* Thưa ông, năm vừa qua Cục NTBD phải đối diện với vụ kiện từ cuộc thi Nữ hoàng Biển Việt Nam 2013. Một cuộc thi với đầy rẫy sai phạm nhưng vẫn kiện ngược lại cơ quan chức năng. Các ông rút được kinh nghiệm gì sau vụ việc này?
- Qua sự việc trên, không chỉ Cục NTBD, mà các cơ quan quản lý nhà nước về NTBD trên toàn quốc phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong công tác quản lý đối với hoạt động tổ chức thi người đẹp. Và tất nhiên sẽ tiếp tục xử lý kiên quyết, nghiêm khắc, theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức các cuộc thi vi phạm pháp luật.
* Đó là lý do trong năm 2014 Cục NTBD đã từ chối cấp phép cho 2 cuộc thi nhan sắc?
- Không phải chỉ từ năm 2014, việc xiết chặt cấp phép các cuộc thi nhan sắc mới được thực hiện mà trong các năm trước đây, qua thẩm định hồ sơ, tư cách pháp nhân, Cục đã trao đổi với các đơn vị tổ chức tự nhận thức và rút hồ sơ, không tiếp tục tổ chức một số cuộc thi không phù hợp do những yếu tố khách quan và chủ quan.
* Xiết vậy, nhưng năm qua vẫn tiếp tục có nhiều người đẹp đi thi “chui”, rồi cuộc thi nhan sắc “chui”.
- Đúng là năm qua có một số cuộc thi sắc đẹp không được cấp giấy phép vẫn tổ chức, và một số cá nhân không được cấp phép vẫn tham dự các cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài. Các trường hợp ấy đều đã bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Sở dĩ có chuyện “chui” này, theo tôi, nguyên nhân chính là vì một số cá nhân muốn có được danh hiệu để đánh bóng tên tuổi, nổi tiếng, sau đó thực hiện các công việc khác. Việc người ta tổ chức các cuộc thi kiểu ấy cũng là nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân nói trên. Đối với các người đẹp thi “chui”, thì phần lớn đều tham gia các cuộc thi được tổ chức thiếu chuyên nghiệp, cẩu thả, dễ dãi và trao giải tràn lan… Các cuộc thi lớn, có uy tín trên thế giới sẽ không mời hay chọn thí sinh một cách cẩu thả như vậy. Ví dụ Hoa hậu thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ Thế giới… BTC đều thông qua đại diện tại Việt Nam, chọn lựa những thí sinh xứng đáng tham dự cuộc thi. Nếu không chọn được gương mặt phù hợp, họ chấp nhận không cử đại diện tham dự. Điển hình là Công ty cổ phần Hoàn Vũ năm qua đã không cử đại diện tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2015. Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng đắn.
* Dư luận cho rằng mức phạt 10 đến 15 triệu đồng không thấm vào đâu nên nhiều người sẵn sàng nộp phạt để vi phạm.
- Hiện nay theo quy định của pháp luật (NĐ 158/2013), mức phạt đối với hành vi ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp không có giấy phép là từ 15 đến 30 triệu đồng. Mức phạt tiền là do pháp luật quy định theo khung cho từng hành vi cụ thể nhưng tôi cho rằng hình phạt khắt khe nhất chính là sự phản ứng từ dư luận xã hội, truyền thông, đánh giá về hành vi “xấu xí” mà cá nhân đó thực hiện.
* Thế còn chuyện “cong, vênh” giữa Cục và Bộ trong việc xử lý vụ việc cấp phép ca khúc Chắc ai đó sẽ về của ca sĩ Sơn Tùng M-TP là thế nào, thưa ông?
- Về trường hợp này, Cục NTBD tham mưu cho Bộ VH, TT- DL hoàn toàn trên cơ sở quy định của pháp luật. Bộ VHTTDL cũng đã quyết định vấn đề trên cơ sở các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Nhưng bên cạnh đó Bộ cũng quan tâm đến cả những vấn đề dư luận xã hội phản ánh để giải quyết vấn đề một cách thấu đáo nhất.
* Liên quan tới những chuyện lộn xộn trong lĩnh vự tổ chức biểu diễn, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính nằm ở việc quản lý các nhân sự trong lĩnh vực này, cụ thể là các nghệ sĩ. Theo thông báo, việc cấp thẻ hành nghề cho nghệ sĩ - một hình thức quản lý nghệ sĩ - lẽ ra đã được tiến hành từ tháng 4/2014, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai?
- Trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Ban soạn thảo đặc biệt quan tâm đến tính khả thi của các quy định được thể chế trong văn bản. Vì vậy Ban soạn thảo cần thời gian để nghiên cứu, tiếp thu và thể chế các quy định trong thông tư sao cho thật chặt chẽ và thực sự phát huy hiệu quả khi được áp dụng.
* Xin cảm ơn ông!
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags