Gặp lại “chị Thùy”
Minh Hương ngoài đời
|
Ngạc nhiên khi gặp lại vì “chị Thùy” trông tròn lẳn. Minh Hương “khoe”, cô tăng khoảng 7-8 kg sau khi sinh con. Vì thế, nhiều người không nhận ra cô trong bức ảnh chụp ở LHP Fukuoka khi cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh lên sân khấu nhận cúp.
“Đạo diễn Lại Văn Sinh xem ảnh còn bảo, sao diễn viên mình sang Nhật mà để cô “người Nhật” nhận cúp” - cô vừa cười vừa kể. Còn nhớ, ngày gặp Minh Hương ở căn hộ sắp dỡ thuộc tập thể Trung Tự (Hà Nội) được chọn là bối cảnh nhà riêng gia đình chị Thùy trước lúc đi chiến trường, tạo hình nhân vật với áo trắng, quần lụa đen, tóc xõa cái mái một bên bằng kẹp đen kiểu thiếu nữ Hà Nội xưa, trông cô toát lên vẻ duyên dáng, dịu dàng. Hoàn thành cảnh quay, diện quần bò, áo pull, Minh Hương thoắt trở nên trẻ trung, năng động bên cạnh “ông xã” cao lớn đang chờ đón cô về nhà sau giờ tan tầm. Lúc đó là ngày quay đầu tiên nên cô chưa nói nhiều về vai diễn. Hai tháng sau chuyến đi Quảng Ngãi trở về, sau khi bộ phim đóng máy, cô hồ hởi kể về bộ phim và tự tin nói rằng, “vào phim là sống cuộc sống của anh hùng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm nên càng diễn, tôi càng nhuần nhuyễn”.
Minh Hương lập gia đình chỉ mấy tháng trước lúc nhận vai chị Thùy Trâm. Khi bộ phim ra mắt báo giới là lúc cô sắp làm mẹ. Bây giờ, “công chúa” Sao Mai được 6 tháng tuổi, niềm hạnh phúc ánh lên trong mắt người mẹ trẻ khi cô khoe, con gái rất giống bố và hy vọng con sau này cao lớn như bố. Rồi cô kể về nỗi nhớ con, nhớ chồng đến cồn cào khi cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh đến Nhật Bản tham dự LHP Fukuoka, cũng như ngày nào khi tạm xa chồng mới cưới để đi quay phim ở Quảng Ngãi. “Tôi có thể đi đây đó nhưng trở về vẫn là người phụ nữ của gia đình. Tôi có thể thay đổi để hóa thân vào nhân vật rồi vẫn là người bình thường giữa đời thường” - Minh Hương chia sẻ.
Vai diễn để đời
Công bằng mà nói, có nhiều cái khó đối với một người trẻ “8X” vào nhân vật cách xa đến 3-4 thế hệ. Làm sao có được cái vẻ chậm rãi, hiền lành từ dáng đi, giọng nói, nụ cười, ánh mắt của những thiếu nữ Hà Nội ngày ấy. Chẳng dễ làm toát lên nhiệt huyết tuổi trẻ và những khát khao cháy bỏng của những tri thức Hà Nội đau đáu muốn góp sức mình vào cuộc chiến tranh chống Mỹ của cả dân tộc.
Minh Hương vào vai chị Thùy Trâm trong Đừng đốt!
Bộ phim cũng không chỉ xoay quanh nhân vật chị Thùy mà còn đi sâu khai thác số phận cuốn nhật ký, đặc biệt là tình cảm của những người ở phía bên kia chiến tuyến và những người dân Mỹ với nó. Vì vậy, đất diễn của Minh Hương không nhiều. Không có những trường đoạn diễn xuất thật sự xuất sắc khiến người xem ám ảnh. Nhưng Minh Hương diễn nhẹ nhàng, tự nhiên, và người xem có thể đồng cảm với những giọt nước mắt xúc động thật sự của nhân vật... Cô cũng thổ lộ rằng, là thế hệ lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh, cô không kỳ vọng có thể hiểu hết nhân vật và những tình huống mà nhân vật trải qua.
Khi vào phim, bối cảnh góp phần giúp cô thêm hiểu và đồng cảm với những người của ngày ấy. Cô kể, có bối cảnh bom đạn, nghe tiếng vang của những quả nổ 0,2 - 0,4 kg, cô sợ khủng khiếp. “Chính nỗi sợ đó làm cho tôi hiểu áp lực mà phụ nữ ngoài chiến trường phải đối mặt đến nhường nào. Hay cảnh chị Trâm dìu thương binh giữa bom rơi đạn lửa, giữa sự sống và cái chết mong manh, càng giúp tôi hiểu thêm về tình người, về ý nghĩa của cuộc sống... Tôi vào vai từ sự đồng cảm với nhân vật chứ không cảm thấy gò bó”.
“Trở lại” Mỹ
Điều thú vị là sau hành trình hơn 30 năm ở nước Mỹ, hai cuốn nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở về quê hương thì lần này, bộ phim về chị lại có dịp tham gia đề cử ở một giải thưởng nghệ thuật danh giá của nước Mỹ cũng như trên thế giới. Hỏi Minh Hương có hy vọng Đừng đốt! lọt vào 5 phim trong vòng đề cử “cuộc đua” Oscar, cô cười rạng rỡ: “Hy vọng thì cứ hy vọng hết cỡ, vì cả đoàn phim đều đã cố gắng hết sức nên không phải nuối tiếc điều gì cả. Nhưng biết đâu được...”.
Đừng đốt! nhận được sự nhất trí cao của các thành viên dự họp với 6/8 người cho điểm 9,5 và hai người cho điểm 10. |
Quả là năm nay, ở đề cử hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất có khá nhiều ứng viên “nặng ký”: Trung Quốc với Forever Enthralled (Mai Lan Phương) của đạo diễn Trần Khải Ca. Hàn Quốc với Mother (Người mẹ) của đạo diễn Bong Jun Ho... Các nước này đều nhiều lần gửi phim tham dự ở hạng mục kể trên, nhưng chưa lần nào vào vòng đề cử.