* Năm 2013 từng khiến những người yêu Việt Phủ được một phen “hú vía” khi nghe tin công trình mà bao năm ông tâm huyết có thể bị cái “sổ đỏ” làm khó. Và lúc này là câu chuyện Zone 9. Theo ông, cái giống nhau và khác nhau ở đây là gì?
- Về hình thức, cái giống nhau là cùng làm nghệ thuật, cùng muốn hướng đến những giá trị đẹp của cuộc sống. Cái khác nhau là Việt Phủ xây dựng và đi lên từ văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Việt, còn ở Zone 9, những hoạt động và hình thức nghệ thuật là du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Câu chuyện của Zone 9 là chuyện thi công bất cẩn của thợ hàn làm thiệt mạng nhiều người. Thi công kiểu như vậy thì ở đâu cũng có thể đem lại tai họa.
Họa sĩ Thành Chương
* Những người đến Zone 9 thường là người trẻ và các nghệ sĩ trẻ, thích thử nghiệm. Nhưng cuộc vui ấy vừa phải trả một cái giá quá đắt: 6 mạng người. Với kinh nghiệm của một người đã xây dựng thành công Việt Phủ, ông có thể khuyên họ điều gì?
- Tôi không khuyên gì, vì khuyên mà giúp được gì thì mới nên khuyên. Chỉ nghĩ rằng, nếu tôi là Nhà nước, chắc chắn tôi sẽ tạo điều kiện, như cung cấp hạ tầng cơ sở chẳng hạn, cho các nghệ sĩ phát triển sáng tạo và thương mại. Nhà nước xây dựng nhà ở xã hội, thì cũng cần xây dựng những dự án văn hóa xã hội cho nghệ sĩ. Đó là một trong nhiều cách mà những nước phát triển đã làm.
* Trước Zone 9, giới văn nghệ Hà Nội cũng từng có vài ba điểm tụ tập, thử nghiệm khác. Vì sao không mấy khi thấy ông đến đó? Hay ông thuộc “trường phái”: Sáng tạo là phải đi đến tận cùng của cô đơn chứ không thể nương theo tâm lý đám đông?
- Tôi sợ và luôn tránh sống và làm việc nghệ thuật kiểu đám đông. Trước tôi có đến những tụ điểm đó đôi ba lần, sau không đến nữa vì thấy những nghệ sĩ thật sự có trình độ và làm nghệ thuật đích thực ít quá. Đa phần thấy bày những trò nhăng nhố, phản cảm nhưng thường tự vỗ ngực mình là nghệ thuật đỉnh cao… Tôi không thích những thứ đó. Nó ngụy biện, bịp bợm và giả dối…
Sau một thời gian, cuộc sống sàng lọc. Những trò đó cũng rơi rụng nhiều. Giờ trong lĩnh vực này còn trụ lại một số tác giả có hiểu biết văn hóa, có tài năng thực sự. Những cuộc trình diễn, sắp đặt của họ tôi cũng thường đến hơn.
* Một điểm hẹn như Zone 9, theo ông có thực sự cần thiết cho một đời sống văn nghệ cho Hà Nội không?
- Tôi cho điểm hẹn như Zone 9 là tốt và thực sự cần thiết. Nó làm cho đời sống văn nghệ của giới trẻ ở Hà Nội đa dạng, năng động và hào hứng hơn.
* Zone 9, được hy vọng như một “quận nghệ thuật” ở Hà Nội, nhưng trên thực tế, còn là nơi để nghệ sĩ kinh doanh và thậm chí, đó mới là mục đích chính. Là một trong các họa sĩ best-seller, ông nghĩ sao về việc nghệ sĩ cũng cần một nơi để rao bán những ý tưởng?
- Là một nơi hoạt động sáng tạo nghệ thuật và kinh doanh, rao bán những ý tưởng - nếu làm được cả hai điều đó thì là quá tốt. Tôi không hiểu sao tới giờ này còn có những ý nghĩ đắn đo quá lạc hậu về nghệ thuật và thương mại thế nhỉ? Không có thương mại, nghệ thuật không thể phát triển. Đó là một trong những điều lành mạnh nhất và bình thường nhất mà tôi biết.
* Điều gì đã giúp ông hoàn thành được một công trình quy mô như Việt Phủ, mà lại không thấy xảy ra điều tiếng, sự cố gì nhỉ? Hay vì hồi đấy chưa có… báo mạng?
- Đã không có một sự cố nào xảy ra trong suốt thời gian tôi xây dựng Việt Phủ là nhờ sự cẩn trọng. Thợ mình thường làm bừa, làm ẩu. Biết thế mà vẫn không bao giờ hết chủ quan. Báo mạng chưa phát triển như bây giờ, nhưng “báo mồm” cũng ghê gớm. Không có là không có thôi!
“Không có thương mại, nghệ thuật không thể phát triển. Đó là một trong những điều lành mạnh nhất và bình thường nhất mà tôi biết”. |
- Tôi nói rằng một ngày nào đó sẽ hiến tặng Việt Phủ nếu tôi gặp được đối tác xứng đáng. Câu trả lời đã có nhưng câu kết thì chưa. Cái khó nhất vẫn là nhận thức hạn chế của đại đa số đối với văn hóa nên chưa thể hiểu hết đẳng cấp, mức độ quan trọng, giá trị bền vững của những việc mới mẻ, mang tính đột phá, tiên phong như thế này.
* 12 năm giữ gìn Việt Phủ, ông thấy những tác động, xâm thực nào là đáng ngại nhất? Phải chăng là chuyện “cơm áo không đùa”?
- Khi xây dựng Việt Phủ, tiêu chí của tôi là tạo dựng một không gian tôn vinh, bảo tồn và phát triển văn hóa và nghệ thuật Việt theo quan niệm của tôi. Và chỉ với tình yêu, niềm đam mê lớn tôi mới có thể vượt qua nhiều thách thức, theo đuổi đến cùng để có một Việt Phủ như hôm nay. Tới giờ phút này, như mọi người đã thấy, sự phát triển của xã hội đang dần chứng minh cho niềm tin đó của tôi. Còn chuyện cơm áo thì nó không đùa với bất cứ ai chứ không riêng gì với Việt Phủ.