(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua (30/7) đã diễn ra hội thảo Giải pháp phát triển thị trường mỹ thuật Việt Nam trong bối cảnh kinh tế xã hội đương đại, do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm tổ chức.
Một tiếng nói đến từ báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN), với tham luận Thị trường mỹ thuật nội địa Việt Nam: Một câu hỏi lớn không lời đáp. Đây cũng là vấn đề mà báo chúng tôi đã kiên trì theo đuổi, phân tích, phản ánh kịp thời trong rất nhiều năm qua.
Hội thảo đã đặt ra các vấn đề về chính sách đầu tư cho mỹ thuật; giải pháp về hoạt động của bảo tàng; chính sách hỗ trợ nghiên cứu và phổ biến nghệ thuật; chính sách sưu tầm nghệ thuật tư nhân, hoạt động của gallery; thị trường mỹ thuật nhìn từ các hội chợ nghệ thuật và kinh nghiệm thế giới.
Phòng tranh phập phù
Trong cuốn sách thuộc loại kinh điển mới về thị trường là Seventh Days In The Art World (Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật), Sarah Thornton đã liệt kê 7 hạng mục mà bất kể thị trường mỹ thuật nào muốn hoàn thiện cũng phải có.
Đó là: 1/ trường đào tạo; 2/ hội chợ; 3/ nhà đấu giá; 4/ xưởng của nghệ sĩ; 5/ các triển lãm dạng “bom tấn”; 6/ tạp chí chuyên sâu; 7/ các chủ bộ sưu tập lớn.
Nếu căn cứ vào đây thì ở Việt Nam đã thực sự có những gì? Nếu có, thì các hạng mục này quan hệ với nhau ra sao? Câu trả lời là quan hệ rất mờ nhạt.
Nếu bức tranh hàng ngàn USD bị mất cắp sẽ khó có cơ sở để “lập vụ án điều tra, xét xử” giống như mất một chiếc xe máy, chiếc xe đạp. Việc gửi một bức tranh đi nước ngoài, nếu mất, thì hãng bảo hiểm nào lo? Chưa rõ.
Rồi làm sao để biết giá bán ước lượng, giá khởi điểm của một tác phẩm nào đó, hay chỉ tự lò mò làm giá với nhau? Chúng ta thiếu hẳn các tổ chức thẩm định, định giá, làm bảo hiểm, thiếu sự chung tay của ngân hàng…
Nhiều họa sĩ gửi tranh đi nước ngoài triển lãm, không bán được, có khi phải bỏ tranh luôn, vì khi trở về, hải quan Việt Nam căn cứ vào giá bán đăng ký ban đầu mà đánh thuế rất cao. Còn nếu đăng ký dạng “tạm xuất tái nhập” để hạn chế đánh thuế thì lỡ có người mua lại không được phép bán, bởi như vậy đã vi phạm luật.
Từ khi thành lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1925) tại Hà Nội cho đến năm 1985, mỹ thuật Việt Nam đã có bán và mua, nhưng căn bản được duy trì trên danh nghĩa tình cảm, sự mến mộ, các sưu tập đơn lẻ.
Điều này cũng đúng với hội họa miền Nam trước 1975. Đa phần người Việt trong nước vẫn xem mỹ thuật là thứ “vô dụng”, không phải là “nhu yếu phẩm”, nên không nhất thiết phải mua. Nhưng nếu có mua và bán, thì thị trường cũng không chỉ cần có vậy.
Sau năm 1985 thì sự mến mộ phai dần để thay bằng mua bán thuần túy, nhưng chỉ theo công thức: họa sĩ nội địa + nhà môi giới/phòng tranh/giám tuyển + khách quốc tế (đa số).
Chưa có thống kê nào cho biết số lượng tác phẩm mỹ thuật Việt đã bán ra quốc tế cho đến nay, nhưng có lẽ đã lên đến hàng chục ngàn, thậm chí hơn nữa. Nhà đấu giá Sotheby’s đã bán ít nhất 341 lượt tác phẩm của riêng danh họa Lê Phổ, nếu gộp hết mỹ thuật Việt Nam thì họ đã thực hiện hơn 1.500 lượt đấu giá.
Đó là chưa tính nhiều nhà đấu giá khác tại Pháp, châu Âu; tại Đông Nam Á như Larasati, Borobudur…; rồi lừng lẫy như Christie’s, nơi mà tối 22/11/2014 tại London, họ đã bán tác phẩm View From The Hilltop (Nhìn từ đỉnh đồi, sơn dầu trên bố, 113 x 192 cm, 1937) của Lê Phổ với giá 844.697 USD. Đây được xem là tác phẩm cao giá nhất của Việt Nam trên sàn đầu giá quốc tế cho đến lúc này. Họ cũng đã lên sàn ít nhất 382 lượt tác phẩm của Việt Nam.
Cả Việt Nam hiện nay có khoảng 20-30 phòng tranh thường xuyên “cung cấp sỉ” tác phẩm ra quốc tế, trong đó có vài tên tuổi cỡ bự… Còn những phòng tranh hoạt động phập phù, đứt quãng, nhỏ lẻ thì phải đến hàng trăm.
Thiếu địa vị, thiếu cả niềm tin
Trong sơ đồ mỹ thuật Đông Dương và Đông Nam Á nói chung, mỹ thuật Việt Nam chẳng thiếu tiếng nói đặc sắc, thế nhưng luôn thiếu địa vị cao. Lý do của điều này đã được lý giải rất nhiều, chung quy là thiếu thị trường nội địa lành mạnh, thiếu nền nghiên cứu và phê bình đúng tầm vóc, thiếu chiến lược tiếp thị cấp độ quốc gia, thiếu hệ thống định giá và bảo hiểm, ngân hàng phò trợ.
Nếu tính từ bức Bình văn của họa sĩ Lê Huy Miến (sáng tác khoảng từ 1898 tới 1905) nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam đã hơn 110 năm tuổi, hiện có hàng ngàn họa sĩ sáng tác, vậy mà chẳng lập nổi một thị trường nội địa, quả là đáng buồn. Hơn nữa, mỹ thuật là hàng hóa siêu xa xỉ, thế mà người Việt không mua tranh Việt, thì làm sao kích hoạt nhu cầu và niềm tin từ khách quốc tế.
Cứu thị trường tranh Việt bằng... đại gia?
Trong hội thảo, PGS. TS Nguyễn Đỗ Bảo cho rằng “bám lấy đại gia” là giải pháp hiệu quả nhất cho thị trường tranh Việt. Quan điểm của ông Bảo nhận được nhiều sự đồng thuận từ giới chuyên môn. Theo đó, việc quảng bá, nâng cao nhận thức nghệ thuật trong bộ phận doanh nghiệp cỡ lớn sẽ giúp thúc đẩy thị trường tranh Việt.
Tuy nhiên, trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng: Xã hội hóa thị trường tranh không phải là dồn toàn bộ cho doanh nghiệp, người dân. Nhà nước phải đóng vai trò chủ đạo, là ông chủ lớn nhất... Các công trình tượng đài lớn phục vụ dân sinh, phục vụ đời sống tinh thần là một giải pháp thúc đẩy thị trường.
Tags