(Thethaovanhoa.vn) - Đó là lời chia sẻ của GS Nguyễn Lân Dũng về cách giáo dục của người cha. Là một nhà giáo, GS Nguyễn Lân lại thường không trực tiếp đưa ra lời dạy con cái phải sống lễ hiếu với cha mẹ. Ông không nói mà hành động, lấy chính mình làm gương.
Trong tâm trí của những người con, người cháu, GS Nguyễn Lân thường khuyên các con, khuyên học trò về cách dạy thế hệ sau chứ không khuyên ngược lại về cách đối xử với thế hệ cha ông. Nhưng cách sống hiếu nghĩa của chính ông lặng lẽ ảnh hưởng đến con cháu.
Một buổi sum họp ôn lại truyền thống của dòng họ khi cụ Nguyễn Lân (bìa phải, cầm giấy, 1906-2003) còn sống. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đạo Hiếu là sự đáp đền tiếp nối
Câu chuyện về thế hệ đi trước đầy hy sinh để nuôi mình ăn học, nhất là người anh cả chịu thương chịu khó, đã được GS Nguyễn Lân nhiều lần kể lại cho con cháu và học trò. Không ai biết ông mà chưa từng nghe câu chuyện này.
Cách đây gần 20 năm, trả lời một tờ báo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, 20/11, GS Nguyễn Lân từng tâm sự: “Dù hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ tôi vẫn cố sức làm để tôi được học. Khi bố mẹ già, tôi lại được anh cả và chị dâu nuôi ăn học tiếp. Ngày đó, anh cả vừa phụng dưỡng cha già, hàng tháng vẫn trích 17 đồng cho tôi đi học nội trú. Lương của anh chỉ có 40 đồng. Tình thương vô hạn của gia đình khiến tôi không thể học hành sao nhãng.
Nên khi làm bố mẹ, chúng tôi tận tâm với các con, làm tấm gương tốt cho các con, từ cách làm việc, tác phong, đối xử với hàng xóm, với con cái. Tôi từng có lần cho con roi vọt nhưng thấy không có hiệu quả. Từ đó, tôi chỉ lấy lời tâm sự thiệt hơn chân tình để nói với con, làm người bạn lớn của con. Có như vậy, các con sẽ không phụ mình”.
Nay, trò chuyện với Thể thao&Văn hóa về người cha đã mất, GS Nguyễn Lân Dũng nhớ lại: “Cứ mỗi dịp lễ, tết hay cúng giỗ, cả đại gia đình lại họp mặt đông đủ. Ba thường bảo chúng tôi ngồi xung quanh ông và kể lại câu chuyện này. Ba ít khi nói rằng chúng tôi phải hiếu thảo với ông, mà để chúng tôi cảm nhận được lòng hiếu thảo của ông với thế hệ cha, anh”.
“Mình hiếu thảo với cha mẹ thì tất con cái sẽ hiếu thảo với mình, cha đã khiến chúng tôi hiểu ra điều đó” – GS Nguyễn Lân Dũng nói. Đó không phải là toan tính, mà là quy luật của nghĩa tình, là một sự đáp đền tiếp nối, chỉ là theo chiều ngược của thời gian. Các kỷ niệm về người cha đều được con cháu nhà Nguyễn Lân chia sẻ trong cuốn tiểu sử Vinh quang nghề thầy (năm 2004) viết về cuộc đời GS Nguyễn Lân.
Trong những ngày tháng cuối cùng, GS Nguyễn Lân rất yếu và hay quên, nhưng ông vẫn lẩm nhẩm và đếm trên đầu ngón tay: “Tuất, Chỉnh, Dũng, Cường, Hùng, Tráng, Việt, Trung…” – theo lời kể của người con dâu Trần Thảo Nguyên, vợ của PGS. TS Nguyễn Lân Tráng. Ông sợ tuổi già sẽ lấy đi ký ức về những người con yêu dấu.
Giống như bất cứ ông già Việt Nam nào khi nhớ về con cái mình, ông đọc tên con thành một câu, các chữ đơn lẻ gắn liền vào nhau. Mỗi cái tên là một mốc đáng nhớ của cuộc đời, nhiều khi gắn với những kỷ niệm vô hình mà chỉ người cha mới nhớ.
“Đánh con, mạt sát con là thể hiện sự bất lực của mình và làm cho con cái không phục, phải khuyên nhủ cho chúng thấy điều hay lẽ phải” – đây là lời dạy của GS Nguyễn Lân theo hồi tưởng của người con, PGS Nguyễn Lân Tráng.
Trong gia đình, PGS Tráng tự nhận là người “ngỗ ngược nhất”, nhưng ông chưa bao giờ bị cha đánh. GS Lân chỉ một lần đánh con, điều khiến ông rất hối hận. Đó là khi người con cả Nguyễn Lân Tuất nghịch ngợm cắt trụi tóc của một người giúp việc, sau bị cha đánh mấy roi. Nhưng chính vì lần đó, GS Lân nhận ra rằng đánh con không giúp được gì. Ông ghi nhớ điều này và luôn chú tâm truyền lại cho con cháu.
Hai người cháu mang tên Hiếu – Thảo
Có một người trong dòng họ Nguyễn Lân mang tên Hiếu – Nguyễn Lân Hiếu, hiện là PGS. TS, một trong những bác sĩ trẻ về tim mạch nổi tiếng ở Việt Nam. Lân Hiếu có em gái tên là Thảo – Nguyễn Kim Nữ Thảo, lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ, hiện công tác tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐH QG Hà Nội). Cả hai đều là con của GS Nguyễn Lân Dũng.
Cách ghép tên Hiếu – Thảo nghe hơi truyền thống và phổ biến, nhưng với gia đình Nguyễn Lân Dũng thì còn có chuyện hậu trường thú vị. Đặt tên con trai đầu lòng, GS Dũng lấy tên Hiếu, vốn là tên vợ ông (Nguyễn Kim Nữ Hiếu, cũng là một PGS.TS. Đại tá, nguyên Phó Viện trưởng BV trung ương quân đội 108) gắn vào tên Nguyễn Lân của dòng họ.
Đến người con thứ, vì là con gái, nên đặt theo tên đệm của mẹ, và “Vì đứa đầu là Hiếu nên đứa sau là Thảo chứ còn gì nữa” – GS Dũng cười, giải thích.
Sinh ra con cái, không người làm cha làm mẹ nào lại không mong con mình hiếu thảo. Nhưng không phải ai cũng nhận ra rằng, con cái hiếu thảo hay không phần lớn là do ở chính mình.
Nguyễn Lân Hiếu, một trong 2 học sinh được GS Hồ Ngọc Đại nhận xét là “ưu tú nhất của khóa đầu trường Tiểu học Thực nghiệm, cùng với Ngô Bảo Châu”, đã 2 lần cứu sống các bậc sinh thành. GS Nguyễn Lân Dũng có lần bị nhồi máu cơ tim, còn người vợ Nguyễn Kim Nữ Hiếu từng bị nhồi máu não. Cả hai lần, đều là bác sĩ Hiếu kịp thời phát hiện và đưa cha mẹ vào bệnh viện.
Trong trường hợp của GS Dũng, đó lại là ngày nghỉ, nếu không phải có người con là Lân Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm bác sĩ tại Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, huy động đồng nghiệp đến cứu cha (vì bác sĩ không được mổ cho người thân), thì có thể ông không qua khỏi.
“Con cứu cha là nhà có phúc” – chắc phải thay đổi một phần câu tục ngữ quen thuộc.
Năm 2003, cũng chính bác sĩ Hiếu quyết định đưa người ông, GS Lân, vào bệnh viện điều trị vì sức khỏe ông đã quá yếu. Theo hồi ức của bà Nguyễn Kim Nữ Hiếu, ngày đó, cả đại gia đình đưa cha vào Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bạch Mai. 4 bác sĩ của gia đình (Nguyễn Lân Việt, Lê Thúy Hải (con dâu), Nguyễn Kim Nữ Hiếu và Nguyễn Lân Hiếu) thường xuyên ở bên, nhưng “không thể ngờ rằng lần vào bệnh viện đó, ông không bao giờ trở về với đại gia đình được nữa".
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ