Có thời địa phương sợ thắng cảnh bị tàn phá như trên phim

Thứ Năm, 16/03/2017 13:55 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam với những di sản thiên nhiên lộng lẫy như một thế giới khác, thế giới mà các nhà làm phim sử thi luôn tìm kiếm. Song nhiều thập kỷ qua, số lượng phim quốc tế được ghi hình ở Việt Nam mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gần đây nhất là Kong: Đảo Đầu Lâu (Kong: Skull Island) và ngay lập tức, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã được Bộ Văn hóa Thể thao &Du lịch bổ nhiệm làm Đại sứ Lu lịch Việt Nam. Đất nước hình chữ S đang mở rộng cánh cửa chào đón các nhà làm phim quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Việt Nam rừng vàng biển bạc

Việt Nam có tới hai di sản thiên nhiên thế giới và một di sản thiên nhiên – văn hóa hỗn hợp được UNESCO công nhận. Đó là Khu sinh thái Tràng An, thuộc tỉnh Ninh Bình; Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh; và Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng ở Quảng Bình. Bằng cặp mắt nhà nghề, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã chọn cả ba địa danh này để ghi hình Kong: Skull Island. Cũng dễ hiểu vì sao, đoàn làm phim hơn 120 người, tất cả đều dành những lời có cánh cho thiên nhiên Việt Nam.


Một cảnh núi non hùng vĩ của Việt Nam trong đoạn trailer "Kong: Skull Island". Ảnh: Warner Bros

Jordan Vogt-Roberts đã dành nhiều tháng, đi khảo sát nhiều nước, trong đó có Thái Lan để ghi hình bộ phim. Ông thổ lộ “Phong cảnh ở Việt Nam vừa lộng lẫy vừa giống như một thế giới khác. Có một vẻ đẹp thô mộc, đầy sức mạnh, có cả sự xù xì mà khán giả đại chúng chưa từng trải nghiệm trên màn ảnh”.

Nữ diễn viên Brie Larson cũng chia sẻ “Chúng tôi đang tìm kiếm một thứ gì đó hoàn toàn nguyên sơ và không giống bất kỳ điều gì từng thấy trước đây. Và Việt Nam là câu trả lời. Những khung cảnh kỳ vĩ hoang sơ và kiến trúc tự nhiên kỳ ảo. Vẫn còn nhiều nơi xa xôi và đẹp đẽ ở Việt Nam chưa từng xuất hiện trong bất cứ bộ phim Hollywood nào”.


Brie Larson trong một cảnh quay giữa núi rừng Việt Nam (Ảnh: CGV)

Diễn viên Tom Hiddleston tâm sự: “Quang cảnh những nơi chúng tôi đặt chân đến... tôi chưa bao giờ thấy cảnh đẹp như vậy trước đây. Công việc của diễn viên là tưởng tượng ra chúng tôi đang sống giữa hòn đảo chưa được con người biết đến. Và thực tế là chúng tôi đã ngâm mình trong những đầm lầy, xung quanh là những cột đá cao sừng sững. Điều đó khiến việc tưởng tượng phần nào dễ dàng hơn”.

Từ tâm thế chưa thực sự sẵn sàng…

Năm 2012, với lý do Việt Nam “chưa sẵn sàng” cho các bộ phim bom tấn quốc tế, dự án Bourne Legacy, có sự góp mặt của tài tử Jerremy Renner sau đó đã được chuyển sang Philippines. Trước đó, “Bond 18”, vốn chọn Việt Nam làm bối cảnh ghi hình ngay từ đầu, cũng chuyển sang Thái Lan.

Theo quy định, phim nước ngoài đến Việt Nam quay là kịnh bản phải được phía Việt Nam thẩm định và thông qua. Trước kia, có những khâu chúng ta còn chưa sẵn sàng. Vấn đề nằm ở các thủ tục liên quan đòi hỏi sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương. Đôi khi vì phối hợp chưa tốt mà một số dự án không triển khai được. Có thời điểm nhận thức của một số địa phương chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, kỹ xảo điện ảnh. Từng có phim bị từ chối vì địa phương lo lắng những cảnh tàn phá trong phim ảnh hưởng đến danh lam thắng cảnh của họ, mà thực ra, đó chỉ là kỹ xảo chứ không phải cảnh thật.

Vogt-Roberts không phải là đạo diễn nước ngoài đầu tiên đưa Việt Nam lên màn ảnh rộng. Trước đó, từng có vài bộ phim quốc tế được quay ở Việt Nam đã gây tiếng vang trong làng điện ảnh thế giới. Chẳng hạn bộ phim Indochina của Pháp quay tại Việt Nam được trao giải Oscar phim nước ngoài hay nhất năm 1992.

Nhưng mọi chuyện có lẽ còn tùy thuộc vào một chữ duyên. Đúng 10 năm, năm 2002, phim Người Mỹ Trầm Lặng (The Quiet American), phỏng theo tiểu thuyết của Graham Green, lại thực sự trầm lặng trên các mặt báo mặc dù có sự tham gia của các ngôi sao lớn như Michael Caine, Brandon Fraser, và Đỗ Thị Hải Yến, diễn viên chủ nhà khá nhiều đất diễn. Lý do là thời điểm đạo diễn Philipp Noyce quay bộ phim này ở Việt Nam, cả thế giới, trong đó có người Việt Nam đang bàng hoàng vì thảm họa khủng bố đánh sập Tòa Tháp đôi của Hoa Kỳ (11/9/2001).

Gần đây hơn, năm 2015, một phim khác có kinh phí lớn quay ở hang Sơn Đoòng, Quảng Bình là Pan với tải tử Wolverine Hugh Jackman. Nhưng sau đó, gần như có rất ít thông tin kết nối bộ phim với Việt Nam. Thiếu vắng những chiến lược quảng bá đúng thời điểm, du lịch Việt Nam gần như không được hưởng lợi gì đáng kể từ các dự án điện ảnh quốc tế này.

…đến chủ động đón đầu cơ hội

Trước khi Kong: Skull Island được công chiếu toàn thế giới một ngày, Bộ VHTT&DL đã nhanh chóng bổ nhiệm đạo diễn Jordan Vogt-Roberts làm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Đây là nước cờ nhằm tranh thủ sự nổi tiếng của vị đạo diễn Hollywood và độ nóng của bộ phim bom tấn để quảng bá tiềm năng du lịch của Việt Nam. Trước đó, trong thời gian quay ở Ninh Bình, khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đến tận nơi động viên đoàn làm phim.


Đạo diễn selfie cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi đó (Ảnh: Instagram)

Jordan Vogt-Roberts tin tưởng rằng Kong: Skull Island sẽ đưa nhiều đoàn làm phim của Hollywood sang Việt Nam, điều mà New Zealand và Thái Lan đã nhận được từ các tác phẩm bom tấn. "Từ Kong: Skull Island, các nhà làm phim sẽ biết được khi đến Việt Nam họ sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời thế nào. Tôi đã luôn luôn được chào đón bằng thịnh tình ở đây. Và vì thế, tôi muốn làm việc nhiều hơn, đưa nhiều đạo diễn Hollywood đến Việt Nam để giới thiệu các danh thắng tuyệt đẹp của nơi này", ông nhấn mạnh.

Ngành điện ảnh trong nước sẽ học hỏi được rất nhiều từ các đoàn làm phim nước ngoài khi họ đến Việt Nam, từ phong cách làm việc chuyên nghiệp, đến các giai đoạn sản xuất, tiếp thị, quảng bá phim.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết do ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, mỗi năm ngành du lịch mới chỉ được đầu tư khoảng 3 triệu USD cho công tác quảng bá, xúc tiến. Con số này rất khiêm tốn so với các quốc gia khác trên thế giới và trong khu vực. Thái Lan đầu tư 70 triệu USD, Malaysia gần 100 triệu USD, Philippine 120 triệu USD. Chính vì vậy, Du lịch Việt Nam coi quảng bá thông qua thời trang, công nghiệp văn hóa, điện ảnh là chiến lược marketing sống còn trong giai đoạn hiện nay.

Với Kong: Skull Island, Bộ VHTT&DL đã kịp thời chỉ đạo các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn làm phim về ăn ở, đi lại và huy động lực lượng tham gia hỗ trợ trong thời gian họ ghi hình. Tiềm năng thiên nhiên lớn, nỗ lực của cả hệ thống và tâm huyết của ngành du lịch là cơ sở để Việt Nam trở thành phim trường quốc tế.

Còn tiếp

Phương Vũ

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›