Di sản nghìn tuổi của Libya vào 'tầm ngắm' của IS?

Chủ nhật, 12/04/2015 12:37 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi xem video mà nhóm phiến quân của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tung lên internet, ghi lại hình ảnh chúng dùng búa tạ và khoan đập vỡ vụn nhiều cổ vật vô giá của Iraq, giới chức Libya lo ngại di sản phong phú có niên đại nhiều thiên niên kỷ của đất nước này cũng nằm trong “tầm ngắm” của phiến quân IS.

Đoạn video cho thấy nhóm phiến quân IS đã đập vỡ nhiều đồ trưng bày, có niên đại từ thời Assyrian (đầu thế kỷ 24 đến năm 608 trước Công nguyên) tại bảo tàng ở Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq và là thành trì chính của IS kể từ khi chúng chiếm lĩnh nơi này từ hồi tháng 6/2014.

Nhóm phiến quân IS cho rằng, cổ vật là những thứ chống lại đạo Hồi, thúc đẩy ngoại giáo, do vậy phải bị phá hủy.


Tàn tích ở Le:ptis Magna, thành phố được UNESCO đánh giá là “một trong những thành phố đẹp nhất của Đế chế La Mã”

IS bị UNESCO lên án

Các quan chức Iraq tin rằng, ở Mosul, khoảng 90 cổ vật đã bị phá hủy hoặc hư hại nặng. Hành động điên cuồng của IS đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ và so sánh với hành động phá hủy các bức tượng Phật cổ Bamiya ở Afghanistan hồi năm 2001 của Taliban.

Ngoài hành động đập phá nhiều bức tượng cổ, nhóm phiến quân IS còn cướp phá thư viện ở Mosul, đốt hàng ngàn cuốn sách và bản thảo hiếm chứa đựng kiến thức của loài người từ hàng ngàn thế kỷ qua.

UNESCO lên án sự phá hủy có hệ thống của phiến quân IS ở Iraq là một “tội ác chiến tranh”.

Đáng ngại là hành động của phong trào thánh chiến đã lan sang Libya, nơi có nhiều nhóm Hồi giáo địa phương cam kết trung thành với IS. Libya là đất nước có di sản khảo cổ phong phú. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Moamer Kadhafi bị lật đổ hồi năm 2011, Libya đã chìm trong hỗn loạn và từ đó sức ảnh hưởng của IS ở đất nước Bắc Phi này ngày càng gia tăng.

Libya có 2 chính phủ và quốc hội kể từ khi liên minh Hồi giáo Fajr Libya chiếm lĩnh thủ đô Tripoli hồi năm ngoái. Chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận của Libya đã phải lui về phía Đông. Libya giờ tràn ngập vũ khí, trong khi các nhóm quân được trang bị vũ khí đang chiến đấu để kiểm soát các thành phố và tài nguyên dầu lửa.

Ông Ahmed Hassan, chuyên gia về cổ vật Libya cho biết, kể từ khi chính quyền của ông Kadhafi sụp đổ, nhiều di sản văn hóa đã bị đánh cắp và nhiều di chỉ cổ bị phá hoại.

“Chúng tôi lo ngại bàn tay của những kẻ Hồi giáo cực đoan sẽ phá hoại cả di sản của đất nước chúng tôi, giống như Iraq” - ông Hassan bày tỏ.

Không di sản thế giới nào được an toàn

Libya có 5 di chỉ nằm trong danh sách Di sản thế giới của UNESCO, song đáng buồn là không có di chỉ nào được coi là an toàn.

Thành cổ huyền thoại Leptis Magna, thuộc phía Tây Libya đã bị phiến quân IS chiếm đóng một phần. Leptis Magna đã được UNESCO mô tả là “một trong những thành phố đẹp nhất của Đế chế La Mã”.

Còn ở phía Đông, cách Derna 80km, thành trì chính của IS, là thành phố Hy Lạp cổ Cyrene. Thành phố này từng được mệnh danh là "Athens của châu Phi". Cũng bị tổn hại là thương cảng Sabratha, có niên đại từ nền văn minh cổ đại Phoenicia (1550 - 300 trước Công nguyên), và dãy núi Tadrart Acacus với hàng ngàn bức vẽ hang động có niên đại từ cách đây 12.000 năm.

“Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác nước ngoài và các bên liên quan nhằm bảo tồn các di sản này” - Hassan cho biết.

Ông Mohammed al-Shelmani, Giám đốc Sở Khảo cổ ở Benghazi, nhận định các nhà chức trách phải tích cực làm việc nhằm ngăn chặn nguy cơ lặp lại “kịch bản” của Iraq. Họ chấp nhận cả việc gửi các di sản quý hiếm ra nước ngoài để đảm bảo an toàn trong bối cảnh quyền lực của IS ở Libya ngày càng gia tăng.

“Chúng ta phải di chuyển toàn bộ di sản, tài liệu quý hiếm và cất giữ chúng ở nơi an toàn, đồng thời đề nghị UNESCO giúp đỡ bảo tồn lịch sử của chúng ta” - Shelmani nói.

Theo chuyên gia khảo cổ Libya Fadl al-Hassi, kể từ năm 2011 đến nay, có ít nhất 15 di chỉ đã bị cướp và phá hủy. Hồi tháng 11/2014, bức tượng một người phụ nữ khỏa thân vuốt ve một con linh dương đã bất ngờ biến mất ở Tripoli. Bộ Văn hóa Libya mô tả hành động này là “vô văn hóa”.

Bên cạnh đó, Fathallah Kammesh, người phát ngôn của Bộ Cổ vật Libya còn nêu vụ hàng chục cổ vật bị mất tích từ Sirte, thành phố quê hương của ông Kadhafi, cách Tripoli 450km về phía Tây, và một số thành phố khác ở phía Đông.

Năm 2011, bộ sưu tập gồm gần 8.000 đồng tiền vàng, bạc và đồng, có niên đại từ thời Alexander Đại đế (356 - 323 trước Công nguyên) cũng “không cánh mà bay” khỏi một ngân hàng ở Benghazi.

Trong khi đó, ở Tobruk, vùng biên giới phía Tây giáp Ai Cập, một cung điện Hồi giáo có niên đại từ vương triều Fatima (909-1171) đã bị biến thành chuồng nuôi trâu bò.

Hồi năm ngoái, bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, kêu gọi bảo vệ di sản văn hóa độc đáo của Libya: “Di sản Libya thể hiện ký ức chung của đất nước và sự tôn trọng di sản của đất nước này là nền tảng cho hòa giải dân tộc lâu dài. Vì vậy, tôi kêu gọi tất cả các bên, cũng như người dân Libya, hãy cam kết và hành động để bảo vệ”.

* * *

“Chúng ta phải di chuyển toàn bộ di sản, tài liệu quý hiếm và cất giữ chúng ở nơi an toàn, đồng thời đề nghị UNESCO giúp đỡ bảo tồn lịch sử của chúng ta” - ông Mohammed al-Shelmani, Giám đốc Sở Khảo cổ ở Benghazi (Libya), nhận định

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›