Chuyện về 'thành viên thứ 5' sau thành công của The Beatles

Thứ Tư, 21/09/2016 20:13 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Người hâm mộ vốn đã quá quen thuộc với 4 thành viên của ban nhạc huyền thoại Beatles. Song không phải ai cũng biết Beatles có năm nhân vật được coi là "thành viên thứ 5", kể cả sau bộ phim tài liệu về Beatles mới ra mắt, Eight Days a Week - The Touring Years.

5 người này là nhà sản xuất, bạn bè của Beatles và thậm chí có người hiện diện trong các cuốn sách lịch sử âm nhạc với "danh hiệu" nhạc sĩ bất hạnh nhất mọi thời như Pete Best.

Cuộc đời trầm lặng hậu Beatles

Pete Best từng chơi trống trong ban nhạc Beatles từ những ngày đầu thành lập ban nhạc, nhưng đã bị sa thải ngay trước khi Beatles tạo bước đột phá.

Các thành viên của Beatles gặp nhau tại ngôi nhà của mẹ Best ở Liverpool. Trong hầm của ngôi nhà này, họ đã mở câu lạc bộ âm nhạc Casbah, nơi John Lennon, Paul McCartney và George Harrison từng chơi nhạc và ngồi tán gẫu với nhau.


Pete Best

Best sát cánh cùng Beatles trong thời gian ban nhạc ở Hamburg (Đức) hồi đầu những năm 1960. Ở thành phố miền Bắc nước Đức này, Beatles đã trình diễn trong các câu lạc bộ nhỏ khoảng 1 năm rưỡi.

Khi trở về Liverpool, Beatles đã là một ban nhạc nổi tiếng và mùa Hè năm 1962 họ đã có bước đột phá lớn. Đó là lúc Beatles giành được hợp đồng thu âm, có lịch xuất hiện trên truyền hình và xúc tiến đĩa đơn đầu tiên.

Song ngày 16/8/1962, thời gian Best sát cánh cùng Beatles đột ngột phải chấm dứt. Hai năm sau khi thành lập ban nhạc, nhà quản lý Brian Epstein đã sa thải anh và tuyên bố ban nhạc không cần anh nữa. Nhanh chóng sau đó, Love Me Do, đĩa đơn siêu ăn khách của Beatles được tung ra thị trường và Ringo Starr chơi trống thay cho vị trí của Best.

Khi bị sa thải và cả thời gian dài sau này, Best vẫn không hiểu được lý do tại sao mình bị đuổi khỏi ban nhạc. Nhiều người cho rằng vì anh quá trầm và ủ rũ, song lại có tin đồn nói rằng có những kẻ ghen tị với ngoại hình điển trai của anh. Tuy nhiên, lý do chính thức là bởi Best không phải là nghệ sĩ trống cừ nhất.

Sau khi bị đuổi khỏi ban nhạc, Best bị sốc một thời gian và anh không hề liên lạc với bất cứ thành viên nào của Beatles. Anh quan sát thành công của các bạn cũ từ xa. Năm 1965, khi Beatles thực hiện màn diễn lớn nhất trong sự nghiệp ở New York và gặp thần tượng của ban nhạc là Vua rock Elvis Presley, thì Best đã định tự kết liễu đời mình. Song thật may là mẹ và anh trai đã kịp thời ngăn được.

Best quyết định từ bỏ âm nhạc và trở thành một nhân viên tại văn phòng việc làm ở Liverpool. Trong nhiều năm sau này, anh cũng không hề kể với các con gái mình rằng anh từng là thành viên của Beatles.

Cho mãi đến năm 1988, Best mới chơi nhạc trở lại, cùng ban nhạc nhỏ The Pete Best Band do anh sáng lập. Khi album The Beatles Anthology được phát hành hồi năm 1995, trong đó có những bản thu âm thời kỳ đầu của Beatles, Best đã nhận được nhiều sự quan tâm và được ca ngợi với vai trò của mình. Thời điểm đó Best đã xa Beatles 35 năm. Hiện Best vẫn cùng ban nhạc The Pete Best Band lưu diễn khắp thế giới.

George Martin – người góp phần tạo thành công cho Beatles: Năm 1962, George Martin nghe bản thu âm demo của Beatles. Ông thấy chất lượng màn diễn của ban nhạc chưa thuyết phục song lại thích sức lôi cuốn của họ. Sau đó, Martin đã đề nghị họ ký hợp đồng thu âm. 


George Martin

Martin đã sản xuất hầu hết các bản thu âm của Beatles và ông đã đoạt 6 giải Grammy. Cho đến khi qua đời hồi tháng 3, Martin vẫn được coi là một trong những nhà sản xuất âm nhạc vĩ đại nhất nước Anh.

Stuart Sutcliffe – thành viên đã mất của Beatle: Trong những năm đầu hoạt động của Beatles, Sutcliffe chơi guitar trong ban nhạc. Anh là bạn học cùng đại học với John Lennon.


Stuart Sutcliffe

Khi ban nhạc lưu diễn ở Hamburg, Sutcliffe yêu nghệ sĩ Đức Astrid Kirchherr, nhiếp ảnh gia đã chụp nhiều bức ảnh Beatles trong các buổi hòa nhạc của họ. Chính Kirchherr là người đã thuyết phục các thành viên ban nhạc hãy để kiểu tóc kiểu "úp nồi" mà sau này đã trở thành biểu tượng của họ. Năm 1961, Sutcliffe ở Hamburg để được gần Kirchherr, tuy nhiên một năm sau đó anh đã qua đời đầy bi kịch do bị xuất huyết não.

Klaus Voormann – thành viên bí ẩn của Beatles: Năm 1960, nhà thiết kế đồ họa kiêm nhà minh họa Voormann đã gặp Beatles ở Hamburg. Kể từ đó anh đã trở thành bạn và đối tác của ban nhạc. Voormann đã thiết kế nhiều hình ảnh bìa album của Beatles, trong đó có album Revolver. Năm 1967, Voormann giành giải Grammy với mẫu thiết kế của mình.


Klaus Voormann

Brian Epstein – "nhà kinh doanh" của Beatle: Chính Paul McCartney từng mệnh danh Epstein là "thành viên thứ 5" của Beatles. Với vai trò là nhà quản lý ban nhạc, Epstein đã tổ chức các cuộc xuất hiện trên truyền hình và lưu diễn thế giới song ông còn là nhà tạo mẫu của các thành viên, làm thay đổi diện mạo của họ với các bộ vest đen và bó. Năm 1967, Epstein qua đời ở tuổi 32 do dùng rượu và thuốc quá liều. Cái chết của ông đánh dấu sự khởi đầu cho dấu chấm hết của Beatles. Ba năm sau đó, Beatles tan rã.


Brian Epstein

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›