(Thethaovanhoa.vn) - Từ những khởi đầu đầy nhọc nhằn, cuối năm vừa qua, Thu Trang đã góp phần vào sự thành công của bộ phim Em là bà nội của anh với vai diễn cô gái ế. Và cô để lại ấn tượng nơi khán giả.
- 'Em là bà nội của anh' cán mốc doanh thu 76 tỉ đồng
- 'Em là bà nội của anh' đã cán mốc 60 tỷ
- 'Em là bà nội của anh' tung album Online dịp Giáng sinh
Kỳ thực, hành trang của Thu Trang còn nhiều hơn thế. Cô xuất thân từ trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, được đào tạo để trở thành diễn viên chính kịch, đã có vai trong 5 bộ phim chiếu rạp, và sang năm 2016, lần đầu tiên cô có một vai chính trên màn ảnh rộng.
Tấu hài để kiếm cơm
Chân không dài, nhan sắc cũng “vừa vừa”, Thu Trang đến với nghề diễn viên với một lý do mà nghe ra thì rất chán. Học xong cấp 3 cô không biết mình sẽ làm gì tiếp, không biết thi vào trường nào. Một người bạn rủ cô “hay đi thi vào trường Sân khấu - Điện ảnh”, một ngôi trường mà Trang không hề biết đến tên và cũng chẳng hay nó tồn tại, Trang đồng ý.
Vào thi, giám thị bảo làm gì cô làm đấy, và kết quả là cô đỗ vào lớp Diễn viên K25 còn người bạn kia thì… trượt. Vậy là Trang vào học một cách hăm hở vì vừa vào trường là toàn gặp các diễn viên nổi tiếng, và lại được là học trò của diễn viên Minh Nhí.
Gia đình Thu Trang vốn khá giả nhưng đúng lúc này thì công việc làm ăn của cha mẹ Trang gặp khó và gia đình rơi vào cảnh phá sản. Vừa chân ướt chân ráo vào trường, Trang đã bị đẩy vào tình thế phải kiếm tiền để lo từng bữa cơm cho cả gia đình gồm cha mẹ và người em trai cũng đang đi học. Thu Trang cùng một vài bạn trong lớp lập nhóm tấu hài chạy sô khắp các sân khấu như Nam Quang, Trống Đồng, 126 ở Sài Gòn để diễn lót cho diễn viên nổi tiếng hoặc trong các chương trình ca nhạc.
Chạy chiếc xe máy cà tàng, Trang xuôi ngược mỗi đêm 5 - 6 điểm để mang được về vài chục ngàn, bởi cát-sê cho các diễn viên như cô hồi đầu những năm 2000 chỉ vỏn vẹn chưa đầy 20 ngàn đồng. Và “kiếm cơm” với cô lúc này được hiểu đúng nghĩa đen nhất.
Lúc nào Trang cũng nói mình được Tổ thương vì không lúc nào cô thiếu việc để làm. Gần 10 năm tấu hài đã mang lại cho Trang những đồng tiền giá trị để trang trải cho cả gia đình.
Cay đắng…
Nhớ lại thời vừa chập chững vào nghề đã tất tưởi chạy show, Thu Trang vẫn ngậm ngùi với nhiều kỷ niệm.
Một lần diễn ở sân khấu Thủ Đô - địa điểm “ruột” của những khán giả mê cải lương, Thu Trang đã suýt bật khóc vì bị khán giả thẳng thừng đuổi xuống. Tiết mục của Trang và các bạn cô xen kẽ giữa các tuồng cải lương ở sân khấu này. Khi nghệ sĩ cải lương rất được mến mộ Kim Tử Long vừa kết thúc tiết mục của anh thì Thu Trang cùng các bạn diễn lên sân khấu.
Tuy nhiên, khán giả vẫn còn đang “ngây ngất” với giọng hát ca Kim Tử Long và chưa sẵn sàng xem tấu hài. Vậy là họ không ngại nói rất to rằng: “Vô đi mấy ba mấy má, vô đi để tụi tui nghe Kim Tử Long!”.
Với những diễn viên vô danh như Thu Trang hồi đó phải chịu cảnh bị chèn ép từ lương bổng đến vị trí vai diễn là chuyện thường tình. Nhưng có những sự việc đã hằn sâu trong tâm trí mà nếu không có cái tâm của một con người lương thiện, rất có thể họ không thể vượt qua được để đường hoàng đi tiếp mà dễ dàng đi vào vết xe đổ của người đi trước. Thu Trang đã gặp chuyện thường tình đó.
Đang là diễn viên chính của một vở kịch dài, Thu Trang phải chịu mất vai vào tay một diễn viên đàn chị đang có chút danh ở hải ngoại lúc đó vừa trở về theo làn sóng hồi hương của các nghệ sĩ hải ngoại. Không được đóng vai chính, Thu Trang xuống đóng vai người hầu với phân đoạn chỉ dài 5 phút. Nhưng với duyên diễn hài, cô đã làm khán giả cười khoái chí và dành cho những tiếng vỗ tay khen ngợi.
Chuyện cũng không có gì đáng bàn bởi việc sắp xếp vị trí vai diễn suy cho cùng là phụ thuộc vào đạo diễn/chủ sân khấu, và việc đổi Thu Trang với một diễn viên có danh từ hải ngoại là sự tính toán để sân khấu có thêm khán giả. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay sau buổi diễn đầu tiên, thấy Thu Trang được khán giả tán thưởng, nữ nghệ sĩ hải ngoại kia đã ép ông bầu sân khấu này phải bắt Thu Trang đeo mặt nạ để diễn! Thu Trang đã phải nghỉ diễn sau 2 tháng làm việc trong tình trạng stress.
…Và vinh quang
Vượt qua thời kỳ khó khăn chẳng bằng gì ngoài sự bận rộn với chính công việc đang làm, Thu Trang dần có chỗ đứng trong làng kịch nói. Cô được mời diễn ở hầu hết các sân khấu kịch tại TP.HCM và lựa chọn sân khấu Thế giới trẻ làm nơi đóng đô lâu dài.
Một ngày của Trang rất dài, bởi nửa đêm cô mới về đến nhà và thường phải ra khỏi nhà từ sáng sớm để quay phim, quay show, tập kịch, diễn kịch.
Cô miệt mài làm việc, không màng đến sự nổi tiếng. Được mời đóng vai chính trong một bộ phim chiếu rạp, nhưng Trang không vồn vã nhận lời. Cô không chỉ cân nhắc về kịch bản, thời gian quay (để không ảnh hưởng đến những việc cô đang làm, bởi Trang không muốn bỏ sân khấu và những vở diễn cô đã gắn bó nhiều năm nay) mà còn cân nhắc cả về cát-sê. Cô sẵn sàng ra mức giá mà cô cảm thấy xứng đáng với mình mà không ngại việc có thể mất vai, trong khi nhiều diễn viên chỉ muốn có vai chính trên màn ảnh rộng.
Thu Trang tâm sự: “Tôi đã được rất nhiều từ cái nghề mà tôi vô tình gặp trên đường đời, không biết nói gì, chỉ biết cảm ơn Tổ nghiệp và làm tốt công việc của mình. Nếu ước mơ mà thành sự thật, tôi mơ mình sẽ có thêm nhiều thời gian cho gia đình, con trai tôi đã gần 3 tuổi, sự nhận biết của bé ngày càng nhiều và tôi không thể để bé cảm thấy thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ”.
An Chi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags