Chiêm ngưỡng tranh thời chiến vẽ vào thời bình

Thứ Bảy, 14/03/2015 06:41 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ như bị “đóng đinh” với cuộc chiến đã kết thúc gần 4 thập kỷ. Chẳng thế mà, từ lúc vào chiến trường cho tới khi qua đời, cuộc chiến vẫn ám ảnh ông, thôi thúc ông hoàn thiện những bức tranh dang dở.

Triển lãm tranh cá nhân của cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu mang tên Sống và vẽ vừa khai mạc tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (Hà Nội).

Triển lãm trưng bày 72 bức tranh xuyên suốt cuộc đời sáng tác của cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu với nhiều thể loại như: sơn dầu, khắc gỗ, ký họa... Đa phần các bức tranh vẽ về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Đặc biệt, nhiều bức tranh trong số đó được vẽ vào thế kỷ 21.

Bức tranh Từ Điện Biên đến Hà Nội (2011) của họa sĩ Phạm Ngọc Liệu

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, họa sĩ Phạm Lực cho hay: Việc Phạm Ngọc Liệu vẽ những bức tranh chiến tranh vào thời bình là điều dễ lý giải. Lớp chúng tôi hồi đó dành trọn tuổi xuân, những tháng ngày đẹp nhất đời người cho cuộc chiến. Nhiều người bạn chúng tôi đã mãi mãi không trở về. Từng ngày, nhiều hình ảnh vẫn ám ảnh chúng tôi. Nên dù chiến tranh đã kết thúc gần tròn 40 năm, nhiều nghệ sĩ vẫn chưa “thoát” được cuộc chiến.

Theo họa sĩ Phạm Lực, điều này chi phối mọi sáng tạo của cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, người đã miệt mài tận hiến tới tận hơi thở cuối cùng với đề tài chiến tranh cách mạng. “Nhưng điểm nhìn của những bức tranh từ thời bình cũng vì thế mang nhiều tâm tư, chiêm nghiệm. Những bức tranh kháng chiến của Phạm Ngọc Liệu vẽ sau chiến tranh, chúng hiền hòa, day dứt hơn những bức tranh của chính ông khi vẽ vào giai đoạn căng thẳng của các cuộc chiến” - họa sĩ Phạm Lực nói.

Còn bà Nguyễn Thị Trâm, vợ cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu chia sẻ thêm về những khó khăn khi cố họa sĩ theo đến cùng mảng đề tài này: Những bức tranh mảng đề tài này không bán được khi lịch sử đất nước đã sang trang, nhưng anh vẫn cần mẫn sống và vẽ tận tụy, thủy chung. Những ngày bao cấp gian khó, chồng tôi phải học thêm nghề kim hoàn để kiếm sống cho gia đình. Bàn tay họa sĩ sau đó đã chai sạn bởi lao động chân tay…

Mỹ Anh
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›