(Thethaovanhoa.vn) - Ca khúc Bốn chữ lắm đoạt giải Bài hát của năm tại giải Bài hát Việt 2014, giải Ca khúc được yêu thích nhất tại Mai vàng 2014, Bài hát hiện tượng của giải thưởng Làn sóng xanh, trở thành "hit" của 2014… đã khiến Phạm Toàn Thắng trở thành tên tuổi nhận được nhiều chú ý trong năm qua.
Và việc nhạc sĩ này được xướng danh ở hạng mục "Nhạc sĩ của năm" của giải Âm nhạc Cống hiến lần 10- 2015 thể hiện sự ghi nhận khách quan, trân trọng của báo giới dành cho nhạc sĩ trẻ này.
- “Giành giải Bài hát Việt tháng 6 vừa qua với ca khúc Bốn chữ lắm do Trúc Nhân và Thảo Nhi thể hiện, Phạm Toàn Thắng đã nâng giải thưởng của mình ở sân chơi sáng tác này lên 9 giải, tính từ năm 2010 đến nay. Thành công của Bốn chữ lắm gần như là điều đã được dự đoán từ trước, không chỉ vì ca khúc đang rất được công chúng yêu thích mà còn bởi đây không phải lần đầu tiên anh khiến giới chuyên môn ngạc nhiên với khả năng kết hợp âm hưởng dân gian với chất liệu và tư duy hiện đại trong sáng tác của mình. Một điều ngạc nhiên khác về Phạm Toàn Thắng, đó là anh chưa từng qua trường lớp đào tạo bài bản về nhạc lý nào trước khi theo nghiệp viết ca khúc”.
(Theo Người lao động)
- “Nhắc đến Phạm Toàn Thắng là nhắc đến một hình ảnh rất giản dị, mà cũng rất mới mẻ trong âm nhạc. Bởi lẽ những sáng tác của anh thường là những điều bình thường nhất trong cuộc sống, được đưa vào âm nhạc một cách đầy nghệ thuật và tinh tế”.
(Theo Người đưa tin)
- “Ngày 18/5, Trúc Nhân phát hành ca khúc single mới Bốn chữ lắm cùng Trương Thảo Nhi. Ngay khi ra mắt, ca khúc chủ đề đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt. Cư dân mạng liên tục chia sẻ về bài hát. Hầu như mọi người đều trích dẫn câu hát chủ đề "Yêu lắm, thương lắm mà xa lắm, đau lắm" như một lời bình luận thích thú. Sự cá tính, tinh quái của Trúc Nhân kết hợp cùng tiếng hát trong sáng, bay bổng của Thảo Nhi đem đến cho khán giả một sản phẩm âm nhạc ấn tượng và khác biệt.
Tác giả Phạm Toàn Thắng đã vận dụng tối đa chất liệu dân gian trong ca khúc này. Điều đó vừa thể hiện ở chủ đề (được lấy cảm hứng từ câu chuyện Hòn vọng phu), vừa thể hiện trong chất nhạc. Hòa âm của Bốn chữ lắm được thực hiện thống nhất: mở đầu nhẹ nhàng với phần intro guitar mộc mạc, tiếng huýt sáo nhí nhảnh, kế đến là trống R&B dồn dập và giai điệu dance/electro gấp gáp, cuốn hút. Nhưng cuối cùng, tất cả cũng chỉ là cái nền cho lời hát "Thương lắm, xa lắm, đau lắm..." vang lên ám ảnh người nghe”.
(Theo Zing News)
Thể thao & Văn hóa