Người đầu tiên tìm nguyên tác Truyện Kiều
Cụ Vũ Văn Kính |
Thế mà từ thập niên 1960, lũ chúng tôi dù đã lớn, mang cả một gánh nặng vợ con gia đình, vẫn vừa làm kiếm cơm, vừa chịu khó cắp sách vở đến ĐH Văn khoa Sài Gòn học; trong số đó cụ Kính là người lớn tuổi hơn cả. Do đó chúng tôi rất thân nhau vì cùng cảnh ngộ nên biết rõ; cũng từ đó cụ Kính đã tìm hiểu chữ Nôm vì trong chương trình Việt - Hán ở Văn khoa có môn chữ Nôm. Đến năm 1965, cụ khoe với chúng tôi là đã hoàn thành được hai bộ sách quan trọng là Tự vị Nôm và Tự điển chữ Nôm; quyển Tự vị Nôm thì được in bằng roneo năm 1970. Rồi đến năm 1971 thì quyển Tự điển chữ Nôm xuất bản. Bộ tự điển này lần đầu xuất bản có đứng tên chung với Nguyễn Quang Xỹ (ông này cũng mất lâu rồi), nhưng toàn bộ công trình đều là công lao của cụ Kính. Lúc bấy giờ vì hoàn cảnh gia đình, cụ Kính đã bán bộ sách cho Nguyễn Quang Xỹ với giá rẻ mạt.
Vũ Văn Kính cũng là người đầu tiên “Trên đường đi tìm nguyên tác truyện Kiều”, đối chiếu so sánh với bốn tác phẩm Kiều bằng chữ Nôm, được khắc in khác nhau, cũng là đề tài cao học mà cụ trình tại ĐH Văn khoa Sài Gòn năm 1974. Đề tài có một nội dung vô cùng phong phú, được in roneo, vì điều kiện ấn loát khó khăn nên chỉ có phần quốc ngữ chứ không có chữ Nôm mà đã dày 215 trang khổ 26x20cm. Năm 1953, Bảo tàng Lịch sử cho tái bản, có thêm phần chữ Nôm, trên 400 trang khổ 19x13cm; năm 1998 Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tại TP.HCM lại tái bản, nhưng bỏ phần chữ Nôm, gồm có 358 trang.
Nhìn chung đây là một công trình biên khảo khá tốt, khá chuyên sâu, xứng danh là luận án cao học thuộc hạng tối ưu lúc bấy giờ. Nhưng nếu xét về giá trị khả dụng và hàm lượng tri thức, thì phải kể như là một luận án tiến sĩ. Phần quan trọng của Trên đường đi tìm nguyên tác truyện Kiều mô tả bốn bản Kiều Nôm: bản Nôm của Quán Văn Đường, bản Nôm của Kiều Oánh Mậu, bản Nôm của Duy Minh Thị và bản Nôm của Ưng Gia. Phần mô tả này khá chu đáo, gồm trên 30 trang khổ 26x20cm; những lần tái bản sau này, đã cắt bỏ đi hay chỉ nói giản lược. Đây là một công trình mà theo tôi biết, cụ Kính phải bỏ ra bốn năm làm việc liên tục.
Ngoài ra, cụ còn soạn các bảng tra chữ Nôm thế kỷ 17, và bảng tra chữ Nôm miền Nam. Năm 2000, cụ cho ra đời quyển Đại tự điển chữ Nôm với hơn 37.000 chữ Nôm và trên 7.000 âm, gần 1.600 trang, sách khổ 24x16cm.
Công trình lớn nhưng ít người biết
Cụ Vũ Văn Kính đã phiên âm và dịch toàn bộ kho tàng chữ Nôm trong kinh điển Ki-tô giáo của Maiorica, gồm 8.000 trang - không phải trên giấy trắng mực đen mà là trên “phích” microfilm rất khó đọc, có khi phải dùng máy phóng đại (projecteur) mới nhìn ra chữ.
Chính tôi là người được cụ rủ rê cộng tác làm bộ kinh điển nặng nề này, nhưng sau khi xem mấy tấm fiche microfilm, tôi thú thật không đọc nổi và xin rút lui. Thế mà cụ vẫn cặm cụi làm suốt 4-5 năm, kết quả là những năm cuối đời mắt cụ yếu hẳn đi, không còn đọc được chữ nữa, “tiền thù lao” cũng chỉ là công quả của một con chiên hết lòng với Chúa.
Cụ còn là người đóng góp quan trọng trong việc khai thác địa bạ triều Nguyễn; nhưng kết quả cũng chẳng khác nào làm bộ Tự điển chữ Nôm trước kia. Cụ cũng là người hoàn thành bộ Quốc âm thi tập và Gia huấn ca của Nguyễn Trãi; soạn quyển Tự học chữ Nôm giúp cho các bạn trẻ chìa khóa và bí quyết mở cửa kho tàng chữ Nôm; dịch Gương hiếu cho NXB Trẻ. Cụ Kính vốn sinh ra trong gia đình Đông y, phụ thân là một lương y, nên cụ đã soạn và sưu tầm hai bộ sách Đông y: 500 bài thuốc gia truyền và 400 bài thuốc gia truyền diễn ca. Cụ cũng là người dịch khá nhiều sách thuốc cho các vị lương y đời nay, nhưng vì dịch sách Hán- Nôm được coi như là nghề nghiệp mưu sinh nên ít ai biết chỉ trừ những bạn bè thân.
Sự ra đi của cụ mãi là niềm thương tiếc, bởi cho đến bây giờ vẫn chưa có ai đủ sức kế thừa sự nghiệp nghiên cứu chuyên sâu của cụ; những đồng nghiệp khác, vốn ít ỏi, cũng đã ở tuổi gần đất xa trời.