Giám đốc điều hành LUALA Đỗ Ngọc Minh: Giờ tôi chỉ tham vọng là... 'ông bố chuyên nghiệp'

Thứ Bảy, 15/08/2015 19:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từng biết Giám đốc điều hành Luala Đỗ Ngọc Minh nhiều năm nay qua các dự án nghệ thuật, cộng đồng mà anh khởi xướng nên chính người viết bài đã vô cùng ngạc nhiên khi hay tin anh cũng bị “cuốn” vào trào lưu truyền hình thực tế (THTT). Đỗ Ngọc Minh và con trai đang “lên sóng” chương trình Bố ơi! Mình đi đâu thế? mùa 2. Anh cũng là doanh nhân duy nhất tham gia chương trình cùng với các “ông bố showbiz”: diễn viên Xuân Bắc, Mạnh Trường, nhạc sĩ Minh Khang.

Sơ lược, Đỗ Ngọc Minh được nhiều tờ báo mô tả: là con trai duy nhất của nguyên Chủ tịch HĐQT Agribank, là con rể “chúa đảo Tuần Châu”. Có thể kể thêm: Chủ chuỗi cửa hàng thời trang Luala, chủ chuỗi chương trình hòa nhạc trên hè phố LUALA. Anh và vợ hiện có bốn con, ba trai, một gái.

Một cái hẹn phỏng vấn với anh không dễ, vì sự chờ đợi có thể là ba tháng, cho đến khi anh inbox, rằng: Tôi đã sẵn sàng trả lời bạn!

* Anh vốn khá kín tiếng, thường ẩn mình đằng sau nhiều sự kiện. Vì sao lần này anh nhận lời tham dự một chương trình THTT, “phơi mặt” ra với triệu triệu người xem truyền hình?

- Trước đây tôi cũng có phơi đấy chứ (cười)!


 Giám đốc điều hành LUALA Đỗ Ngọc Minh

* Lần này thì cấp độ mạnh hơn hẳn...

- Công nhận là lên THTT sẽ khác nhiều, thậm chí có thể gặp rủi ro vì nhà sản xuất có thể biến báo/thể hiện không đúng bản thân mình. Lý do tôi nhận lời mời tham gia vì các con tôi thích chương trình này từ khi có phiên bản Hàn Quốc. Lúc được anh Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC - mời, tôi cũng e ngại song vì bọn trẻ hào hứng nên tham gia cho con vui.

Hơn nữa, tôi cũng tin tưởng VFC, từ tư cách cá nhân anh Hải, cũng như ê-kíp sản xuất. Xem mùa 1 Bố ơi! Mình đi đâu thế?, tôi thấy họ làm THTT với tinh thần nhân văn, chứ không đặt chuyện giật gân lên hàng đầu. Ê-kíp cũng lường trước những tình huống có thể ảnh hưởng tới các cháu nhỏ hoặc hình ảnh gây hiểu nhầm để xử lý một cách khéo léo mà vẫn thể hiện tính thực tế của chương trình.

Về lý thuyết thì người ta không thể thoải mái khi mỗi cặp bố con có 4 máy quay “theo dõi” 24h/24h nhưng thực tế, mọi người quên máy quay rất nhanh và bị cuốn vào các hoạt động thực tế.

* Vì con mà anh nhận lời tham gia chương trình. Thế còn vợ anh, cô ấy nói gì?

- Vợ tôi là người kín đáo, ngại chuyện bản thân và gia đình xuất hiện trước công chúng. Sau khi chương trình chiếu tập đầu, cô ấy bị thuyết phục, nhất là khi cô ấy nhìn thấy tính cách và sự trưởng thành của Totti được bộc lộ. Giờ thì cô ấy ủng hộ, nhưng vẫn ngại việc bị nổi tiếng.

* Cũng bởi anh tham gia mùa 2 của Bố ơi! Mình đi đâu thế? mà tôi đọc được nhiều tít báo kiểu: Gia thế của cặp bố con đại gia ở nhà lá, hay “Con rể chúa đảo Tuần Châu” tham gia Bố ơi!... Anh thấy sao?

- Lúc đầu thì không cảm thấy thoải mái lắm. Giờ tôi cũng quen rồi. Rốt cuộc thì quan trọng là chương trình như thế nào, còn tôi thì nhìn thấy sự trưởng thành của con trai Totti.

* Tôi cũng cho con tham gia một số khóa học về kỹ năng sống, giá trị sống. Nhưng có điều mà các giảng viên sau này chia sẻ với phụ huynh: Phải dạy bố mẹ trước chứ không phải dạy con. Anh có quan niệm thế nào về việc giáo dục con cái và mối quan hệ bố, mẹ với con cái?

- Tôi từng đọc nhiều phương pháp giáo dục con, như phương pháp Montessori của Italy,  phương pháp của Do Thái hay Nhật Bản. Lúc sinh con đầu lòng, tôi và vợ chủ trương nuôi con theo khoa học, như: không ăn muối, không ăn đường... hay một số phương pháp phát triển trí thông minh.

Việc này được áp dụng bài bản với đứa đầu. Sau có đến đứa thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư thì vì bận quá, vì đông con quá, vì khó nhất quán nên giờ thì không theo phương pháp nào cả.

Ở Việt Nam cũng có nhiều yếu tố chi phối: ông bà, bạn bè... Con mình lớn lên phải đi học, mình cũng không thể kiểm soát, hoặc cố kiểm soát thì sẽ không hay. Mình cũng không thể đòi hỏi môi trường sống, môi trường văn hóa giống như ở những nước mà phương pháp đó hình thành.

Chỉ có điều, ngay từ đầu, tôi và vợ xác định không đặt nặng việc học nhiều. Các con cần phát triển thể lực lành mạnh. Khi khỏe mạnh thì đầu óc tươi mát, hào hứng hơn, suy nghĩ cũng tích cực hơn. Việc học được khuyến khích để trẻ thấy học là việc chúng muốn chứ không phải việc bị áp đặt bởi khi bị áp đặt cúng sẽ phản kháng ngay.

Vừa rồi tôi cũng tham gia khóa học “Cha mẹ toàn năng”. Nó tổng hợp điểm chung của nhiều phương pháp giáo dục trẻ nổi tiếng thế giới. Về lý thuyết, bố mẹ Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Nho giáo nên nhiều cái giữ lễ, ngại ngần thể hiện tình cảm giữa bố mẹ con cái và giữa bố mẹ với nhau.

Trong khi chính điều ấy tạo không khí đầm ấm, tin yêu trong gia đình, tạo môi trường cho đứa trẻ phát triển rất tự nhiên.

Trước kia, tôi cũng dành thời gian cho con, nhưng nói thật là chưa thực sự toàn tâm toàn ý, có nghĩa là vẫn chơi với trẻ nhưng có thể đang dùng điện thoại, check mail. Còn bây giờ, chúng tôi xác định thà chơi với con 1 tiếng mà không phân tán còn hơn là chơi 3 tiếng.

Gia đình tôi cũng đặt ra luật lệ: buổi tối không đụng đến điện thoại, ai vi phạm, kể cả bố mẹ thì đều bị phạt.


Đỗ Ngọc Minh và con trai trong chương trình “Bố ơi! Mình đi đâu thế?”

* Nghe anh say sưa kể về việc dạy con, vậy giả sử khi có việc khẩn cần giải quyết nhưng thực sự cấp dưới có thể thay anh được thì anh sẽ chọn việc chơi với con hay việc ra khỏi nhà vào buổi tối?

- Nếu có thể nhờ người khác giải quyết mà yên tâm thì tôi sẽ nhờ.

* Tức là ưu tiên gia đình là số 1?

- Hiện giờ, tôi không có tham vọng gì cho bản thân, chỉ thích làm một ông bố chuyên nghiệp, tập trung chuyên môn làm bố. Nghe có vẻ “chém” quá vì tôi vẫn đi làm. Nhưng ưu tiên hàng đầu cho trẻ con, đó cũng là việc tôi yêu thích.

* Vợ chồng anh xoay xở thế nào với bốn đứa sàn sàn tuổi nhau, từ hơn 1 tuổi đến 8 tuổi?

- Vợ tôi thích trực tiếp chăm sóc trẻ con nên chỉ có người giúp việc cho bé từ lúc mới sinh đến 1 tuổi. Nhà tôi hiện giờ cũng chỉ có 2 cô, 1 cô trông bé út, 1 cô giúp việc nhà. Việc nấu ăn, trông bọn trẻ, làm việc nhà, vợ tôi là chính. Tôi thấy bây giờ phải dành thời gian chơi với con, chứ khi chúng lớn hơn cũng sẽ không còn cơ hội.

* Vợ anh đồng quan điểm này?

- Vợ tôi còn nhất quán hơn tôi. Trong kỳ nghỉ Hè, chúng tôi cố gắng có thời gian đi chơi với con. Khi con vào năm học mới cố gắng các tối trong tuần có bố hoặc mẹ chơi với con, đương nhiên có lúc đi công tác, nhưng vẫn phải chia nhau ra để có ít nhất một người ở nhà, từ 7-10 giờ vào mỗi tối chơi và học cùng các cháu.

Nhờ tham gia Bố ơi! Mình đi đâu thế? tôi nhận ra rằng, trong những gia đình đông con, bố mẹ còn cần dành thời gian chơi riêng với từng đứa ngoài thời gian chung. Bố mẹ sẽ hiểu con cái hơn khi ở một mình với nó. Các bạn ấy sẽ thấy được giải tỏa và thể hiện mình hơn. Chính Totti khi ở với tôi, con đã bộc lộ nhiều tính cách mà ngày thường tôi không nhận ra.

* Đắm chìm trong vai trò làm cha, anh có bỏ quên dự án LUALA Concert hay tuyên bố: “Không để ngoại tệ chạy khỏi Việt Nam vì hàng hiệu” trước kia không?

- Việc gì làm tôi vẫn đang làm. LUALA Concert là đam mê lớn của tôi. Gia đình tôi cũng thích thú với hoạt động đó. Sự kiện cũng giúp con tôi có cơ hội tiếp cận với nghệ thuật và các nghệ sĩ. Các công việc khác của tôi vẫn thế. Một ngày chỉ có 24 giờ, nhưng biết sắp xếp hợp lý thì vẫn đủ thời gian làm mọi thứ.

* Anh nghĩ sao khi bị gọi là “tay chơi”?

- Nếu “tay chơi” nghĩa là nhìn việc gì cũng thấy vui thì đúng. May mắn tôi có tinh thần dù làm việc, đi chơi hay bất kỳ công việc nào đều thấy có niềm vui trong đó.

* Đó có phải bởi ảnh hưởng triết lý “Vô thường” của đạo Phật?

- Đạo Phật đến với tôi tự nhiên, tình cờ. Một vài năm gần đây tôi dành thời gian tìm hiểu sâu triết lý và tư tưởng Phật giáo một cách bài bản. Trước kia, như nhiều người khác, tôi chỉ biết đến sự từ bi, hỉ xả, bớt tham - sân - si... Gần đây tôi tìm hiểu thêm về nhân quả, luân hồi... thì thấy đó không phải là tôn giáo mà là triết học với đầy đủ tinh thần khoa học giải quyết vấn đề của cuộc sống một cách thực tế.

Sau mười mấy năm đi làm, lấy vợ, có con... trải qua nhiều biến cố, tôi cảm thấy tất cả mọi thứ trong đầu, sự việc vẫn vậy nếu đầu óc khác, nghĩ nó là nhẹ nhàng thì nhẹ nhàng, nặng nề thì là nặng nề. Sự bám chấp nhiều thì sẽ ảnh hưởng tư duy, hành động. Còn giữ được sự bình tĩnh thì hành xử khác, nhân ái hơn dẫn tới kết quả tốt hơn.

* Anh nói tới những biến cố, còn tôi thì tôi nghĩ con đường đi của anh trải thảm đỏ và hoa hồng...

- Tôi thích mọi người nghĩ về tôi như thế. Tôi cũng không thích dùng câu chuyện để tô vẽ hình ảnh bản thân. Quan trọng mình sống thế nào, một mình mình biết là đủ.

* Có bao giờ anh nghĩ, nếu không có điểm tựa là gia đình nhỏ, cũng như gia đình lớn, anh sẽ khó tự tin làm “tay chơi” vì còn phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”?

- Nếu hoàn cảnh gia đình không cho phép tôi tương đối thoải mái, bắt đầu sự nghiệp không áp lực về tài chính, tôi không nhởn nhơ như đã và đang là. Nhưng như thế không có nghĩa kém may mắn thì kém thành công hơn. Mỗi hoàn cảnh có mặt nọ, mặt kia.

Ví dụ tôi sinh trong gia đình khó khăn thì khả năng đầu óc chắc không khác gì bây giờ, nhưng chắc chắn sẽ phải nỗ lực hơn, và có thể là thành công hơn bây giờ. Nhưng trong hoàn cảnh nỗ lực và thành công hơn đó, chắc gì hạnh phúc như bây giờ... Từ lâu tôi đã không hỏi, nếu thế nọ hay nếu thế kia. Tôi chỉ nghĩ, mình hãy làm cái mà mình đang có một cách tốt nhất.

* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Hà Chi (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›