(TT&VH) - Bảo tồn và đưa di sản vào thu hút du khách, phát triển du lịch là hướng đi của tỉnh Thanh Hóa đối với di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).
Công trình đá kỳ vĩ và duy nhất ở VN tồn tại đã 600 năm và hiện nay cũng có những điểm sụt lún cần phục hồi. Bên cạnh đó là hệ thống các cung điện, đền đài, các dấu tích trong lòng đất chưa được khảo cổ cần nghiên cứu, tìm hiểu để làm rõ diện mạo lịch sử của vương triều Hồ. Đó là những công việc đặt ra sau lễ vinh danh Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới.
Buổi lễ đón nhận danh hiệu Di sản thế giới của Thành nhà Hồ.
Phải mất hàng trăm năm để bảo tồn
PGS-TS Tống Trung Tín, Việt trưởng Viện Khảo cổ học VN, cho rằng: “Về phương diện khảo cổ học và lịch sử, toàn bộ dấu tích trong lòng đất ở Thành nhà Hồ còn gần như nguyên, chưa khai thác. So với Hoàng thành Thăng Long với trung tâm Hoàng thành và Cấm thành rất quý, nhưng quy mô của nó thì chúng ta chưa thấy. Còn ở đây, đã thấy quy mô song chưa nghiên cứu, khai thác gì cả. Nếu nghiên cứu đúng công ước của UNESCO, chúng ta sẽ dần hiểu được toàn bộ cấu trúc Hoàng thành của vương triều Hồ. Việc nghiên cứu này không phải 5-10 năm đâu mà có khi phải hàng thế kỷ”.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Chấy - nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, người đã có 20 năm nay nghiên cứu về Thành nhà Hồ lại quan niệm: “Cần bắt tay ngay vào việc tìm lại những hiện vật liên quan đến việc xây thành đang lưu lạc trong nhân dân. Bản thân tôi và một số người dân ở đây đã hiến tặng Bảo tàng tổng hợp Thanh Hóa một số đầu rồng, đầu phượng hay những viên bi đá (trước đây dân dùng nén vại cà)... Tuy nhiên, còn nhiều hiện vật khác nếu không sưu tầm sẽ mục ruỗng hết, không có cơ hội tìm lại”. Ông Chấy cũng cho biết, ông từng kiến nghị tỉnh không nên đưa những viên đá không phù hợp vào trùng tu. Và cũng cùng nhân dân kiến nghị không nên làm đường nhựa đi qua khu di tích, mà chỉ làm đường đi xung quanh tránh việc phá vỡ không gian di tích.
“Trăm năm bia đá cũng mòn”. Công trình đá kỳ vĩ tồn tại qua 6 thế kỷ cần nhiều hơn nữa những biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị.
Người dân phải được hưởng lợi từ di sản
Sau một năm được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại (27/6/2011) tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản. Cảnh quan gần khu vực Thành nhà Hồ có nhiều thay đổi... Tuy vậy, Lễ đón nhận Bằng công nhận của UNESCO (diễn ra tối 16/6 vừa qua) mới chỉ là khởi đầu của hành trình phát huy giá trị di sản văn hóa của thế giới mà VN được giao nhiệm vụ giữ gìn.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, Thành nhà Hồ đã đón hơn 11.000 lượt khách (so với 16.000 lượt khách cả năm 2011). Đây là một tín hiệu vui thể hiện sự quan tâm của người dân trong nước và du khách quốc tế đối với di sản này. Ông Vương Văn Việt - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - cho hay: “Thanh Hóa sẽ có kế hoạch đầu tư xứng đáng cho di sản trong đó có cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường quảng bá, kết nối các tour du lịch Thành nhà Hồ với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh và quốc tế”.
Ông Eric Falt, Trợ lý TGĐ UNESCO chia sẻ, khi người dân tự hào và được hưởng lợi từ di sản thì di sản sẽ được giữ gìn. “Chính phủ Việt Nam đã có nhiều hành động quan trọng để quản lý và bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, đặc biệt là việc thành lập một BQL với đầy đủ quyền hạn và chức năng. BQL này sẽ tiếp tục nâng cấp kế hoạch quản lý Thành nhà Hồ cho phù hợp với vị thế của một di sản văn hóa thế giới, nhưng quan trọng là kế hoạch này phải tính đến sự gia tăng lượng khách tới tham quan.
An An