(TT&VH Cuối tuần) - Tác giả của Xuân, Hạ ,Thu, Đông rồi lại Xuân, Căn phòng trống, Cánh cung, Giải phẫu thẩm mỹ…, giải Sư tử Bạc tại LHP Quốc tế Venice năm 2004 với Căn phòng trống(3-Iron) và mới nhất, Sư tử Vàng với Pietà (2012), Kim Ki Duk (*) nhiều khả năng sẽ có mặt tại Việt Nam trong thời gian tới để giao lưu với sinh viên, giới làm phim, báo giới và khán giả tại TP.HCM.
Với sự giúp đỡ của nghiên cứu sinh tiến sĩ Bùi Phan Anh Thư đang làm việc tại Seoul và thông qua đại diện của Kim, chúng tôi muốn thực hiện cuộc trò chuyện thú vị qua email với vị đạo diễn này. Có một điều khá bất ngờ là, nhiều câu hỏi của chúng tôi Kim đã trả lời phần lớn trong hai cuốn sách: Pietà, kịch bản Kim Ki Duk, tiểu thuyết của Hwang La Hyeon, NXB Gayeon, 9/2012 và Kim Ki Duk: On Movies, The Visual Language, của Marta Merajver-Kurlat, NXB Jorge Pinto Books, 2009 (bản tiếng Hàn có tên: Đạo diễn tồi tệ - Kim Ki Duk, biography từ 1996 đến 2009, do Jo Yeong Hak dịch, NXB Gasse, 2009). Ngoài những trao đổi qua e-mail, bài phỏng vấn được tổng hợp từ những trả lời của đạo diễn Kim trong 2 cuốn sách nói trên.
Tôi đang giấu bớt sự kỳ quặc
* Trước hết xin được hỏi về bộ phim mới nhất của ông, "Pietà". Cảm nghĩ của ông khi quay lại với công chúng sau 4 năm?
- Thật ra tôi đã có Arirang và Amen, nhưng tiếc là công chiếu khá giới hạn. Pietà lần này gặp lại công chúng sau thời gian dài là một cơ hội vui. Đã làm phim thì đạo diễn nào chẳng mong công chúng xem và cảm nhận nó dù phim đó có chủ đề gì, ý nghĩa thế nào hay thú vị về mặt giải trí ra sao. Phim của tôi có nhiều chỗ mơ hồ, nhưng tôi nghĩ nó có ý nghĩa, tôi đã nghĩ chút ít về tính đại chúng khi làm Pietà. Tôi rất tò mò về kết quả. Nói vậy không phải (phim tôi làm) khác trước đây nhiều, mà chỉ là tôi kể câu chuyện mà chúng ta ai cũng biết, một cách thân thiện hơn và phổ biến hơn.
Đạo diễn - nhà làm phim Kim Ki Duk |
* Chúng tôi chưa có cơ hội được xem "Pietà". Xin lỗi ông, nhưng ngoài thị trường đĩa lậu chưa bán.
- Tôi nghĩ câu chuyện tôi muốn nói thông qua Pietà là thế giới tư bản chủ nghĩa cực đoan. Thời này cứ có tiền là được, nên xuất hiện những hiện tượng cho vay nặng lãi và những tệ lậu kinh khủng kéo theo nó. Pietà không 100% nói về đồng tiền, đó là câu chuyện về những rắc rối trong quan hệ giữa người và người của xã hội tư bản, rắc rối đó được triển khai thế nào và nó tạo nên cảm giác gì giữa họ... Những người sống trong thời đại này, xã hội mà con người ta phải sống bằng tiền, không còn cách nào khác là họ phải “tù đày” trong hàng rào khổng lồ là tiền. Trong khoảnh khắc “lao” vào hàng rào khổng lồ này, thì tất cả họ đều trở thành “bỉ ngã” (“mình” hay “ta”) trong cùng không gian đó. Người hại hay người bị hại đều phải thực hiện cả hai “vai trò” này dù mình có muốn hay không. Pietà là câu chuyện của người hại lẫn người bị hại. Tôi làm phim này với ý nghĩ, nên suy nghĩ nghiêm túc hơn về chủ nghĩa tư bản cực đoan mà chúng ta đang sống trong đó, và về chủ nghĩa tư bản cá nhân.
* Các nhân vật trong phim của ông thường khác người. Trong phim này ông đã tạo dựng nhân vật ra sao?
- Kịch bản là thứ mà đọc vào mỗi người phân tích nhân vật mỗi kiểu, tôi vốn có thói quen thay đổi kịch bản tùy theo diễn viên. Các diễn viên có thể mất lòng vì điều này, nhưng tôi không có quan niệm vai trò này là của ai. Tôi gặp diễn viên chính mỗi vị một lần, với hình tượng có được (sau lần gặp đó) tôi suy nghĩ thêm 2-3 ngày nữa. Tôi suy tính kỹ về tình cảm khi đối thoại và giọng nói của họ, rồi tính toán thêm thắt cho phù hợp với hình tượng nhân vật.
Cảnh trong phim 3-iron
* Trọng tâm của "Pietà" là gì?
- Tôi chọn 3 cảnh: một là, bà mẹ hiến thân, bỏ tất cả để đến bên anh chàng không mẹ; hai là, cảnh đứa con trai thoát khỏi mọi hành động tàn nhẫn khi gặp mẹ; ba là, cảnh tất cả mọi bí mật được phơi bày với bi kịch của “một bà mẹ” và “một đứa con trai”. Tôi mong ba cảnh này sẽ làm người xem buồn, đau… nhưng cảm động.
* Ông có nghĩ rằng tới "Pietà", phim Kim Ki Duk đang ít bạo lực đi?
- Cảnh trí phim cần giết ai thì phải giết, phải tha thứ ai thì tha thứ. Có khi hèn nhát, nhưng nếu đang đi đến cảnh trí đó thì phải biểu đạt như vậy. Tôi không biết tôi có thay đổi không. Nhưng điều tôi luôn dặn lòng là, đừng bỏ đi những nghi ngờ về ý kiến đa số. Bạn nói phim hiện nay khác trước đây, nhưng tôi nghĩ đó là, tôi đang giấu. Nếu nhìn kỹ, sẽ thấy các phim sau này tàn nhẫn hơn và đau lòng hơn (và Pietà tàn nhẫn nhất!). Tôi nghĩ Pietà kỳ quặc hơn, vì sự đau khổ ở hiện thực lớn hơn. Tôi không hạnh phúc mà liên tục đau khổ và cô độc hơn. Và tôi nghĩ, đó là con đường cho mình thăng hoa.
* Còn gì ông chưa thể truyền tải?
“Tôi không cố ý giảm lời thoại trong phim, mà đơn giản, tôi nghĩ, im lặng cũng là thoại”- Kim Ki Duk
- Tôi cho rằng, cuộc sống của chúng ta như một cái gương mà ta đang soi, tức đối diện với chính mình trong gương. Trong lịch sử, con người muốn sửa sai mà sống cho tốt, nhưng thực tế con người vẫn gây chiến với nhau bằng những điều rất ấu trĩ. Bây giờ tôi muốn nói đến sự hạnh phúc và tự do của mỗi cá nhân, hơn là sự hạnh phúc của đa số - của một quốc gia - của một tập đoàn... Sự hạnh phúc đó, không phải là sự mãn nguyện về vật chất, mà là sự lặp lại liên tục của những giác ngộ. Mỗi ngày đạt đến cảnh giới bằng những giác ngộ này.
Bước vào phim lúc 33 tuổi
* Ông đã bắt đầu với điện ảnh trong hoàn cảnh như thế nào?
- Năm 33 tuổi tôi có xem ba bộ phim trong khi vẽ tranh dạo ở Pháp: The Silence Of The Lambs (Sự im lặng của bầy cừu) có Jodie Foster đóng, Les Amants Du Pont-Neuf (tựa tiếng Anh: The Lovers On The Bridge) của đạo diễn Leos Carax, và L’amant (The Lover/Người tình) từ nguyên tác của Marguerite Dumas - từ đây, tôi có một ước mơ. Trước đó, tôi chưa từng xem phim “một cách đàng hoàng”.
Từ năm 16 tuổi suốt ngày tôi chỉ làm việc trong nhà máy. Tôi sống cực nhọc với đủ loại công việc từ sản xuất phụ tùng xe hơi, xưởng làm nút áo, xưởng làm đồ điện tử và cả ngoài công trường xây dựng. Nhưng chính kiến thức và nguyên lý mà tôi học được khi tiếp xúc với đời sống của một công nhân kỹ thuật máy, đã giúp ích tôi rất nhiều khi làm phim. Tôi làm được 15 phim với kinh phí thấp cũng là nhờ những gì tôi học được trong lao động tại nhà máy. Tóm lại, với tôi, 3 phim trên là một cú sốc rất mới.
* Có lý do nào đặc biệt giải thích việc ông chẳng xem phim khi sống trong nước không?
- Tôi mải làm việc trong nhà máy quá lâu, nên cuộc sống có một khoảng cách quá xa với “văn hóa” và với phim ảnh, tôi đã nghĩ nó thật sự không tưởng. Chắc hồi đó tôi nghĩ: phim ảnh là thứ mà phải tốt nghiệp đại học mới xem được, còn những người tối ngày trong nhà máy như tôi thì có xem cũng chẳng hiểu được.
Phim Pietà
* Sao ông lại chọn Paris, mà không phải London hay Roma?
- Tôi thích vẽ, và ở Hàn Quốc, cứ nói đến vẽ là người ta nghĩ đến Paris. Tuy nhiên, không phải chỉ có Paris, tôi đã đi khắp các viện bảo tàng ở châu Âu, xem nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc, và tất cả chúng đã thành nguồn cảm hứng cho điện ảnh của tôi. Đặc biệt, thay vì xem những tác phẩm trong viện bảo tàng mỹ thuật, thì chính những bức tượng trên phố và di tích của quá khứ mang lại cảm hứng phong phú cho tôi, đặc biệt là những bức tượng trong một ngôi làng nhỏ vô danh ở Hungary.
Không nhất định là Paris, mà chính văn hóa và xã hội châu Âu đã cho tôi sự tự tin và lòng xác tín, mang lại cho tôi niềm tin rằng: tôi không thuộc một loại nào đó trong giai cấp của một xã hội mang tên “Hàn Quốc”. Mà tôi là một con người độc lập đầy đủ, vì thế tôi dũng cảm hơn để khơi dậy ý thức và hình tượng nội tại.
* Ông giao tiếp bằng tiếng Pháp khi ở Paris?
- Tôi học thuộc lòng rất ít lượng danh từ và động từ để sống được ở đó. Không biết ngoại ngữ có khi là may mắn với tôi, tuy có lúc trắc trở, nhưng tôi không muốn biết quá sâu về xã hội cũng như lịch sử của xã hội đó. Vì tôi có thể nhận biết được nhiều thứ thông qua biểu cảm trên gương mặt và động tác của con người vùng đó. Tôi không nghĩ, hỏi quá nhiều về điện ảnh là điều hay. Cứ cảm nhận, hiểu và đồng cảm thì không cứ gì phải giải thích.
Làm phim về con người chứ không phải về phụ nữ
* Khi bắt đầu với điện ảnh, ông có nghĩ rằng mình sẽ trở thành đạo diễn thay vì làm diễn viên?
- Trở về từ Pháp vào năm 1993, tôi đăng ký đi học lớp viết kịch bản trước. Hồi đó có nhiều người học cùng tôi, nhưng đại bộ phận họ đã tốt nghiệp đại học và chủ yếu chuyên ngành là văn chương. Tôi không học đại học nên văn phạm kịch bản tôi học từ họ rất nhiều. Cứ mỗi tháng tôi viết một kịch bản dài, với hy vọng kịch bản sẽ được làm thành phim, trở thành tác giả kịch bản để khỏi phải đi làm ở nhà xưởng. Tôi cứ mãi viết kịch bản như thế, được khoảng 10 bộ thì tôi gửi đi dự thi, vậy là 1 năm sau tôi trở thành đạo diễn chính kịch bản phim tôi viết. Nhưng do tôi không được học về cách làm phim hay chỉ đạo diễn xuất, nên tôi làm sai khá nhiều. Cho nên toàn bộ phim quay lượt đầu đều phải bỏ hết. Và phim hoàn thành trong vòng 4 tháng sau đó chính là Crocodile, phim này được đánh giá là cách làm còn thô nhưng có ý nghĩa. Nhưng đối với những nhà phê bình nữ thì phim này bị cho là phim cưỡng dâm và cho đến nay cũng có nhiều người nghĩ phim của tôi coi thường phụ nữ.
* Ông nghĩ lý do tại sao những nhà đấu tranh bình đẳng giới nổi giận khi xem phim ông?
- Tôi nghĩ trong giới nữ quyền có nhiều loại người như: phụ nữ, phụ nữ đấu tranh cho phụ nữ, hay trường đại học nữ... Trong trường hợp họ là một đoàn thể, thì một phim nào đó sẽ trở thành ngọn cờ cho họ, còn phim của tôi thì có khi trở thành mục đích chính trị cho họ. Chỉ một cảnh trong phim của tôi thôi cũng có khi cần thiết cho ý thức hệ của họ, nhưng nếu xem hết bộ phim tôi làm, có khi tôi mới chính là một nhà nữ quyền thực thụ. Vì vậy, tôi cho rằng cần có một sự phân tích đa chiều. Xem phim tôi làm là loại phim coi thường phụ nữ, hay xem nó là vũ khí, thì tôi nghĩ, đó là vấn đề của mỗi người. Vì nếu họ không vui khi xem phim tôi, thì cái đó là do họ chỉ nghĩ đến đấu tranh bình đẳng giới, chứ họ chưa biết toàn bộ về cuộc đời. Tôi làm phim về con người, chứ không chỉ làm phim về phụ nữ.
Phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân
* Ông đã thành đạo diễn như thế nào?
- Sau khoảng 1 năm học tại trung tâm dạy viết kịch bản, tôi vẫn còn sợ lắm, vì bản thân chỉ có bằng tiểu học, nhưng có thầy đã khen tôi dựng truyện trong kịch bản hay hơn người khác. Chuyện tôi thành đạo diễn khá ngẫu nhiên, khi tôi trúng giải kịch bản, được vài người biết đến và xúi làm đạo diễn, nhưng những ký ức này không vui vẻ gì. Mọi người nói mục đích của tôi không phải làm điện ảnh mà là vì tiền, nhưng rồi, những phim tôi cứ làm như thế, rồi được chú ý cho đến nay.
* Ông thích tác phẩm nào nhất? Có lý do đặc biệt nào không?
- Không có phim nào là đặc biệt nhất, vì lúc làm phim nào thì tôi sống trong mọi suy nghĩ về phim đó. Nhưng nếu phải chọn một, thì chắc là Crocodile. Đó là bộ phim giúp tôi nhận ra một thế giới mà trước đó tôi chưa hề chạm đến, nó thô kệch, nhưng tôi đã diễn đạt rất thật suy nghĩ của mình, giờ nghĩ lại, tôi thấy thật thuần khiết.
Im lặng cũng là lời thoại
* Ông có nghĩ trải nghiệm của một họa sĩ lang thang có ảnh hưởng đến thẩm mỹ điện ảnh của ông? Trong phim ông rất ít thoại, điều này có liên quan gì đến giác quan hội họa của ông?
- Tôi nghĩ phim là ý thức, nó phải nhiều hơn một chút mỹ thuật, âm nhạc hay môi trường kỹ thuật mà tôi có. Vẽ tranh hay chụp ảnh giúp ích khá nhiều, nhưng chính không gian sống và những người tôi gặp ảnh hưởng lớn hơn. Tôi không cố ý giảm lời thoại trong phim, mà đơn giản, tôi nghĩ, im lặng cũng là thoại. Sự im lặng là lời thoại đa nghĩa nhất. Và, tiếng khóc và nụ cười cũng là những lời thoại rất sâu sắc. Tôi cho rằng, ý nghĩa lời thoại khác nhau tùy chất liệu tạo nên phim là gì.
* Ông có nghĩ tại sao phim của mình được nước ngoài thích hơn trong nước không?
- Tôi làm phim bằng những gì tôi cảm nhận. Tôi không đọc sách hay tiểu thuyết người khác viết. Tôi luôn tự hỏi về những mâu thuẫn mà mình cảm nhận được khi đã sống một cuộc đời như thế. Khi những tự vấn đó thành phim, nếu những nhà phê bình nước ngoài quan tâm đến nó, thì có nghĩa là, họ cũng đang sống với những câu hỏi tương tự như tôi.
Phim tôi không có lời đáp, mà phim tôi luôn đưa ra câu hỏi. Tôi không muốn trở thành triết gia hay người cầm quyền bằng phim ảnh. Tôi muốn đau buồn, phẫn nộ, thấu hiểu và nỗ lực, để cuối cùng làm thăng hoa thế giới mà tôi đang sống. Trong khi tôi làm phim, tôi cực kỳ đau buồn, nhưng rất hạnh phúc. Nếu có ai xem phim tôi và cũng cảm nhận như thế, thì có nghĩa là, họ cũng sống trên đời này với tâm trạng như tôi. Tôi nghĩ, biểu đạt phải vượt lên cả đạo đức và luân lý đã được định sẵn để tiến đến một cảnh trí mới. Thế gian khống chế chúng ta bằng hai gam màu đỏ và màu xanh, nhưng biểu đạt, thì chúng ta có vô số gam màu để làm nó.
Tôi cũng nghĩ rằng, nổi tiếng rồi trở nên giàu có, được công nhận và sống an toàn, điều này rất nguy hiểm. Tuy có lúc ta không tránh nổi. Nhưng con người ở mỗi giai tầng đều có cái nhìn về xã hội khác nhau và tất nhiên mâu thuẫn cũng khác nhau, từ đó tính khả thi cho một bộ phim mới xuất hiện. Tôi nghĩ là, phim khác đi khi cuộc sống của tôi khác đi.
(*) Về con người và tác phẩm điện ảnh của Kim Ki Duk, tham khảo bài viết trên TT&VH Cuối tuần số 37 ra ngày 14/9/2012: Kim Ki Duk - “Đạo diễn tâm thần”, “quái thai thời đại” hay “tượng đài điện ảnh Hàn Quốc”? Đây là một đạo diễn phim độc lập rất quen thuộc với giới mê phim ảnh Việt Nam. Dù chưa phim nào của Kim Ki Duk được công chiếu ngoài rạp, nhưng ít nhất 15/18 phim của ông đã có mặt trên thị trường băng đĩa lậu ở Việt Nam; thậm chí người ta còn phát hành tuyển tập 12 phim Kim Ki Duk.
Anh Thư - Như Hà (tổng hợp và thực hiện)