Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm: Sống để vẽ và yêu

Thứ Tư, 15/06/2016 17:21 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, danh họa cuối cùng trong bộ tứ “Phái - Sáng - Liên - Nghiêm” qua đời lúc 10g27 ngày 15/6 tại bệnh viện Hữu nghị (Việt Xô). Ông là cựu sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sinh năm Bính Ngọ 1918, cho đến những năm cuối đời khi đã ngoài 90, họa sĩ vẫn vẽ hàng ngày.

Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu lại bài viết về ông của nhà thơ Vi Thùy Linh trên giai phẩm Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ như một lời tưởng nhớ tới họa sĩ tài danh của nền mỹ thuật Việt Nam:

Nguyễn Tư Nghiêm cũng là hoạ sĩ hiếm hoi của nền mỹ thuật Việt Nam có bảo tàng riêng. Ông may mắn không chỉ vì sống thọ, minh mẫn khi tuổi gần thế kỷ, mà còn bởi 23 năm qua, Nguyễn Tư Nghiêm sống có đôi trong tình yêu bên bạn đời trẻ hơn gần 30 tuổi, đẹp và tận tâm. Chính nhờ bà mà ông duy trì được phong độ sáng tác bền bỉ.

Mối tình lớn của Nguyễn Tư Nghiêm

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) - bậc thầy tiếng Việt chơi với nhiều anh tài các lĩnh vực. Nguyễn Tư Nghiêm thường hay qua lại, chia sẻ tác phẩm mới, bà Vũ Thị Tuệ (1908 - 1996), phu nhân nhà văn, nấu món ngon lại mời "chú Nghiêm" đến.

Những năm bao cấp ấy, danh hoạ không có vợ, chẳng chú ý gì khác hơn quan hệ chú - cháu với Thu Giang. Ông bà Nguyễn Tuân sinh 8 con, 1 con trai mất lúc nhỏ, còn lại 3 trai, 4 gái. Cô út Thu Giang đẹp nhất, lại gắn bó bố mẹ nhất. Duyên mệnh nghệ thuật thật kỳ lạ. Bao thăng trầm, cuối cùng họ vẫn "tìm thấy nhau" tại Hà Nội - nơi họ đã gặp lần đầu, nơi bà Giang được sinh ra, là quê gốc.



Vợ chồng họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Thu Giang tại nhà riêng cuối tháng 12/2013. - Ảnh: Nguyễn Đình Toán  

Đó là mùa Thu 1991, Thu Giang trở ra Hà Nội, mùa đẹp nhất đất này là mùa có sinh nhật Nguyễn Tư Nghiêm. Thu Giang đến thăm, nhờ chú vẽ cho một bức chân dung. Và rồi nhiều chân dung ra đời, cả tranh nude.

Nguyễn Tư Nghiêm tỏ tình với Thu Giang: "Sinh lực tôi đã cạn kiệt, chỉ có tình cảm dành cho em".

Ông trao niềm tin khi thấy bà chăm chút tỉ mẩn cho bố mẹ, bố mất thì lại hầu mẹ già. Trong sự chịu thương chịu khó ấy, ông nhìn ra cả tính cách mạnh mẽ, quyết liệt. "Quanh tôi lúc nào cũng có nhiều phụ nữ, nhưng tôi chưa từng cưới và công nhận ai là vợ. Chỉ Thu Giang là vợ tôi". Hơn nửa thế kỷ sống độc thân tại gác 3 khu nhà nghệ thuật 65 Nguyễn Thái Học, Nguyễn Tư Nghiêm lọ mọ xách nước, tự mình bếp núc, ở và vẽ chật chội.

Cuối 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho cấp thêm nửa căn hộ tầng trệt nhà A1 khu tập thể Trung Tự (vốn là căn hộ của nhạc sĩ Trần Hoàn từng ở) để họa sĩ có không gian vẽ. Thu Giang bước sang quãng đời mới, là vợ danh hoạ, với trách nhiệm nặng mà chỉ ai rất can đảm mới dám dấn thân. Thu Giang thích hoa hồng, bà lãng mạn chải chuốt từ bé. "Thú chơi, ăn diện là do bố Tuân dạy tôi". Song Nguyễn Tư Nghiêm không tỏ tình bằng hoa hồng thường trực. Ông dồn tình cảm vào những bức tranh.

Năm 2003, cộng tiền bán hai căn nhà nhỏ ở Nguyễn Thái Học và Trung Tự, họ mua nhà ngõ phố Phan Bội Châu. Đây là nơi danh hoạ sống và vẽ.

Bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm

Ngôi nhà 4 tầng kiến trúc Pháp ở 90 B2 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm là nơi gia đình nhà văn Nguyễn Tuân đã sống. Vợ chồng nhà văn đều từ trần mùa Hè, bà sau ông 9 năm. Con cháu trưởng thành đều có nhà riêng. Ngôi nhà gốc được gìn giữ làm nhà lưu niệm. Nguyễn Tuân biệt tài, kiêu bạc, khái tính, tinh sành, chết đi vẫn được nhắc nhớ bằng tác phẩm tinh hoa để lại. Ông "oách" cả khi "về cõi", bởi con rể là Nguyễn Tư Nghiêm. Họ cùng được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1 (1996).

Theo quyết định thành lập do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ký, bảo tàng nhà văn Nguyễn Tuân ra đời ngày 29/12/2011, bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm từ 18/1/2012 và họa sĩ Nguyễn Thu Giang là người phụ nữ duy nhất ở Việt Nam hiện nay là giám đốc 2 bảo tàng tư nhân.

Bước qua 22 bậc thang gỗ sạm đen qua gần thế kỷ, người xem sẽ lên tầng 2. BT nhà văn Nguyễn Tuân gồm 2 phòng. Tường lối lên các tầng đều treo kín tranh Nguyễn Tư Nghiêm. Đối diện, gian nhỏ xíu bên trái, diện tích 6x9 ô gạch là phòng tranh mini như "bước đệm" để khách "trấn tĩnh" trước khi lên tầng 3 - BT tranh của danh họa. Gian nhỏ này vốn là... nhà tắm, bà Giang cho sửa lại. Nào hổ, ngựa, dê, chó, mèo, rắn... tranh con giáp là nét đặc sắc của hoạ tài Nguyễn Tư Nghiêm.


Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm tặng báo Thể thao & Văn hóa tranh ngựa bột màu trên giấy dó - giấy thủ công cổ truyền của Việt Nam. Trên tranh có dòng chữ: "Kì tư thiên thiếu âm quân hỏa sinh vận thái âm thấp thổ. Thuận hóa". Ông giải thích: Thấp thổ là màu vàng, ngựa là hỏa màu đỏ, hỏa thắng thổ, sinh thổ. Năm 2014 khí sinh vận là năm thuận hoá tốt lành.

Tại gian nhỏ này, hai bức tranh xác định được dấu mốc của đời ông. Bức vẽ Thu Giang với dòng đề "Kỷ niệm chỗ ở mới 1992" đánh dấu thời điểm ông có vợ và bìa cuốn Nghệ thuật vẽ tranh con giống cho Xưởng tranh nghệ thuật Việt Nam năm 1975 (trước đây đóng ở Tô Hiến Thành), đơn vị đặt ông vẽ 12 con giáp. Đây là dấu mốc của thể tài mà ông vẫy vùng, bung tỏa sáng tạo gần 40 năm nay.

Loạt tranh nude vẽ từ 1992 mang sắc thái mới đầy sức sống khoáng đạt. Người đàn bà một mình hay bầy thiếu nữ nude ở đầm sen - loài hoa ông thích - đều gây ấn tượng.

Từ tầng 2 lên, qua 10 bậc thang là "chiếu nghỉ", khách có thể dừng lại ngắm tranh. Lượng tranh nhiều đủ để quy mô BT rộng thêm 10 lần nữa.

Năm Ngọ, xin tranh Ngựa của Nguyễn Tư Nghiêm

Đến bảo tàng tranh Nguyễn Tư Nghiêm thì chỉ có tranh, không gặp được tác giả.

Ngôi nhà trong ngõ Phan Bội Châu bao bọc bằng những chậu cây xanh khuôn lại khoảng sân. Lạnh một chút thôi, vào phòng khách sẽ thấy ấm vì tình cảm của ông bà. Khoảng cách 28 năm giữa họ chưa khi nào là vấn đề. Vì bà sống với ông bằng sự trọng tài, tự nguyện gánh sứ mệnh bảo dưỡng tài năng lớn.

"Tôi không cho mình được phép ốm" - bà Giang cho biết... Nhà có cô giúp việc, bà vẫn trực tiếp nấu ăn, pha đồ uống cho ông. Hàng ngày, bà sang BT đến trưa về cho chồng ăn và dành buổi chiều ở nhà. Có sự kiện cần thiết, hay đặc biệt, bà mới đi, còn ông thì không.

Ông tránh đám đông, khách khứa, ẩn mình đến mức ngay trong giới mỹ thuật, không ít người nghe tên ông cứ tưởng “người muôn năm cũ”. Ông hạn chế tiếp khách tại nhà, ít ra ngoài, tuổi cao chỉ là một lý do "thông thường" như những lão niên hay đưa ra nhằm biện minh cho mọi sự. Cái chính là ông tiếc thời gian. Sự nghiệp đồ sộ danh tiếng thế mà ông vẫn "tham". Tham sống để có thêm thời gian vẽ. Sự tham ấy, ở tuổi 96, chất tụ cái ham sáng tạo và đam mê cống hiến. 



Người ta thường ví tuổi già là buổi chiều của cuộc đời. Tuổi của ông thì đã sang "buổi tối" lâu rồi, vậy mà ông vẫn vẽ mỗi chiều. Nếu có gì làm gián đoạn, mất hứng, không vẽ được thì ông sẽ cáu gắt.

Lên - xuống gác là chuyện thường với Nguyễn Tư Nghiêm. Ông bước đi dứt khoát, dù lưng hơi cong, không cần gậy. Da trắng hồng, tóc bạc trắng, hơi nặng tai song ông rất minh mẫn, hóm. Ông xưng "anh - em" dịu dàng với vợ và luôn tỏ rõ sự tin cậy, phó thác cho Thu Giang, tham vấn ý bà khi quyết việc gì.

Những bức tranh ông vẽ tặng hoặc đặc biệt thích, danh hoạ đề rõ góc trái, mặt chính tác phẩm, bằng bút vẽ: "Sưu tập Thu Giang". Đó vừa là khẳng định tình cảm sở hữu, vừa là "nhắc nhở" bà phải giữ, không được bán, dù ai trả giá nào.

12 con giáp của Nguyễn Tư Nghiêm

Nguyễn Tư Nghiêm vẽ con giáp theo năm và cảm hứng. Nhưng năm nào ông cũng có tranh "nghênh Xuân" từ đầu Đông trước. Lúc vẽ đơn, lúc vẽ nhóm, khi lại hoạ cả 12 con giáp, nên dù chuyên sâu thể tài, ông vẫn làm nên sự đa dạng, sinh động. Ưu ái tuổi cầm tinh, ông hay cho con ngựa đứng giữa tranh, các con khác quây quanh. Những bức vẽ ngựa năm 1966, Bính Ngọ, năm Nhâm Ngọ 2002 vẫn được giữ gìn ở Bảo tàng Nguyễn Tư Nghiêm.

Đất Nam Đàn tự hào sinh ra Nguyễn Tư Nghiêm. Chàng trai xứ Nghệ ra Hà Nội học và gắn với "đất thành" 80 năm. Ông không có con. Là con thứ 4 trong số 6 anh em, Tư Nghiêm là người duy nhất theo nghệ thuật trong dòng họ. Chị gái ông, bà Nguyễn Thị Thế (107 tuổi), đang sống cùng con cháu ở phố Đoàn Nhữ Hài. Giờ chỉ còn 2 chị em, chị vẫn thi thoảng qua thăm em Nghiêm. Còn em thì mong sẽ sống đến tuổi của chị.

Trên chiếc ghế mây có lưng tựa được kê gối, đệm, danh hoạ thường ngồi, mơ màng ngắm vườn hoặc vợ, hay xem ti vi lúc uống cà phê pha sữa Ensure. Bà cũng đích thân làm việc nhỏ nhất cho ông. Xưa cắt tóc tỉa râu cho bố (Nguyễn Tuân), thì sau này làm cho chồng. Lại thêm việc cắt móng, gội đầu, tắm, thay đồ. Cường độ lao động cao, bà vẫn mềm mỏng, ân cần. Mỗi chiều ông vẽ, bà đều chuẩn bị màu, giấy bút.

Người đầu tiên xem tranh ông là bà, từ khi họ chung sống. Chính bà bảo quản, lưu trữ, phân bố tác phẩm của chồng. Bà cho lắp máy hút ẩm, điều hoà nhiệt độ, camera ở tất cả các phòng tại nhà và bảo tàng. Tiền điện mỗi nơi luôn từ 4 triệu/tháng trở lên.

Hoạ phẩm ông dùng đều là hàng Pháp do bà Giang mua về. Danh hoạ ưa dùng màu mạnh, sử dụng nguyên bản. Ông điêu luyện vẽ nhưng "thơ ngây" với cuộc đời. Ví như cầm 100 USD ra đầu phố, gặp cô bánh mì, ông mua vài cái rồi... đi về, không lấy tiền trả lại.

Nguyễn Tư Nghiêm, bằng những gì tôi thấy, là người đàn ông yêu và được yêu. Ông đã có được điều quý giá như đại văn hào Victor Hugo quả quyết "Hạnh phúc lớn nhất trên đời là niềm tin vững chắc rằng chúng ta được yêu, được yêu vì chính bản thân ta, hay đúng hơn là bất chấp bản thân ta".

Bất chấp thời gian và thử thách, họ vẫn bên nhau. Nguyễn Tư Nghiêm có đùa là ông còn muốn vẽ tranh ngựa năm 2026.

Vi Thùy Linh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›