phẩm điêu khắc bằng thép không gỉ này được làm từ năm 1935 đến 1937 tại Moskva, cao 24,5m và nặng 80 tấn. Khi được chở tới nước Pháp tham gia triển lãm nói trên, để có thể lọt qua đường ngầm ở Paris, người ta phải “chặt” anh công nhân và chị nông trang viên thành 65 khối, cho vào 28 toa tàu hỏa. Chính phủ Liên Xô (cũ) gửi tới đó những kỹ sư, công nhân lắp ráp, thợ hàn, thợ tiện lành nghề nhất. Sau đó, họ còn thuê cả thợ Pháp. Phải mất 11 ngày, người ta mới lắp ráp xong bức tượng này. Nó đứng sừng sững đối diện với gian trưng bày của nước Đức mang hình ảnh con chim ưng của Hitler.


2, 3, 4: Bức tượng Công nhân và nữ nông trang viên ở Paris, Moskva
và trên logo của hãng Mosfilm


Số phận của tượng Công nhân và nữ nông trang viên sau khi cuộc triển lãm kết thúc tưởng đã được định đoạt: nung chảy để lấy nguyên liệu. Thế nhưng không ngờ người Pháp lại rất mê bức tượng “hiện thực xã hội chủ nghĩa” này, thậm chí còn muốn giữ nó lại Paris.

Thái độ trân trọng từ người dân một nước tư bản đối với biểu tượng của giai cấp vô sản đã khiến chính phủ Liên Xô (cũ) nghĩ lại. Bức tượng được đưa về Moskva sau khi bị tháo ra thành 44 khối. Trên đường chuyên chở, anh công nhân và chị nông trang viên “bị thương” khá nặng. Việc “điều trị” kéo dài 8 tháng (từ tháng 1 đến 8/1939) và rồi tác phẩm điêu khắc này được đặt trước cổng Bắc của Trung tâm triển lãm thành tựu quốc dân Liên Xô (nay gọi là Trung tâm triển lãm toàn Nga). Không chỉ là niềm tự hào của đất nước Xô Viết, từ năm 1947, nó còn là thương hiệu của hãng Mosfilm. Bà Mukhina đã làm riêng một mô hình thu nhỏ của bức tượng này ngay tại trường quay của hãng. Những bộ phim đem lại vinh quang cho nền điện ảnh Xô Viết như Đàn sếu bay qua, Bài ca người lính, Kalina đỏ... đã gắn với biểu tượng này. Hết năm 2009, hợp đồng giữa Mukhina với Mosfilm về vấn đề thương hiệu kết thúc.

Chúng ta không biết sự việc sẽ tiếp diễn ra sao, song về số phận của bức tượng nổi tiếng thì có nhiều điều đáng nói.

Năm 1979, tượng Công nhân và nữ nông trang viên bị dỡ xuống để trùng tu. Trong những năm cải tổ đã có ý kiến muốn chuyển bức tượng này đi nơi khác. Thậm chí có người chủ trương bán tượng cho một công ty Mỹ. Rất may là “tối kiến” đó bị từ chối. Năm 2003, người ta bắt đầu thực hiện công việc đại tu tượng Công nhân và nữ nông trang viên. Nó được tháo ra thành 40 phần và chở vào kho. Theo dự án mới, riêng phần bệ tượng đã cao 34,5m, cộng với thân tượng 24,5m thì toàn bộ chiều cao của tượng đài là gần 60m. Người dân Nga chờ đợi ngày hoàn tất của dự án hoành tráng này. Thế nhưng thời hạn “ngày trở về” của Công nhân và nữ nông trang viên cứ bị đẩy lùi, từ năm 2005 sang 2006, rồi 2007... Đến tận ngày hôm nay, chúng ta vẫn chưa rõ hạn chót là bao giờ. Nước Nga rất giàu với “biển” dầu mỏ mêng mông nhưng theo dư luận, một trong các nguyên do của sự chậm trễ nói trên lại xem ra quá tầm thường: thiếu tiền!

Trần Quang Vinh (theo các báo Nga)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›