Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: TT&VH - Một người bạn tinh thần lớn!

Thứ Hai, 13/08/2012 13:50 GMT+7

Google News

(TT&VH) - Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy là tác giả dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - công trình nghệ thuật kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận đây là bức tranh gốm dài nhất thế giới; tác giả của lá cờ gắn gốm lớn nhất ở Trường Sa và nhiều công trình kỷ lục khác… Chị tự nhận mình là một fan của tờ TT&VH. Nếu đến nhà chị, sẽ thấy cả một chồng báo TT&VH dày, vì chị đặt TT&VH thường xuyên, từ năm này qua năm khác…

Nhân kỷ niệm 30 năm TT&VH ra số báo đầu tiên (21/8/1982 - 2012), họa sĩ Thu Thủy gửi đến TT&VH những dòng tâm sự. Xin giới thiệu cùng bạn đọc:

TT&VH đã bảo vệ tôi

Tôi yêu quý và gắn bó với TT&VH từ thời đi học. Nhà tôi có ba chị em. Thời phổ thông trung học, tôi học chuyên Nga trường Hà Nội - Amsterdam, em gái  học trường Đống Đa, em trai học chuyên Tin cùng trường với tôi. Cha chúng tôi làm ở báo Nhân dân, bác làm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trong nhà lúc nào cũng có mấy đầu báo, nhưng ba chị em chúng tôi lúc đó vẫn thích nhất tờ TT&VH. Bộ phim hay nào mới ra, ca sĩ nào đang nổi tiếng thế giới, công trình kiến trúc mới nào đặc biệt, hoạ sĩ nào có tác phẩm ấn tượng, những vấn đề nào đang tranh cãi trong văn học nghệ thuật, đội bóng đá và cầu thủ nào mình yêu thích… những thông tin và bài viết trên TT&VH trở thành đề tài tranh luận của ba chị em.



Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy bên phác thảo tranh gốm trước khi gắn tại Trường Sa

Thời gian học ĐH ở bên Nga, có lần tôi đã khóc khi đọc một bài viết trên tạp chí Muzưka (Âm nhạc) viết về cuộc đời và tác phẩm của nhà soạn nhạc Tchaikovsky. Khi đó tôi nhận ra rằng khi đọc được một bài báo hay, ta cũng sẽ có cảm giác hạnh phúc như được ngắm một bức tranh đẹp hay nghe một bản nhạc hay. Sự tinh tế và sâu sắc của ngôn từ dẫn dắt ta vào các ngóc ngách của nội tâm, đánh thức những cảm xúc trong ta, giúp ta hiểu sâu hơn cái hay cái đẹp của tác phẩm nghệ thuật. Cảm nhận đó nhiều lần tôi có được khi đọc các bài viết trên TT&VH. Đó là bài viết của các nhà văn, nhà thơ, học giả, các nhà nghiên cứu, phê bình lý luận mà báo TT&VH đã thu hút được họ tham gia cộng tác  từ nhiều năm, và cả các bài dịch từ báo chí nước ngoài. Theo tôi đây là một thế mạnh của TT&VH khi tạo được diễn đàn cho những người trong nghề của mỗi lĩnh vực văn hoá nghệ thuật: Văn học, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, kiến trúc…

Trong thời gian 5 năm làm phóng viên ở tạp chí Mỹ thuật và 9 năm ở báo Hà Nội mới, nhà tôi vẫn thường xuyên đặt tờ TT&VH. Khi còn làm ở tạp chí Mỹ thuật, thỉnh thoảng tôi viết bài cộng tác với TT&VH. Đó là những bài viết giới thiệu các hoạ sĩ, các cuộc triển lãm, các công trình kiến trúc, các chuyến tôi đi thăm quan một số nước châu Âu. Tôi rất vui mỗi khi bài mình viết được đăng trên tờ báo yêu thích. Mặc dù cùng trong nghề báo, tôi thầm khâm phục tính nghiêm túc, sâu sắc và hấp dẫn của tờ TT&VH.

Kể cả khi báo mạng bùng nổ, tôi vẫn thích cảm giác mỗi sáng, khi bác đưa thư tung qua cổng  tờ TT&VH và tôi bắt đầu một ngày mới với việc đọc lướt qua các thông tin và bài viết trên tờ báo. Đối với một phóng viên viết về văn hóa nghệ thuật, việc nắm được tình hình đời sống văn nghệ trong nước và quốc tế là rất cần thiết và báo TT&VH đã giúp tôi chuyện đó.

Cuối năm 2006, sau khi trở về từ khóa bồi dưỡng báo chí của Trung tâm Báo chí Quốc tế InWent ở Berlin, tôi bắt đầu hình thành ý tưởng làm Con đường Gốm sứ ven sông Hồng. Một trong những người đầu tiên tôi hỏi ý kiến cho dự án là nhà báo Ngô Hà Thái, lúc bấy giờ là Tổng biên tập báo TT&VH. Nhà báo Ngô Hà Thái đã rất ủng hộ ý tưởng của tôi và đã động viên tôi bằng cách hứa sẽ hỗ trợ dự án về mặt truyền thông. Thực tế 6 năm vừa qua, báo TT&VH đã luôn ủng hộ Con đường Gốm sứ về mặt truyền thông - một sự ủng hộ hết sức vô tư trong sáng. Có những lúc gay cấn, như có một số bài chỉ trích Con đường Gốm sứ trên một vài báo mạng, tôi lập tức đã có diễn đàn để phản biện lại trên TT&VH.

Không riêng gì ở Hà Nội, nhiều công trình public arts ở Mỹ và châu Âu cũng luôn có những luồng ý kiến trái chiều như vậy. TT&VH luôn tập hợp cái nhìn toàn cảnh khách quan từ trong nước ra nước ngoài, nên cách nhìn của các bạn rất phóng khoáng và mang tinh thần xây dựng.

Với giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội

Tháng 8 năm 2008, Quỹ Bùi Xuân Phái do gia đình danh hoạ Bùi Xuân Phái và báo TT&VH sáng lập đã trao tặng giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội cho tôi với dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng. Đó là phần thưởng vô cùng quý giá đối với tôi, một sự động viên khích lệ tôi tiếp tục bước đi trên con đường hết sức khó khăn trắc trở trong giai đoạn đầu của Con đường Gốm sứ. Tôi vẫn nhớ như in hàng chữ ghi trong bằng tặng thưởng: “Ý tưởng mới mẻ và độc đáo, tạo ra một cảnh quan mới vừa thơ mộng, vừa hiện thực, biết làm đẹp không gian sống thường ngày bằng một không gian nghệ thuật huyền ảo và dân dã, hoàn toàn khả thi”.



Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (thứ hai từ phải sang) nhận giải Bùi Xuân Phái năm 2008 - giải thưởng giúp chị vững vàng vượt qua giai đoạn đầu rất khó khăn của Con đường Gốm sứ.

Báo TT&VH bên cạnh nghiệp vụ báo chí, đã rất thành công khi sáng lập và tổ chức trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái, Âm nhạc Cống hiến…, và đúng nghĩa là một người bạn tinh thần song hành với các học giả, các nhà nghiên cứu, phê bình lý luận và giới văn nghệ sĩ cả nước. Những đóng góp của báo TT&VH đối với đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà thật đáng trân trọng và ghi nhận.

Nhân dịp báo TT&VH kỷ niệm sinh nhật lần thứ 30, tôi xin được thay mặt rất đông đảo các độc giả trung thành của tờ báo gửi tới các bạn phóng viên và Ban Biên tập TT&VH những lời chúc mừng và cảm ơn chân thành nhất! Chúc người bạn tinh thần của chúng tôi luôn vững mạnh và thành công!

Thiên Cầm (ghi)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›