Họa sĩ Thành Chương 'bật mí' về Việt Phủ và... tiền

Thứ Năm, 30/05/2013 09:53 GMT+7

Google News
Thấy thiên hạ quá xôn xao về số phận tương lai của “Việt phủ Thành Chương” ở trên Sóc Sơn, Hà Nội nên tôi rốt cuộc cũng không đành được và gọi điện tới cho anh.

Trước câu hỏi có vẻ lo lắng của tôi, họa sĩ Thành Chương đã cười nhẹ nhõm: có gì đâu ông ơi, chuyện cũ như trái đất rồi... Và anh nói thêm: Mọi sự rồi sẽ ổn, vì có cả cơ sở luật pháp... Tôi cũng rất muốn tin như thế nên trong bài báo này, tôi tường thuật lại câu chuyện giữa chúng tôi với họa sĩ Thành Chương không phải về chuyện sở hữu đất đai mà là về điều vốn quen thuộc với anh hơn: hội họa và những suy nghĩ đời thường xung quanh thân phận của một họa sĩ thành danh như anh...



* Hồng Thanh Quang: Bất chấp tất cả mọi sự đố kị, ghen tị có thể có từ một số người nào đó đối với anh, đối với những cái gọi là thành công của anh, nhưng về thực chất thì Thành Chương vẫn là một người lữ hành cô độc. Anh có nghĩ như vậy không?

- Họa sĩ Thành Chương: Từ trước tới nay, đã là người làm nghệ thuật, thì phải sống với những gì thật nhất của mình. Và một khi mỗi con người là một thế giới và cái thế giới đó là hoàn toàn riêng biệt, thì làm sao mà không cô độc được?! Còn nếu sống mà để như các cụ ta nói là “dĩ hoà vi quý” với tất cả mọi cái bên ngoài, thì đấy chỉ là do hoàn cảnh bắt buộc như thế, và nó phải như thế thì nó mới tồn tại được. Chứ trong nghệ thuật, nếu muốn đến được cái gì đó cuối cùng là mình, nếu mình muốn khám phá chính mình, thì mình bao giờ cũng phải là người riêng biệt và độc lập với tất cả thế giới xung quanh.

* Và nếu tiếp tục tư duy theo kiểu ấy thì có thể nghĩ rằng, họa sĩ Thành Chương coi những tác phẩm rất ăn khách của mình, coi danh tiếng rất là rền vang của mình, coi sự mến mộ rất lớn từ nhiều tầng lớp đối với mình... cũng chưa hẳn là cái đích mà anh muốn vươn tới là hội họa? Hay đó là một cảm giác sai?

- Những cái ấy chỉ là những cái đến sau, sau tất cả những cái gì mình đã làm. Bởi lẽ, khi bất cứ một người họa sĩ nào khác, cũng như mình đây, đã ngồi vào vẽ, thì không bao giờ mình nghĩ là để bán, hoặc là vẽ để cho người nào đó thích. Mọi người cứ hay vu cho như thế thôi, chứ nếu đã vẽ mà còn biết được người ta thích như thế nào để vẽ chiều, để lấy được tiền thiên hạ, ôi, nếu được như thế thì tôi cũng làm ngay (cười). Nhưng làm sao mà biết được người ta thích cái gì để mà chiều?! Muốn chiều cũng không chiều được... Bây giờ ở thập phương tứ xứ nào đấy, ông ấy mò đến Việt Nam mua tranh thì mình biết ông ấy thích cái gì để mình chiều? Nếu tôi biết ông tỷ phú giàu có A, B, C nào đấy, ông ấy thích cái gì để ông ấy sẵn sàng bỏ tiến tấn tiền tỷ thì tôi cũng chiều ngay(!). Làm sao mà biết được! (Cười). Nói chiều khách là một cái gì rất nhảm nhí, rất vô căn cứ!

* Ở cái tuổi như anh, anh đánh giá như thế nào về hội họa của mình?

- Đến cái tuổi này, thì mình nhìn cái gì nó cũng không thấy chướng mắt, nghe cái gì cũng không thấy chối tai nữa, tức là mọi việc đã hiểu đã biết cả rồi. Và con người ta sống cũng cởi mở nhân ái, dễ tha thứ tất cả mọi chuyện. Và thời gian còn lại là dồn tất cả vào làm một điều gì mà từ trước tới nay mình coi là điều đẹp đẽ, là hay ho, là tốt lành. Và nhất là trong công việc làm nghệ thuật của mình thì mình thấy còn có cái gì được thì tập trung hết cả thời gian, sức lực, trí tuệ để làm công việc đó.

* Thực ra dùng cái từ “sứ mệnh” thì có vẻ hơi to tát, nhưng mà nói cho cùng, mỗi con người trong mình đều có một người nghệ sĩ nào đấy, đều có cảm giác rằng là với năng lực trời phú, với tài năng trời phú thì mình cũng như Chúa vác cây thánh giá lên Núi Sọ, rồi lại bị đóng câu rút vào đó. Anh có cảm giác rằng anh đã hoàn thành cái sứ mệnh mà tài năng thiên bẩm về hội họa buộc anh phải làm chưa?

- Vĩ đại và thiên tài như Picasso trong hội họa thì khi hấp hối, ông vẫn nói là: “Tôi vẫn đang đi tìm”. Nghệ thuật, đó là một cái gì đó không có điểm cuối cùng, không có giới hạn. Và người họa sĩ, cũng như mọi nghệ sĩ, mọi người làm nghệ thuật khác, chắc phải suốt đời đi tìm một cái đẹp, và cái đẹp đó luôn luôn đang còn ở phía trước. Và bản thân mình thì chưa bao giờ nghĩ rằng mình đã tìm ra được một cái gì để mà gọi là thôi không tìm nữa. Mình vẫn cảm thấy phải còn rất thích thú, rất say sưa và cảm thấy còn rất nhiều điều đang ở phía trước. Và phải đi tìm... Có lẽ đến hết cuộc đời vẫn chỉ là một cuộc đi tìm kiếm cái đẹp trong hội họa mà thôi.

* Nghe anh trả lời thì vẫn thấy một sự mâu thuẫn trong chính con người anh. Một mặt anh khao khát làm được cái gì mà mình chưa làm được, khao khát biết cái gì mà mình còn chưa biết đến. Nhưng mặt khác đôi khi cái sự mệt mỏi nào đấy của cuộc sống cũng tạo cho anh cảm giác là anh muốn biết sẵn một cái gì đấy. Liệu trong đời anh đã xảy ra chuyện này chưa khi anh có cảm giác là tìm sẵn một mô hình nào đấy rất ăn khách, rất vừa với những con mắt tỉ phú, triệu phú... và có khi nào anh không dằn lòng trước được sự cám dỗ của sự lặp lại mình, ít ra là để một số tầng lớp nào đó, một số giới nào đó ưa chuộng? Hay là anh chưa bao giờ bị cám dỗ như vậy?

- Trong công việc này, nếu mình cảm thấy đã tìm ra được một cái mô hình gì ăn khách rồi mà mình cứ khư khư giữ lấy nó, lặp lại... thì đấy chính là tự sát. Và đấy là một sự nhầm lẫn rất lớn của những người không phải là người trong cuộc. Người ta nhầm lẫn như thế, người ta tưởng như thế thôi, chứ còn mình biết, trong nghệ thuật, nhất là những người nghiên cứu, sưu tầm và đặc biệt là những người bỏ đồng tiền ra mua những tác phẩm nghệ thuật thì đừng nói là lặp lại nguyên xi mà chỉ lặp lại cái phong cách ấy, một cái monotone như thế, thì cũng không ai mua nữa.

Chính vì thế, một cái nhầm lẫn rất lớn là mọi người nghĩ rằng anh tìm ra một cái mô-týp nào đó, bán được rồi thì anh cứ thế làm, cứ thế bán... Muốn bán được thì anh phải luôn tìm tòi, luôn đổi mới; người ta thấy cái mới, cái khác thì người ta mới mua. Vậy thì nói một cách trần trụi là, muốn kiếm tiền của người ta thì ông buộc phải vận động và thay đổi, chứ không phải cứ tưởng nghĩ ra được cái gì là cứ thế mà làm cái ấy. Tôi nói từ viên gạch, từ cái bàn chải, từ bao thuốc lá, từ cái đồ dùng bình thường nhất, người ta còn phải cải tiến mẫu mã hàng ngày, nữa là chuyện vẽ tranh mà cứ một mẫu lại có thể dùng suốt đời được.

* Ý kiến này có thể sai, nhưng một nhà nghiên cứu cho rằng, một trong những nguyên nhân cho tình trạng tương đối trì trệ của thị trường tranh Việt Nam chính là ở một số họa sĩ Việt Nam ăn khách, cũng tương đối có tiếng, nhưng vì quá say sưa với cái vòng nguyệt quế vừa được trao và bắt đầu lặp lại chính mình. Điều đó nó ảnh hưởng đến danh tiếng chung của thị trường tranh Việt Nam và ảnh hưởng lây đến cả những nghệ sĩ chân chính. Anh là người có đầu óc sáng tạo và thay đổi liên tục, theo anh, ý kiến này có đúng không? Hay là sai? Và đúng đến đâu, sai đến đâu?

- Cái này phụ thuộc vào năng lực của từng người. Có những người khả năng của người ta cũng chỉ đến thế thôi, và cũng có những người có muốn cũng không thể làm được. Cái đấy cũng không trách những họa sĩ đó được. Nhưng có những người có thể có năng lực hơn nhưng lại thu vào như thế. Chính vì thế họ sai lầm, tự sát và phải trả giá. Nhưng tôi tin, cũng có rất nhiều họa sĩ bị trách oan như thế. Thực ra là họ cũng rất muốn bật ra, vươn lên, nhưng rồi bất lực, vì đấy là cái sở trường của họ và những họa sĩ ấy chỉ có thể vẽ được như thế thôi. Tôi nói đơn giản như thế này: trên thế giới chỉ có độc một họa sĩ có thể vẽ được rất nhiều phong cách: vẽ chân phương, vẽ tả thực, vẽ lập thể, rồi vẽ đủ các loại chất liệu: vẽ bút sắt, vẽ bút chì, rồi lại của các màu sắc sặc sỡ, rồi lại vẽ mềm mại, dịu dàng, vẽ đồ gốm, rồi làm tượng, v.v... Và trong phong cách nào, trường phái nào thì người đó cũng đều đẩy nó đến đỉnh cao. Đó là Picasso. Cái kinh khủng nhất, lớn nhất là kiểu gì, phong cách gì, bút pháp gì... cũng nhận ra đấy là Picasso chứ không thể lầm ra người khác.

Trên đời này tôi nghĩ chỉ có Picasso mới làm thế được, chứ không có người họa sĩ thứ hai nào khác. Suốt cuộc đời Van Gogh cũng chỉ là bút pháp chấm chấm, Benard Buffet chỉ có mấy nét sắc nhọn đen, Renoir cũng chỉ có những nét phẩy mù mờ... chứ có bút pháp phong cách nào khác đâu. Và họ đẩy những cái đó cho đến hết đời, mỗi người một phong cách, và như thế cũng đã là thành công lắm rồi. Đừng đòi hỏi quá mức, vô lý rồi quy chụp cho những họa sĩ đó tội mà họ không đáng phải chịu. Đấy là khả năng của người ta, và bản thân họa sĩ cũng đã tạo ra được một phong cách như thế... thì đã là thành công rồi. Tạo một cái dấu ấn, một tên tuổi không trộn vào ai và không ai có thể phủ nhận phong cách của hoạ sĩ đó, chứ còn mọi cái khác nó cũng tương đối thôi, làm sao đi đến cái tuyệt đối được. Tôi nghĩ là như thế, chứ còn bây giờ quy chụp họ ra cái thứ này thứ khác thì nó thành to chuyện, nó thành bất công.

* Anh nói đúng. Và bây giờ chúng ta sẽ cùng nói về vấn đề xã hội. Liệu đôi khi anh có cảm giác là nhìn cái vẻ thành đạt, sang trọng, giàu có bên ngoài của một số họa sĩ khiến cho một bộ phận nào đấy trong xã hội chúng ta nảy sinh lòng đố kị, và chính từ đó nó mới xuất hiện sự dị nghị, quy chụp vào các họa sĩ không?

- Hôm trước có một tờ tạp chí cũng phỏng vấn mình, hỏi rằng anh quan niệm thế nào về đồng nghiệp? Mình có nói một câu cũng là đùa đùa cho vui: đồng nghiệp là người cùng làm nghề với mình. Và mình có lấy một câu thơ ngày xưa nói về tình hữu nghị và lái nó sang thành “Mối tình đồng nghiệp bao la/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”. Nhưng cái gọi là thái độ của người đời ấy, không như thế đối với các hoạ sĩ đâu, mà chủ yếu là chính anh em trong nghề với nhau, nặng nhất là cái đó. Các cụ ngày xưa quan niệm đồng nghiệp tức là “kẻ thù”. Anh bán hàng vải, tôi cũng bán hàng vải, tức là cạnh tranh. Mà cạnh tranh theo lối tư bản là tiêu diệt nhau, chứ còn cạnh tranh theo lối XHCN như chúng ta thì các cụ gọi là thi đua.

Chuyện đó chủ yếu toàn anh em trong giới thôi, mà chủ yếu lại là những người kém, bất tài, không bán tác phẩm được. Những người như thế thì người ta lại hay nói năng những điều nó cao sang cao đạo, thực ra là đạo đức giả. Và cái điều ấy hiện nay vẫn đang loè bịp, hù dọa được rất nhiều người. Thậm chí là những người có chức trách, có nghiệp vụ, có tên tuổi, cả các cơ quan ngôn luận báo chí, phát thanh truyền hình đôi khi cũng bị cuốn theo cái đó. Họ tưởng thế là đúng, tưởng thế là hay nhưng thực tế không phải như vậy. Tại vì bản thân mình có biết những ông trong giới rất là tên tuổi, rất là nổi tiếng vì những cái trò này trò khác, nhưng thực ra cả nghề vẽ lẫn nghề lý luận phê bình đều là nghiệp dư vớ vẩn thôi.

Tranh cứ vẽ hàng đàn hàng đống ra đấy không ai mua, tranh thì treo cứ từ tầng 1 đến tầng 3 kín đặc cả nhà mà cứ ngồi đấy, tâm đắc đấy là những tác phẩm để đời, những tác phẩm mới thực sự là nền nghệ thuật tạo hình tương lai của nước nhà (?!). Còn những ông vẽ mà có người mua thì toàn là tranh thị trường, tranh không có giá trị nghệ thuật. Nghe thế thì nhiều người chả biết nếp tẻ thế nào là cứ phải phục, phải chịu. Mà ông ấy còn làm cả lý luận phê bình nữa thì chắc nhiều người phải nghe. Thế nhưng cái gì ẩn ở đằng sau tất cả cái đó thì người ta có thể hiểu được...

Tôi biết những người như thế họ đi tiếp thị bán tranh còn hơn những họa sĩ bán được tranh nhiều. Bởi vì những họa sĩ bán được tranh nhiều khi họ chỉ biết vẽ thôi, vẽ cho nó đẹp, và đẹp thì người ta đến người ta mua. Tiền nào của nấy, tranh đẹp thì nhiều tiền, tranh xấu thì ít tiền, quá xấu thì không ai thèm mua. Có thể có rất nhiều cái không thể dùng một thước đo nào được trong đời sống xã hội này, nhưng chí ít, ở đâu cũng thế trên khắp hành tinh. Còn có một thước đo tương đối, đấy là đồng tiền. Mọi người cứ hay đạo đức giả, cứ hay né tránh cái điều đấy. Các cụ ngày xưa đã nói rồi: “Tiền nào của nấy”. Còn cái thứ của ôi, của xấu, của xí... thì cho người ta cũng vứt đi. Thế nhưng hiện nay nó đang tràn lan cái như thế, là những người ấy cứ nhân danh, vì nó vô thưởng vô phạt, không có cái gì làm thước đo nó cả. Nếu dùng thước đo đồng tiền thì người đó bỉ ngay đồng tiền, coi đồng tiền không là cái gì cả, không phải là thước đo... Mà cái trò bịp bợm ấy nó cứ tràn lan.

Nhưng mình biết là người đó cũng là người lăn lóc để bán tranh rất kinh khủng, mang đi nước ngoài tiếp thị, rồi quảng cáo, làm các trò để bán tranh nhưng rồi cũng chả ai mua cả. Thế rồi thậm chí còn lấy danh nghĩa này danh nghĩa khác để gây áp lực với chỗ nọ chỗ kia để mua tranh cho mình. Rồi họ còn biết cả đi ăn xin, ăn mày, ăn nhặt, ôi thôi, tôi đói quá rồi, ông mua giúp tôi cái này cái nọ... Chỗ thì ép, chỗ thì hạ giọng lạy xin ông mua cho tôi một cái. Thế nhưng đến khi cả năm cả tháng chả bán được tranh nào thì lại cho là tranh của mình nghệ thuật, và coi cái loại tranh bán được là tranh vớ vẩn. Nhưng đến khi mà động một người nào đó họ mua cho một hai bức thì họ lại vỗ ngực bảo là cái thằng ấy là thằng tinh tường, là thằng có trình độ, nó biết tranh của tôi là có giá trị nghệ thuật nên nó mua, chứ còn thằng khác là không có trình độ... Một thứ rất là AQ. Nhưng còn có thể dọa được rất nhiều người (cười).

* Cái thực trạng ấy nó phổ biến ở rất nhiều thời đại, rất nhiều thời kỳ và không nên quá bận tâm vào những chuyện như thế. Và chúng ta phải tin rằng cái đích thực của nghệ thuật cuối cùng sẽ chiến thắng chứ không phải tất cả những cái vớ vẩn, cái AQ, cái ngụy biện như vậy... Hay là chúng ta phải rung hồi chuông báo động về việc này? Theo anh thì phải như thế nào?

- Chỉ ở nước mình mới có cái chuyện rất là đáng buồn như thế, nhưng đó là một phần. Rồi còn có những cái chuyện về tranh pháo của các họa sĩ tên tuổi của nước mình bị làm giả rất nhiều, rồi đem bán. Tất nhiên những kẻ lợi dụng việc ấy không thiếu một trò ma giáo nào để làm. Họ mang tranh giả ra nước ngoài rồi đóng khung, làm giấy má hải quan, coi như là ra nước ngoài mua lại cái tranh ấy của những nhà sưu tầm ngày xưa, nhưng đấy cũng là tranh giả thôi. Thế rồi làm nhà bảo tàng, làm nhà lưu niệm, in sách... mà mục đích cuối cùng là chỉ để làm tranh giả.

- Xin lỗi, anh có cảm thấy anh vô trách nhiệm không khi mà một con người hiểu biết như anh mà lại không lên tiếng trực tiếp, bởi vì cái chuyện ấy không chỉ ảnh hưởng đến những danh họa đã quá cố mà còn ảnh hưởng đến chính bản thân anh vì tranh của anh cũng sẽ có nguy cơ bị làm giả sau này?

- Không phải nguy cơ sau này mà bây giờ đã bị giả rồi.

* Tại sao anh không đấu tranh với việc này, ít ra như một bản năng tự bảo vệ?

- Phải nói tranh của mình thì nó vẽ từ trong Nam ra ngoài Bắc, từ Bắc vào trong Nam, từ Hà Nội, Huế đến Hội An rồi vào thành phố Hồ Chí Minh. Đi đâu cũng thấy tranh giả của mình. Tranh giả nó có 2 loại, một loại là vẽ theo những tranh của mình, theo những mô-týp của mình, rồi nó nghều ngoào ký tên nó, cái đấy thì chịu thôi, vì nó bảo nó chịu ảnh hưởng mạnh. Picasso còn chịu ảnh hưởng này ảnh hưởng kia cơ mà. Cũng có cái dạng mà nó làm giả y trang, làm giả cả chữ ký. Có một vài lần mình rơi vào trường hợp này, mà cái trường hợp ấy lại rơi vào những người bạn của mình, thì cũng cho qua, chả làm cái gì cả. Người ta vì cũng miếng cơm manh áo, người ta cũng nói khó với mình thì thôi, tha.

Thậm chí có những cô cũng là họa sĩ, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật hẳn hoi, có chuyên môn, khi mình phát hiện ra thì cũng rất hồn nhiên mời mình khi nào đến nhà chơi, hồn nhiên như không ấy (cười). Ở đây có chuyện là, thứ nhất, bạn bè thì chẳng nỡ. Thứ hai, không thể nào mình tìm được cái nguồn. Bây giờ nó tống vào gallery, nó bảo cái này là của một ông khách mua ông ấy không mang đi được, ông bỏ lại khách sạn thì mang ra gallery bán. Thế thì chịu. Gallery đưa ra lý do ấy thì mình làm gì nó? Cũng chả đi đến đâu cả. Những cái ấy đầu tiên thì cũng bức xúc, giờ thì thấy cũng bình thường, kệ nó. Có người thì bảo tranh anh có hay thì nó mới bắt chước, thế là anh phải mừng chứ! (cười).

* Cho đến thời điểm hiện nay anh có nghĩ rằng anh đã là một họa sĩ thành công trong làng hội họa Việt Nam không?

- Tôi cho rằng tôi là người thành công. Vì sao? Lắm lúc anh em bạn bè ngồi nói chuyện với nhau nói là: nếu bây giờ cần phải lấy một khuôn mẫu điển hình về một họa sĩ thành công trong thời kỳ đất nước đổi mới, nói theo đường lối của Đảng là rất dân tộc và hiện đại, thì có lẽ không thể lấy ai tiêu biểu hơn ông được. Thứ nhất, ông vẽ kiểu gì cũng nhận ra ông ngay, ông vẽ mấy nét cũng nhận ra đấy là Thành Chương. Ông vẽ sơn dầu cũng nhận ra Thành Chương, sơn mài cũng nhận ra Thành Chương, không giống ai cả. Đấy là cái cá tính mạnh mẽ của ông từ hồi bé vẫn giữ được đến bây giờ; Thứ hai, tranh của ông vứt đi đâu cũng không thể lẫn được, nó rất Việt Nam, nó không Trung Quốc, không Tây, không Pháp, không Italia, không Nga la tư... Nhưng cũng rất hiện đại chứ không phải là Việt Nam theo cái lối chọn được một vài mô-týp cổ của đình chùa hay của một vài tranh dân gian, một vài biểu trưng biểu tượng cứ lặp đi lặp lại, không phải là một thứ dân tộc máy móc, rõ ràng là rất Thành Chương, rất Việt Nam và rất hiện đại.

Và như thế tôi nghĩ rằng không phải người nào cũng đạt được 3 cái đó. Có người ra được cá tính của mình nhưng không Việt Nam, có người hiện đại nhưng không dân tộc, có người được hai cái nhưng không được một cái kia, có người được một cái nhưng không có hai cái kia, có người vẽ rất hiện đại, rất Việt Nam nhưng không ra được phong cách cá nhân của người đó...

Và mình nghĩ, muốn thành công được, và những nhà phê bình, những người nghiên cứu chơi tranh nghệ thuật ở nước ngoài họ tinh lắm, họ nhìn rất là rõ. Thậm chí có tờ tạp chí coi đây như là người có thể nói là điển hình cho trường phái hội họa hiện đại. Mình thì mình có một quan niệm như thế này: trong làm việc, mình không hiểu tại sao những người làm công tác lý luận hay phê bình trong hội họa không quan tâm đến điều ấy? Trước đây mình có nói đến ảnh hưởng của văn hoá Pháp đến Việt Nam, một trong những cái rất nặng nề là hội họa. Bởi vì Pháp là nước mở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu tiên ở Việt Nam từ năm 1925, giờ đã gần 1 thế kỷ, và cái ảnh hưởng, cái chi phối của hội họa Pháp còn đến tận bây giờ. Tất nhiên đó là điều rất may mắn cho Việt Nam, vì người thầy đầu tiên về hội họa lại là Pháp, người thầy đỉnh cao nhất và không phải bàn luận gì cả. Và chính cái sự may mắn ấy đã tạo ra diện mạo cho nền hội họa Việt Nam một loạt danh họa rất nổi tiếng và có tên tuổi trên thế giới như Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Mai Trung Thứ... Và đến thế hệ sau này ở Việt Nam nữa cũng là những họa sĩ rất tên tuổi và thành danh họa của đất nước cả.

Thế nhưng cái đó không thể nào ngự trị mãi ở đất nước có lòng tự hào, tự cường dân tộc được. Họ không thể chịu được khi nói đến nền nghệ thuật của mình là cái bóng của một nền nghệ thuật khác dù nó lớn đến đâu. Không bao giờ mình muốn nói đến hội họa Việt Nam là eu que de Paris cả. Chính vì thế bản thân mình rất ý thức, vô cùng ý thức điều đấy. Mình rất muốn thoát ra khỏi ảnh hưởng của nền hội họa Pháp, muốn các hoạ sĩ cùng thế hệ mình và sau mình cùng nhau chung lưng đấu cật để tạo dựng ra một nền nghệ thuật tạo hình mang tính thuần Việt. Nhất là các hoạ sĩ trẻ gần đây, dù ý thức hay không ý thức nhưng cái đó nó đang dần hình thành rất rõ, và tranh của hoạ sĩ trẻ Việt Nam bây giờ nó xa dần với eu que de Paris, và nó hình thành ra một lớp họa sĩ vẽ có bản sắc Việt Nam rất rõ. Chính cái đó làm cho thế giới quan tâm. Chính cái bản sắc Việt Nam độc đáo đấy.

Chính cái cá tính, cái phong cách cá nhân mình nó đậm nét, không trộn lẫn với ai, đơn giản là anh nhìn vào anh biết đấy là tranh của Thành Chương hay Đặng Xuân Hoà, Hoàng Hồng Cẩm, hay là của Việt Dũng, ví dụ như thế, là nó không trộn lẫn với ai cả, trên thế giới này không có ai như thế, nhìn cái là biết ai, và nhìn cái là phải biết Việt Nam. Và cái ngôn ngữ hội họa nó không được theo kiểu dân tộc “ếch ngồi đáy giếng”, “bế quan toả cảng”... Cái đó nó vẫn phải hoà đồng được với ngôn ngữ chung của nghệ thuật thế giới. Đưa ra cho nước ngoài xem là họ hiểu được và thích thú ngay chứ không phải là thích một thứ man di mọi rợ lạc hậu của một địa phương nào. Nó là một giá trị thật sự chứ không phải là một sự hiếu kỳ, sự lạ của một địa phương nào. Trong tương lai, mình nghĩ là dù sớm hay muộn, cuối cùng họa sĩ Việt Nam phải đến được cái điều khi nói đến hội hoạ Việt Nam là phải eu que de Vietnam chứ không phải là cái bóng của một nền hội họa khác. Điều ấy chắc chắn là được...

* Tất cả những sự thành công ấy nó không làm ảnh hưởng đến hành vi của anh mà chỉ cung cấp thêm phương tiện để anh có thêm khả năng thực hiện những ước mơ mà anh nung nấu từ hồi trẻ?

- Nói chung trong cái ảnh hưởng đối với người thân thì nó cũng có những mặt tốt, và cũng có những mặt không tốt. Mặt tốt thì là thế này, ai cũng thế thôi, trong gia đình mình có một người con, người anh hay người em mà thành công, thành danh, có tên có tuổi, mọi người biết đến, yêu mến quý trọng thì như các cụ nói cũng là vui, cũng là thơm lây, đi đâu cũng tự hào là trong gia đình có người con như thế, người bố như thế... Đôi khi cái danh tiếng ấy có cũng giúp đỡ cho một số việc, nhất là trong đời sống này. Những cái đó thì nó cũng là về tinh thần là chính thôi. Trong sự thành công về nhiều thứ, nó có cả việc thành công về tiền bạc, thì mệt nhất là vấn đề tiền bạc. Cái mệt nhất là không ai tin mình có tiền cũng vừa vừa thôi, ai cũng nghĩ mình nhiều tiền lắm, và cái đó là cái rất mệt. Thậm chí ra ngân hàng vay thì nhân viên nói anh đùa chúng em đấy à, chúng em đang định đến nhà anh vay tiền anh đây. Mà thậm chí có lúc không có tiền, phải đi vay thì người ta cũng không tin, cho là ông ấy diễn, cho là ông ấy thế nọ thế kia, mệt lắm. Rồi không có tiền thì trách nhiệm đối với đám cưới, hiếu hỉ thế nào cũng xong, bây giờ mọi người nghĩ ông lắm tiền lắm, thế cho nên bây giờ cho 500.000đ thì vẫn cũng cứ là ít, cho 1 triệu thì cũng chẳng là gì với chú (cười). Thế nên mình có rút ruột mình ra người ta cũng không coi là cái gì cả.

* Anh có cảm thấy đôi khi cay đắng trong những trường hợp ấy không?

- Cay đắng thì cũng không cay đắng, nhưng mà cũng buồn. Cũng buồn. Nhưng mà thôi, cái số nó là thế (cười). Không bao giờ có thể thoả mãn được, và nói thật cái chuyện đấy không biết là như thế nào nhưng kiên quyết không ai chịu hiểu cả. Không thể giải thích, không thể nói được, và kiểu gì cũng không ai tin mình, nghe ông ấy bán tranh bán pháo kinh lắm cơ mà, thấy ông ấy thế này thế kia thì bảo làm sao thế được... Và vì nghĩ mình nhiều tiền quá nên mọi cách cư xử đối với xã hội, đối với cuộc đời thì thấy là nó chưa thoả đáng với cái sự giàu có của mình. Đấy là một cái hiểu lầm rất tai hại mà thôi mình cũng đành phải chịu (cười)

Theo An ninh Thế giới

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›