(Thethaovanhoa.vn) - Dịch giả Nguyễn Lệ Chi vừa được NXB Kim Đồng ấn hành cuốn sách đầu tay do chính chị viết sau rất nhiều cuốn sách và các bộ phim do chị dịch - sách Bụng Phệ nhanh chân…
- Dịch giả Nguyễn Lệ Chi lần đầu viết văn với ‘Bụng Phệ nhanh chân’
- Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và câu chuyện cầu an ở Phật Quang Sơn
- Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và tủ sách về Hà Nội
1.Nguyễn Lệ Chi làm báo, có hơn 20 năm dịch phim, làm sách với thương hiệu sách Chibooks nhưng lần đầu chị có cuốn sách “độc lập” của riêng mình viết về trẻ em.
Là một dịch giả nổi tiếng, Lệ Chi sẽ thuận tay hơn trong việc chọn tác phẩm viết cho thiếu nhi của nước ngoài rồi dịch sang tiếng Việt. Nhưng chị không làm như vậy mà chọn cách viết tác phẩm mới. Lý giải về việc này, Lệ Chi cho rằng: “Nhãn hiệu sách Kidbooks mà tôi đang sở hữu đã làm việc này suốt 1 năm qua, Kidbooks đã mua bản quyền sách thiếu nhi của nhiều nước, đã dịch và xuất bản sách truyện thiếu nhi song ngữ Anh-Việt, sách tô màu của nhiều họa sĩ nổi tiếng các nước... Tuy nhiên việc viết Bụng Phệ nhanh chân của tôi lại là vấn đề khác”.
Lệ Chi chia sẻ thêm: “Những câu chuyện nhỏ trong tập sách đều là những kỷ niệm có thật của cô con gái Bụng Phệ của tôi từ khi cháu còn học ở nhà trẻ đến năm 5-6 tuổi. Tôi thường có thói quen ghi nhật ký giùm con, để lưu lại những kỷ niệm đẹp và đầy bỡ ngỡ của con trẻ trong những năm tháng đầu đời... Có rất nhiều điều mình thấy nên học từ chính con mình bởi lối tư duy thẳng thắn, không tham lam, chịu làm và đeo đuổi những gì mình thích”.
Khi được hỏi: Sách Bụng Phệ nhanh chân nằm trong dự án “Các bà mẹ đều có thể trở thành tác giả”,với cuốn sách này, chị muốn chia sẻ điều gì với những người làm mẹ?Lệ Chi trả lời: “Khi tôi viết xong cuốn sách này, NXB Kim Đồng muốn quảng bá truyền thông theo hướng mẹ thời hiện đại vẫn chăm được con thông minh. Nhưng tôi lại có suy nghĩ khác nên đã đề nghị chuyển thành chủ đề “Mỗi bà mẹ đều có thể viết sách”. Bởi vì cuốn sách của tôi thực sự là một cuốn nhật ký về con mình.
Qua những ngày tháng nuôi con, quan sát con, tôi càng nhận rõ điều mà các bé cần từ người mẹ. Đó là sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ thời gian chơi chung, học chung, cùng chia sẻ các sở thích trong cuộc sống. Những lúc ốm đau, vui vẻ, hạnh phúc hay buồn bã, thì mẹ con vẫn chia sẻ và kề cận nhau. Tôi thường không giấu con điều này. Cách dạy dỗ và hướng giáo dục của tôi đối với con cũng có thể là hơi Tây so với các bà mẹ truyền thống. Tôi khuyến khích con tự lập từ nhỏ, mọi sinh hoạt trong gia đình đều phải tự làm”.
2. Lệ Chi từng là một dịch giả, nhưng nay lại viết sách, so sánh việc dịch và sáng tác, chị cho rằng: “Mỗi công việc đều có những cái khó riêng, rất khó để so sánh. Chẳng hạn dịch sách, đặc biệt dịch văn học đòi hỏi dịch sát nghĩa nhất nhưng vừa phải dịch hay, mà vẫn phải duy trì giọng văn của tác phẩm nguyên gốc, không lồng cái tôi cá nhân của người dịch. Điều này trông vậy mà không dễ làm. Tôi đã từng đọc nhiều bản thảo dịch, không tính phần dịch sai, mà còn dịch sai khác hẳn với văn phong gốc. Thậm chí một số dịch giả còn tự ý viết lại hoàn toàn cả đoạn văn dịch theo một phong cách khác dù vẫn giữ ý của đoạn văn. Điều này là không được phép và không tôn trọng tác giả.
Dịch phim thì cũng yêu cầu dịch sát nghĩa nhất với từ ngữ ít nhất (để thuận tiện lồng tiếng hoặc phụ đề) có khi trong thời gian gấp nhất để kịp phát sóng. Có những thời gian tôi được đài truyền hình HTV nhờ dịch những bộ phim TH hàng chục tập với thời gian rất gấp, mỗi ngày cần giao ít nhất 3-5 tập phim, trong khi không kịp có kịch bản thoại, không chữ phụ đề gốc, chỉ nghe chay, hoặc có kịch bản thoại nhưng không khớp lời... nói chung là rất khó khăn…
Tuy nhiên, tôi thấy viết sách có khi là khó nhất. Vì nó khó có người đặt hàng, giao việc và ép thời gian hoàn thành. Bạn chỉ viết khi thực sự thấy có nguyện vọng muốn viết ra điều gì đó. Khi không xác định rõ chủ đề, bạn rất dễ trượt theo những lan man cảm xúc và tốn thời gian, chứ chưa tính đến độ hay - dở”.
Vừa làm báo, làm sách, dịch thuật, nhưng Lệ Chi luôn đặt gia đình và con cái lên hàng đầu, “phải phân chia thời gian hợp lý sao cho vẫn đưa đón con đi học, đi chơi cùng con, chia sẻ cuộc sống tinh thần phong phú cùng nhau”.
Lệ Chi chia sẻ thêm: “Nhiều khi đưa con vào giường kể chuyện chờ con ngủ xong, tôi lại phải dậy ra bàn làm việc tiếp. Đam mê nhiều thì vất vả nhiều, chả ai bắt mình như vậy nên muốn theo đuổi mọi sở thích thì phải tự phân chia thời gian hợp lý thôi. Cố gắng tận tâm và chân thành đối với mỗi công việc đang đeo đuổi mới có thể mong có kết quả khả quan”.
Món quà quý giá nhất cho con Nếu ai chịu khó dành nửa tiếng mỗi tối viết lại vài kỷ niệm ấn tượng nhất của con vào nhật ký thì đây chính là những món quà tinh thần quý giá nhất cho con mình sau này khi đọc lại. Nếu những cuốn nhật ký này hay và được in thành sách giống Bụng Phệ nhanh chân thì điều này còn tuyệt vời hơn rất nhiều lần. |
Hoàng Nhân (ghi)
Thể thao & Văn hóa
Tags