(Thethaovanhoa.vn) - Không thể phủ nhận các hãng phim nhà nước đã tạo nền móng, tạo thương hiệu cho điện ảnh Việt Nam. Nhưng tới thời điểm này, các hãng phim nhà nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
- Cổ phần hóa hãng phim nhà nước (Kỳ 1): Hành trình dai dẳng
- Hãng phim nhà nước: Ngồi nhìn 'cá gỗ' chờ tiền làm phim
- 5 hãng phim Nhà nước chính thức thành Công ty
Người đi đầu giờ đi đâu?
Hãng Phim Truyện 1, tiên phong tiến hành cổ phần hóa nhưng cho đến giờ không ai nhận diện được thương hiệu của hãng này nữa. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, người đã từng làm ở hãng này cho biết lý do anh bỏ hãng: "Dù đã cổ phần hóa nhưng về cơ bản đội ngũ của hãng vẫn giữ thói quen làm ăn thời kỳ được bao cấp. Những người trong biên chế sống thoi thóp bằng lương, không hề có động lực sáng tạo. Những người làm sáng tạo đều bất mãn. Điện ảnh là ngành đòi hỏi cập nhật thường xuyên, phải có quy trình khép kín từ sản xuất đến phát hành, trong khi đó hãng chỉ quen làm phim thôi chứ không biết kinh doanh".
Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng, từng làm tại hãng này cho biết: "Tài sản của một hãng phim ngoài đất đai, thương hiệu, còn là con người, là trí tuệ... Giả dụ có một nhà đầu tư nước ngoài đem 100 triệu USD đầu tư vào thị trường điện ảnh Việt Nam. Họ có mua cổ phần của Hãng Phim Truyện 1 hay không? Cơ sở vật chất không có, máy móc cũ nát. Ngoài ra thử kể xem, hãng có đạo diễn nào tiếng tăm không, sản phẩm làm ra những năm gần đây có phim nào nghệ thuật, hoặc ăn khách không? Không có những thứ ấy họ mua làm gì, thà họ để tiền lập một hãng phim mới còn hơn”.
Hãng Phim Truyện Việt Nam vừa tiến hành cổ phần với cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy, nắm giữ 65% vốn điều lệ. Sự lựa chọn này đã khiến người trong nghề không khỏi băn khoăn.
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết: "Tôi ủng hộ cổ phần hóa. Chỉ có điều lựa chọn cổ đông chiến lược thì ít nhất phải là các công ty truyền thông có hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh, hoặc các hãng phim tư nhân... Nếu cổ đông chiến lược không am hiểu về nghệ thuật, hoặc không có mục đích sản xuất phim thì đương nhiên đội ngũ làm nghề sẽ tan rã. Nhiều nghệ sĩ đã rời khỏi hãng phim, làn sóng lần này cực kỳ mạnh mẽ".
Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, hợp tác hiệu quả giữa nhà nước và tư nhân năm 2015
Phim nhà nước đặt hàng sẽ do ai sản xuất?
Công cuộc cổ phần hóa sẽ góp phần giải quyết khó khăn cho các hãng phim nhà nước làm ăn thua lỗ, nhưng cũng có thể sẽ xóa sổ vĩnh viễn các hãng này. Về mặt tình cảm, những người làm nghề không khỏi tiếc nuối. Nhưng về mặt thị trường, đây sẽ là bước chuyển tất yếu, không thể tránh khỏi. Một câu hỏi đặt ra, khi không còn hãng phim nhà nước, nhà nước sẽ rót vốn làm phim thế nào?
Năm ngoái, Cục Điện ảnh đã đặt hàng các hãng phim tư nhân sản xuất Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Thành công này vẫn được coi là cú bắt tay "bước ngoặt" giữa tư nhân và nhà nước, nhưng cũng chưa biết bao giờ sẽ có thêm cú bắt tay như thế này.
Kế hoạch sản xuất phim năm 2016, Bộ VHTT&DL sẽ đặt hàng sản xuất 4 phim: Xã tắc, Địa đạo, Người yêu ơi, Không ai bị lãng quên. Trong tình hình các hãng nhà nước đang tiến hành cổ phần hóa, chưa biết Bộ sẽ tiếp tục đặt hàng các hãng này hay các hãng tư nhân, hiện nay vẫn chưa rõ thông tin.
Còn việc cổ phần hóa vẫn đang tiếp tục. Hãng Phim Giải Phóng sở hữu khu đất vàng tại TP. HCM đã định giá cổ phần khoảng 200 tỉ đồng nhưng chưa có ai mua. Còn Hãng phim Hoạt hình Việt Nam hiện vẫn tiếp tục được bao cấp do nhà nước nắm giữ hơn 90% cổ phần. Sự tồn tại của hãng này cũng khiến người ta phải đặt câu hỏi, tại sao nhà nước phải nuôi hãng, khi phim sản xuất ra không có ai mua? Trong khi hoạt hình là một lĩnh vực đang có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam. Người Việt “khát” phim hoạt hình Việt, nhưng vì quá ít nên vẫn đang phải xem chủ yếu phim hoạt hình nước ngoài.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
Tags