Đĩa xịn chỉ… 7000 đồng
Chỉ trong vòng vài tiếng buổi sáng của ngày đầu khai trương, các sản phẩm băng nhạc, đĩa phim hầu như được mua gọn ghẽ. Tinh thần của hội chợ là giảm giá những băng đĩa cũ chỉ còn từ 7.000 đến 10.000 đồng, những sản phẩm mới xuất xưởng giảm giá 10%, hầu như các mặt hàng đều được đón nhận hết sức tích cực. Anh Nghĩa lặn lội từ quận 8 xuống, mua đủ các đĩa phim Việt Nam một thời được yêu mến vừa được Phương Nam Film phát hành. Từ Biệt động Sài Gòn, Ngày lễ thánh, Bến không chồng cho đến Thành phố lúc rạng đông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm. “Thật sự tôi chưa bao giờ được tham dự một hội chợ băng đĩa như thế này. Tới đây tôi tìm lại được những bộ phim chắc cũng đã cỡ vài thập niên, mấy đứa con ở nhà chắc cũng chẳng biết đâu. Tôi muốn các cháu xem lại một thời điện ảnh đẹp đẽ, bằng đĩa có bản quyền, ít nhiều cũng có ý nghĩa sưu tầm”.
Thị trường băng đĩa Việt cũng đang chứng kiến dần những sự đổi mình, nhất là từ phía công chúng khi lựa chọn băng đĩa: chơi đĩa xịn. Xịn ở đây là từ chiếc đĩa đẹp, gốc, có bản quyền, một nét văn hóa chuyên nghiệp, rồi từ đó đi lên sưu tầm, mua bán, trao đổi… Cuộc sống đang được nâng lên và người dân sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để tiêu khiển thú giải trí của mình, miễn là nó đúng chất. Có nhiều người không ngại bỏ tiền để sắm sửa dàn âm thanh hi-end, amplifier đèn vài chục nghìn USD, đặt hàng qua mạng mua đĩa xịn nước ngoài.
Cuộc chơi của các đại gia?
Hội chợ lần này có sự góp mặt của nhiều “đại gia băng đĩa” như Phương Nam, Music Faces, Viettan… Tổng lượng hàng hóa được trưng bày khoảng vài chục nghìn băng đĩa, một số lượng không kém nhiều hội chợ băng đĩa ở nước ngoài. Ngoài một số ít là hàng thanh lý thì đa phần đều mới và giảm giá để kích cầu.
Bản chất của một hội chợ băng đĩa là rẻ, gốc và… độc. Không phải ai cũng biết đó là của độc, thậm chí cả người bán. Nhưng một hội chợ sầm uất, náo nức kẻ bán người mua thì đúng là phải cần những mặt hàng mới lạ, cũ người mới ta và có thêm một nhà tổ chức chuyên nghiệp. Chỉ tính riêng việc thuê mặt bằng như Cung Văn hóa Lao động trong 3 ngày là gần 20 triệu đồng, chưa tính tiền nhân viên, quảng cáo, điện nước... Cần biết năm ngoái, ở lần tổ chức đầu tiên, BTC đặt ra mục tiêu mỗi ngày chỉ cần thu về 50-60 triệu đồng là có lãi nhưng sau 3 ngày tổng thu là hơn 400 triệu đồng.
Nhu cầu mua-bán các sản phẩm băng đĩa trên thị trường luôn diễn ra dù chưa lớn mạnh. Như lời ông Hải, người bán đĩa có thâm niên trên đường Trần Quang Khải cho rằng có rất nhiều người muốn bán đĩa là bởi kinh tế khó khăn, đĩa để chật nhà không còn nghe nữa hoặc là dọn nhà nên muốn thanh lý đi và có rất nhiều người muốn mua bởi tên tuổi đó chưa được nghe hoặc chỉ mới biết chút hoặc có khá nhiều tay ngày đêm đi săn lùng đĩa độc.
Ở nước ngoài, những hội chợ băng đĩa được mở luân phiên, có khi là các gia đình rủ nhau tạo thành một cái chợ nhỏ và bán những ngày cuối tuần hoặc các tay tổ chức chuyên nghiệp thì huy động nhiều tư nhân tham gia mở hội chợ, nguồn đĩa có thể là từ gia đình có sẵn hoặc ký kết với các hãng băng đĩa mua lại hàng thanh lý giá rẻ số lượng nhiều. Hội chợ nào cũng thành công và được tổ chức ở nhiều nơi.
Trong thời đại số hóa và băng đĩa lậu ngập tràn, sự thành công của các hội chợ băng đĩa là một sự khích lệ lớn. Nó tạo ra nhu cầu tiêu dùng đúng chất và nâng tầm giá trị văn hóa. Sự cộng hưởng qua lại giữa người mua và nhà sản xuất thông qua giá trị sản phẩm sẽ luôn tạo được một thị trường mạnh và ổn định. Sự xâm lăng của đĩa lậu sẽ chẳng tồn tại được lâu nếu ý thức văn hóa của công chúng được nâng dần. Hội chợ băng đĩa vừa diễn ra là một cách như thế.
Nhìn ra xứ khác Hội chợ Băng Đĩa Sydney - Đi mỏi gối cũng chưa hết
Parramatta Music Record Fair được tổ chức ở Parramatta (cách Sydney 20 km) mỗi năm 4 lần, mỗi lần gói gọn trong 2 ngày Chủ Nhật, “Two Happy Sundays”, những ngày hạnh phúc của Âm Nhạc. Ngày Chủ nhật đầu tiên của hội chợ, chỉ chuyên dành cho đồ sưu tập. Cái này thì muôn hình vạn trạng. Nếu có dịp thì bạn đừng nên bỏ lỡ, vì biết đâu bạn tìm ra được trong đám lộn xộn đó một bức tranh James Dean xấu xí mà chính người bán cũng không nhận ra rằng trên đó có bút tích của James. Đó là cả một gia tài. Ngày thứ hai là dành cho chen chúc. Làm một bài tính đơn giản, nếu bạn lật đĩa chỉ để xem tựa mà không lấy ra coi kỹ thì bạn sẽ tốn 2 giây cho một đĩa. 1 phút được 30 đĩa, 1 giờ 1.800 cái. Hội chợ mở cửa 8 tiếng, từ 8h sáng đến 4h chiều. Vậy tổng cộng bạn xem được 14.400 đĩa, tất cả chỉ mới bằng 1/4 số lượng đĩa ở đây. Hội chợ quy tụ khoảng 30 nhà cung cấp khắp vùng New South Wales. Mỗi nhà đem đến hội chợ khoảng trên dưới 2.000 album khác nhau – cả CD lẫn Vinyl (đĩa nhựa). Hội chợ chia làm 3 khu vực, khu đại sảnh có khoảng 20 gian hàng lớn nhỏ, khu sân khấu thì được một đại gia lớn bao, tay này có cả máy EFTPOS di động (dùng để tra tiền bằng thẻ ngân hàng). Ở những hội chợ như thế này luôn tạo thêm những cách nhìn mới trong giới trẻ, sự cọ xát thực tế đang lôi kéo thế hệ mới về một chút truyền thống. Càng ngày người ta càng thu nhỏ âm nhạc, từ chiếc máy quay đĩa đá đến CD player là cả một kỳ công và bây giờ kỳ công ấy chỉ nhỏ bằng vỏ bao diêm. Nhỏ bao nhiêu là vừa là đủ để con người hiểu rằng, còn gì bạo lực hơn với hàng ngàn sáng tác đổ mồ hôi sôi nước mắt được chứa trong một chiếc máy lưu giữ vài ngàn bài hát ấy? Ngọc Hải (từ Sydney) |