Gặp lại 'Giải thưởng Lớn' Quang Phùng: Hoàn thành lời hứa với Hà Nội

Thứ Năm, 08/09/2016 07:02 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ít người biết, sau khi đoạt giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013, nhiếp ảnh gia Quang Phùng đã tiếp tục thực hiện hàng loạt bộ ảnh về mảnh đất ngàn năm văn hiến, đúng như "lời hứa" của ông trong lần nhận giải.

>>> Chuyên trang Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

1. Năm ấy, ở tuổi 81, nhiếp ảnh gia này nhận Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội sau hàng chục năm cầm máy, với hàng ngàn bức ảnh ghi lại Hà Nội ở những góc nhìn, những thời điểm khác nhau. Rưng rưng, ông Phùng nhắc lại những kỉ niệm với người bạn cũ, cố danh họa Bùi Xuân Phái và bảo rằng giải thưởng này là động lực để ông tiếp tục công việc của mình, tiếp tục tình yêu sắt son về Hà Nội.

Và bây giờ, trước lễ trao giải của năm 2016, nhà nhiếp ảnh này hào hứng chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) rằng ông đã giữ trọn lời hứa của mình. 3 năm qua, thêm 1.000 bức ảnh mới được Quang Phùng thực hiện. Vẫn về Hà Nội, và vẫn với sự lao động cần cù, nghiêm cẩn như hàng chục năm nay vẫn thế.


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng

"Giải thưởng  mang tên Bùi Xuân Phái cho tôi 2 điều quan trọng. Thứ nhất, khi tình yêu của mình bỗng một ngày được công nhận, hẳn bạn sẽ tự tin và thấy hạnh phúc hơn" – ông cười. "Thứ 2, số tiền thưởng 20 triệu của giải đủ để tôi tiếp tục đầu tư cho những dự án của mình".

“Giải thưởng Lớn” Vũ Tuân Sán

Hơn trăm tuổi, vẫn cống hiến cho Hà Nội

Trong số các chủ nhân của hạng mục Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội, nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán là gương mặt có độ tuổi cao nhất. Ông được vinh danh vào năm 2014, khi tròn tuổi 100.

Và đáng mừng, ở thời điểm này, Tảo Trang Vũ Tuân Sán vẫn giữ được sức khỏe tương đối ổn định. Theo chia sẻ từ gia đình, vào mỗi ngày, nhà nghiên cứu này vẫn bỏ ra vài tiếng đồng hồ để đọc tư liệu,viết báo hoặc hiệu đính lại kho tàng nghiên cứu đồ sộ về Hà Nội của mình.

Khá thật thà, Quang Phùng kể rằng ông phải... bù thêm một ít tiền vào con số ấy, để rửa hơn 1.000 bức ảnh  cỡ lớn với kích thước 30x45cm. Dự kiến, số ảnh ấy trong thời gian tới sẽ xuất hiện trong triển lãm và những cuốn sách ảnh về Hà Nội của Quang Phùng.

"Tôi trong vài năm gần đây lại muốn tiếp tục đi sâu vào những góc khuất, những mặt chưa đẹp của Hà Nội. Đó cũng là một cách... yêu" – ông nói. "Bởi, chúng ta đã nói quá nhiều tới vẻ đẹp, sự lãng mạn hay bề sâu văn hóa của thành phố nhưng dường như lại dè dặt với sự phản biện để Hà Nội có thêm phần hoàn thiện".

2. Những góc khuất ấy là nạn ma túy học đường tại Hà Nội, là thú hút shisha, là những mốt ăn mặc quái dị của thanh niên mới lớn. Và nhiều hơn cả,đó là những hình ảnh phản cảm, gây tổn thương cho ông khi đi quanh Hồ Gươm, "trái tim" văn hóa của Thủ đô.

"Tôi đang ưu tiên cho bộ ảnh 10 lý do khiến du lịch Hà Nội chưa phát triển" - ông kể. "Ở Hồ Gươm, bạn có thể thấy tất cả những điều ấy. Đó là nạn bắt chẹt khách du lịch, là sự bừa bãi mất vệ sinh hàng quán, là sự thiếu ý thức trong việc gìn giữ không gian văn hóa chung"...

Tỉ mỉ, nhà nhiếp ảnh này kể rằng ông đã đếm được quanh Hồ Gươm đều đặn có khoảng 50 chú chó vẫn được chủ nhân dắt ra đây... xả thải mỗi ngày. Rằng có người còn hồn nhiên khoe với ông rằng chó của họ rất khôn, nếu không ra Bờ Hồ thì nhất định không... phóng uế. Rằng, ông đã chụp được ảnh những khách du lịch phải tháo đôi giày vải vứt vào thùng rác vì "vấn nạn" này.

Rồi nữa, gốc me cổ thụ lâu năm ở gần nhà hàng Bốn Mùa sau nhiều năm đã bị sâu ăn rỗng ruột, tới mức những cô lao công có lúc gốc me này làm nơi... cắm cuốc xẻng. Rồi, những cây đa rất đẹp quanh Hồ Gươm cũng đang héo dần, nhất là cây đa gần đền Bà Kiệu. Nghệ sĩ ảnh Quang Phùng bảo, thiếu chăm sóc quan tâm, những di sản đặc biệt ấy sẽ tới lúc chỉ còn trong những bức ảnh của mình...

"Ở tuổi của tôi, được làm việc vẫn là một hạnh phúc đặc biệt để neo mình vào cuộc đời" - nhà nhiếp ảnh chia sẻ. "Và, theo dõi giải thưởng mang tên Bùi Xuân Phái hàng năm, khi chia sẻ tình yêu Hà Nội với bao gương mặt khác, tôi không bao giờ có cảm giác đơn độc...".

Những tình yêu lớn vì Hà Nội

“Giải thưởng Lớn  - Vì tình yêu Hà Nội” nhằm tôn vinh những gương mặt có nhiều cống hiến cho Hà Nội trong suốt sự nghiệp của mình. Kể từ năm 2009 tới nay, đã có 7 "tình yêu Lớn" được tôn vinh gồm: nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), GS Phan Huy Lê (2011), nhạc sĩ Văn Vượng (2012), nhiếp ảnh gia Quang Phùng (2013), nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014) và nhà nghiên cứu Giang Quân (2015). Năm nay, ai sẽ được vinh danh?

Như thông lệ hàng năm, mặc dù xem xét đến cống hiến cả đời của khá nhiều tác giả do Ban sơ khảo trình lên, nhưng Hội đồng Giám khảo chỉ công bố duy nhất một đề cử Giải thưởng Lớn, đồng thời trao giải cho đề cử đó. Chính vì vậy, để đảm bảo tính "bí mật" của Giải thưởng, BTC chưa công bố Đề cử Giải thưởng Lớn.

Câu trả lời sẽ có trong Lễ trao giải diễn ra vào sáng nay, Thứ Năm, 8/9/2016 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt Hà Nội.

DANH SÁCH ĐỀ CỬ CHÍNH THỨC

1. ĐỀ CỬ GIẢI THƯỞNG LỚN

 (Chưa công bố)

2. ĐỀ CỬ GIẢI Ý TƯỞNG

- Ý tưởng đặt tượng bán thân nhạc sĩ Văn Cao tại Vườn hoa Cổ Tân của nhà sử học Dương Trung Quốc:

-   Ý tưởng Phố sách Hà Nội của Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội và một số đơn vị xuất bản ở Thủ đô

- Chủ trương phát triển không gian xanh của TP Hà Nội với chương trình 1 triệu cây xanh và kế hoạch trong 5 năm tới xây 25 công viên với 5 công viên đạt tiêu chuẩn quốc tế...

3. ĐỀ CỬ GIẢI VIỆC LÀM

-  Ông James Joseph Kendall và nhóm Keep Hanoi Clean (Giữ sạch Hà Nội) với những đóng góp tích cực cho việc bảo vệ môi trường Hà Nội, được dư luận hưởng ứng và hoan nghênh.

-  Sự kiên quyết xử lý sai phạm tại công trình xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội của các cơ quan chức năng

-  Chương trình Radio Bài ca Hà Nội do Vũ Đặng Hùng, Nguyễn Trương Quý và ca sĩ Giang Trang thực hiện, phát sóng trên FM.90Mhz, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội

4. ĐỀ CỬ GIẢI TÁC PHẨM

-  Bài hát Hà Nội (tác giả: La Grande Sophie, Pháp)

 - Cuốn sách Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê.

- Những cuốn sách đầy thương nhớ về Hà Nội của nhà văn Việt kiều Lê Minh Hà, trong đó nổi bật là Thương thế ngày xưa.


Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›