(Thethaovanhoa.vn) - Hầu hết người mộ điệu điện ảnh đều biết cái tên Marlon Brando, hoặc ít nhất là nhớ tới các nhân vật mà ông thủ diễn. Tuy nhiên có ai thực sự biết được con người ông phía sau màn bạc?
Nay các fan sẽ có cơ hội được hiểu sâu hơn về cuộc đời ông, qua bộ phim tài liệu mới Listen To Me Marlon (Hãy lắng nghe tôi, Marlon).
Bộ phim tài liệu dài 90 phút này được dàn dựng dựa trên các đoạn băng ghi âm của Brando, đã được ông tự tay thu lại trong suốt cuộc đời, với tổng thời lượng lên đến 200 giờ đồng hồ.
Đưa trải nghiệm sống vào những vai diễn đáng nhớ
Một số băng ghi lại các cuộc họp bàn bạc công việc, các buổi phỏng vấn tạp chí. Nhưng số khác đã mô tả nỗi sợ hãi, trải nghiệm và cả khát vọng sống của Brando, đặc biệt là tiết lộ cảm giác của ông khi đứng trước máy quay.
Có thể nói Brando đã có một tuổi thơ “dữ dội”. Trong các băng thu âm, Brando thường nhắc tới người mẹ nát rượu và đặc biệt là người cha bạo hành của mình. “Cha tôi rất cứng nhắc. Ông là một người lính cứu hỏa không có nhiều lòng trắc ẩn. Ông thường tát, đánh đập tôi mà chẳng có lý do nào cả. Thời nhỏ, tôi luôn bị ông dọa nạt” – Brando kể.
Song những trải nghiệm đầy cay đắng đó đã phần nào giúp cho Brando hóa thân vào các nhân vật nhuần nhuyễn và “đời” hơn. Chẳng hạn như khi ông lột tả chân dung nhân vật Stanley Kowalski trong phim Chuyến tầu mang tên dục vọng (Streetcar Named Desire – 1951) và nhân vật trùm mafia Don Vito Corleone trong phim Bố già (The Godfather)
Tài năng nhưng Brandon có tiếng là người ngang tàng và từng có mối quan hệ đầy giông bão với đạo diễn Francis Ford Coppola tại trường quay Apocalypse Now, bộ phim có bối cảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ngoài ra ông cũng có những vấn đề về tâm lý. Trong thời gian quay phim Mutiny On The Bounty hồi năm 1962, ông đã tìm tới một bộ lạc ở Tahiti, coi đây là chốn giải khuây của mình.
Ông tự nhủ trong một đoạn ghi âm: “Ta chưa bao giờ ở một nơi nào đó cho bản thân thấy rõ rằng hãy từ bỏ việc chạy theo lối mòn của mọi người. Nếu cần một nơi thanh bình và an lành, thì đây sẽ là nơi mà ta chọn”.
Cuối đời đầy rắc rối, túng quẫn
Brando trở thành ngôi sao nhờ khả năng diễn xuất cùng sức lôi cuốn đầy mê hoặc của mình. Ông là người yêu nghề. Khi không đóng phim, ông lại dành thời gian để luyện giọng nói của các nhân vật.
Tuy đã gặt hái được những thành công nhất định, Brando vẫn luôn tự phê bình mình nghiêm khắc hơn. Ông đã rất tức giận khi nghĩ đến những bộ phim đại bại tại phòng vé như Candy và A Countess From Hong Kong mà bản thân thủ diễn chính cùng Vua hề Charlie Chaplin và nữ minh tinh Sophia Loren. “Ông đang đánh mất khán giả đấy” – Brando nói với bản thân mình trong một đoạn ghi âm.
Di sản sự nghiệp vẻ vang của Brando, từng 2 lần đoạt giải Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất (với phim On The Waterfront cùng Bố già) và là một trong những nam diễn viên có ảnh hưởng nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ, sau này bị tổn hại bởi tình trạng thừa cân, rắc rối gia đình và cảnh túng quẫn trong những năm 1990.
Giai đoạn cuối đời, ông trở thành mỏ vàng để báo chí lá cải khai thác tin sốt dẻo. Ông qua đời năm 2004, ở tuổi 80.
Mặc dù có bất đồng lúc Brando còn sống, đạo diễn Coppola vẫn đưa ra những lời nói có ý bênh vực, sau khi nam tài tử qua đời. “Marlon hẳn sẽ rất ghét nếu biết người ta chen nhau để bình phẩm về anh ấy, sau khi anh ấy đã qua đời”.
Về phần mình, có vẻ như Brando chẳng quan tâm nhiều tới những kẻ thích bình phẩm ông. “Cuộc đời là một màn diễn tập. Cuộc đời là một màn ứng biến không ngừng” - ông nói vào máy ghi âm. “Tôi sẽ cho đặt một chiếc micro đặc biệt trong quan tài của mình, để khi tỉnh giấc trong quan tài, ở sâu dưới lòng đất, tôi sẽ cất lời nói rằng: "Hãy làm mọi chuyện khác hẳn với ban đầu".
Tuấn Vĩ
Thể thao & Văn hóa
Tags