Vũ Minh, đạo diễn của những Hợp đồng mãnh thú, Sát thủ hai mảnh, Trái tim nhảy múa… rất hiện đại và đầy cá tính của sân khấu Idecaf, người đứng ra tổ chức chương trình và đảm nhận vai trò đạo diễn, chia sẻ với TT&VH Cuối tuần về “cơ duyên” đặc biệt này.
Đạo diễn Vũ Minh |
- Lý do để tôi trở thành người của sân khấu là do quá yêu cải lương, đặc biệt là hai đoàn Minh Tơ và Thanh Nga. Không thể trở thành nghệ sĩ được, tôi bước chân vào nghề đạo diễn cũng vì muốn được làm cải lương. Nhưng lúc tôi ra trường thì có nhiều chuyện chi phối đến hướng đi của mình, sân khấu cải lương đã không còn được như xưa, bản thân tôi cũng chưa đủ khả năng để thực hiện những gì mình mơ ước. Đến hôm nay, xét về lực lẫn khả năng, tôi thấy mình đã có thể làm nhiều điều để thỏa mãn niềm đam mê. Ngoài ra, tôi được sự cổ vũ rất tận tình của các anh chị em trong gia đình Minh Tơ cũng như bạn bè đồng nghiệp.
* Nhưng làm một chương trình quy tụ được gần như đủ mặt các thế hệ gia đình Minh Tơ, đặc biệt là những nghệ sĩ đã nhiều năm định cư ở nước ngoài như Thanh Bạch, Bạch Lê (Pháp) và Điền Thanh (Australia) thì không đơn giản, phải không thưa anh?
- Đúng vậy. Hồi nhỏ tôi làm gì dám nghĩ mình sẽ được gặp những thần tượng, đến nhìn cũng không dám nữa mà. Nhưng nhờ cái duyên nghề nghiệp trời và Tổ nghiệp đã cho mà tôi có cơ hội làm việc với những nghệ sĩ mình yêu mến, kính trọng. Đây thực sự là điều may mắn và niềm hạnh phúc quá lớn. Tôi quyết tâm dốc toàn tâm, toàn lực để làm.
5 năm là khoảng thời gian mà tôi ôm ấp dự định này, kể từ lúc xem chương trình Những cánh chim không mỏi về NSND Thanh Tòng. Tôi thực sự bàng hoàng và xúc động. Với một đội ngũ những nghệ sĩ giỏi nghề như thế mà chỉ diễn trích đoạn thì tiếc quá, tại sao không có vở diễn lớn để người nghệ sĩ thể hiện tài năng, người xem cũng được thỏa mãn? Ý định đó càng được nung nấu khi tôi có dịp gặp những thần tượng ngày nào là Bạch Lê và Điền Thanh trong một lần hai người về thăm quê hương, cùng mọi người nhắc lại những kỷ niệm về đoàn Minh Tơ ngày trước. Tuy nhiên để những ý định có thể thành hiện thực thì cũng cần vận may. Và cơ may của tôi đã đến khi Hè năm nay, cả gia đình nghệ sĩ Thanh Bạch - Bạch Lê và Điền Thanh - Bạch Lựu cùng đưa các con về Việt Nam thăm bà ngoại là nghệ sĩ Huỳnh Mai (vợ NSND Thành Tôn, mẹ NSƯT Thành Lộc). Nhân dịp hiếm hoi các thành viên của gia đình Minh Tơ tề tựu đông đủ ở quê nhà, và chị Bạch Lê cũng có ý định quay một vở tuồng kỷ niệm, tôi đã thuyết phục mọi người thực hiện một chương trình biểu diễn xem như là kỷ niệm với nghề, cũng là dịp để các thành viên trong gia đình được đứng chung trên một sân khấu, đáp lại niềm mong mỏi của đông đảo khán giả yêu mến đoàn Minh Tơ. Bản thân tôi cũng thỏa niềm mong ước bấy lâu nay.
* Cả Câu thơ yên ngựa và Điều Tam Xuân báo phu cừu đều là những vở diễn rất quen thuộc. Ở bản dựng này anh có đem đến điều gì mới mẻ cho khán giả không?
- Trước tiên thì chương trình đã có ba điểm nhấn mà những khán giả yêu mến cải lương tuồng cổ không thể bỏ “Gìn vàng giữ ngọc” cho cải lương tuồng cổ qua. Thứ nhất, đây là lần đầu tiên các thành viên của dòng họ Minh Tơ cùng biểu diễn chung trong một vở tuồng (không hề có sự tham gia của “người ngoài”); thứ hai, chương trình đánh dấu sự trở lại của ba nghệ sĩ cải lương tuồng cổ rất nổi tiếng Bạch Lê, Thanh Bạch (Pháp) và Điền Thanh (Austraila) sau gần 30 năm vắng bóng trên sân khấu quê nhà; thứ ba, lần đầu tiên NSƯT Thành Lộc sẽ tham gia biểu diễn cải lương nguyên tuồng cùng toàn thể gia tộc bầu Thắng - Minh Tơ của mình.
Tôi tin là lớp khán giả cũ sẽ hài lòng và đón nhận những cái mới này; còn với khán giả trẻ, chưa có cơ hội xem đoàn Minh Tơ sẽ phải gật gù tâm đắc nhận ra chân giá trị của cải lương phải hay, phải đẹp như thế.
* Nhưng theo thời gian thì chắc chắn người nghệ sĩ đã không thể giữ được phong độ như thuở còn xuân sắc, đặc biệt là những nghệ sĩ rời sàn diễn đã lâu?
- Tôi ý thức rất rõ điều này. Ở đây tôi và mọi người không đặt nặng vấn đề là người nghệ sĩ phải đẹp hay ca hay nữa. Nhiều anh chị sợ mình lên câu vọng cổ không nổi, cũng như thấy ngại khi phải đóng vai trẻ hơn tuổi đời mình nhiều. Nhưng tôi quan niệm chỉ cần làm hết sức mình thì khán giả sẽ hiểu và thông cảm chứ kiên quyết không hát nhép. Sân khấu là không phân biệt tuổi tác, thanh xuân của người nghệ sĩ nằm trong nhân vật. Hơn nữa, những Bạch Lê, Thanh Bạch, Điền Thanh, Thanh Tòng, Trường Sơn, Thanh Loan… đều là những tài danh bậc nhất của sân khấu cải lương tuồng cổ có tài, có tâm, bản lĩnh sân khấu dạn dày, khi bước lên sân khấu thì họ không còn là mình nữa mà hóa thân trọn vẹn vào nhân vật. Dù hình ảnh người nghệ sĩ sẽ không còn “lung linh” như thuở nào nhưng tôi tin khán giả sẽ hài lòng với lần “tái xuất” này của nhà Minh Tơ.
* Đầu tư mạnh tay cho chương trình như thế, anh đơn giản chỉ là thỏa niềm đam mê?
- Tôi khẳng định không làm chương trình vì lợi nhuận, cũng không hy vọng sẽ tạo dấu ấn gì. Tôi chỉ là người đứng ra sắp xếp để những người mà tôi yêu mến có dịp cùng đứng chung trên sân khấu, có kỷ niệm chung với dòng họ. Như trên đã nói, nếu không có cải lương chưa chắc tôi đã đeo đuổi nghề đạo diễn. Chương trình này là để tôi thỏa niềm đam mê cải lương, cũng là một sự hoài niệm, khơi gợi lại những kỷ niệm, những hình ảnh tươi đẹp về một thời sân khấu cải lương đáng say mê như thế.
Nếu có gặt hái được điều gì thì đó chính là “nghề”. Tay nghề của tôi đã lên rất nhiều. Mặc dù đam mê cải lương nhưng đây là lần đầu tiên tôi chập chững bước vào lĩnh vực này và đã nhận được sự chỉ dẫn rất tận tâm của người đi trước. Tôi học được nhiều thứ từ mọi người kể cả các em nhỏ. Từng tiếng trống, tiếng phách, tiếng đàn, từng điệu bộ, từng lời văn, câu chữ, từng bài bản… đều có ý nghĩa riêng và thực sự mình được mở mang thêm rất nhiều. Ngược lại, mọi người cũng tỏ ra rất thích và trân trọng những phần dựng hiện đại, yêu cầu diễn xuất theo lối mới của tôi. Tôi thấy mình thu được rất nhiều đó chứ.
* Cám ơn anh, chúc chương trình thành công!
“Gia tộc cải lương” bầu Thắng - Minh Tơ với năm thế hệ nghệ sĩ tài danh được xem là người sáng lập và duy trì bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ (trước đây gọi là cải lương hồ quảng), với những vở tuồng nổi tiếng: Câu thơ yên ngựa, Bão táp Nguyên Phong, Tô Hiến Thành xử án, Điều Tam Xuân báo phu cừu, Lưu Bị cầu hôn giang tả, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ… Các nghệ sĩ: Thanh Bạch, Điền Thanh, Bạch Lê, NSND Thanh Tòng, Trường Sơn, Thanh Loan, Bạch Long… thuộc thế hệ thứ tư đã đưa nghệ thuật cải lương tuồng cổ lên đỉnh cao; các tài năng trẻ Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân… thuộc thế hệ thứ năm hiện đang ra sức giữ gìn truyền thống của gia tộc. Trong gia đình, chỉ duy nhất NSƯT Thành Lộc (thuộc thế hệ thứ tư) là thành danh với kịch nói. |