(Thethaovanhoa.vn) - Đã ở tuổi 72, song ca sĩ dòng nhạc dân gian Mỹ Joan Baez vẫn là người ưa hoạt động. Bà vừa dự bữa tiệc mừng sinh nhật lần thứ 100 của mẹ mình, thực hiện chuyến lưu diễn ở Australia và đang theo đuổi đam mê mới là vẽ tranh. Đặc biệt hơn nữa, bà vừa có ít ngày trở lại Hà Nội. Đây là lần đầu tiên bà trở lại đây kể từ khi Mỹ rải thảm bom B-52 suốt 12 ngày đêm ở Hà Nội hồi tháng 12/1972.
Năm 1972, Baez đến Việt Nam cùng 3 người Mỹ khác để tận mắt nhìn thấy những tác động của cuộc chiến và đưa thư cho những tù nhân Mỹ ở Hà Nội.
Từng run sợ vì tiếng bom
Thời đó, đêm nào Baez cũng phải hối hả chạy xuống hầm trú ẩn ở bên dưới khách sạn Metropole. Sứ mệnh tới miền Bắc Việt Nam trong hòa bình của bà đã bị gián đoạn bởi hiện thực của cuộc chiến. Đêm nào bà cũng nghe thấy những tiếng nổ. Bà run sợ. Trong những lúc ấy, hoặc bà hát hoặc bà cầu nguyện.
Lần trở lại này, bà vẫn nghỉ tại khách sạn Metropole. Trong cuộc phỏng vấn được thực hiện tại đây, Baez cho biết: “Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi khi đối diện với cái chết. Ai rồi cũng phải chết, song chắc chắn phải có một phương án khác cho tôi chứ? (cười)”.
Trở lại khách sạn Metropole lần này, bà đã tới căn hầm trú ẩn bên dưới khách sạn. Xuống đến hầm, bà đã đặt tay lên bức tường xi-măng, nhắm mắt và hát bài Oh Freedom, một ca khúc bà thường hát tại những sự kiện về nhân quyền ở Mỹ trong những năm 1960.
“Tôi cảm thấy nơi này thật ấm áp” - Baez tả về cảm xúc của mình - “Tôi từng nghĩ mình sẽ hình dung ra những điều tồi tệ về căn hầm, song khi tới đây tôi lại có tâm trạng khác hẳn bởi đây chính là nơi đã che chở tôi”.
Joan Baez đứng trong căn hầm bên dưới khách sạn Metropole trong lần trở lại Việt Nam mới đây |
Sau khi biết được tin căn hầm trong khách sạn Metropole đã được mở lại, Baez đã liên lạc với khách sạn. Hồi tháng 12/2012, bà đã gửi những người bạn tới thăm Hà Nội một bản copy album Where Are You Now, My Son? kèm chữ ký, với lời dặn dò về việc đưa các món quà cho những người quản lý khách sạn nếu “thấy họ xứng đáng nhận”.
Và kết quả là những người bạn của bà đã trao bản copy đĩa nhạc đó cho Tổng giám đốc Kai Speth. Đáp lại, ông đã trao cho những người bạn của Baez một cuốn sách về khách sạn trong đó viết, ông thực sự hân hạnh được đón bà trở lại. Hồi tháng 2, Baez gửi email nói rằng, bà rất muốn được trở lại. Chưa đầy 2 tháng sau, bà đã tới khách sạn.
Trước khi bay trở về Mỹ, Baez đã kể những câu chuyện về Hà Nội trong chiến tranh và lịch sử của khách sạn với đội ngũ nhân viên cũ của khách sạn.
Cựu Tổng giám đốc của khách sạn đã tặng bà một chiếc túi thêu và Baez nói bà sẽ dùng nó để đựng các loại xà phòng mà bà định “lấy” của khách sạn. Người quản lý tên là Tiểu Phương thì nói rằng mình vẫn nhớ Baez khi ở trong khách sạn này. Tiểu Phương còn nhớ hình ảnh những người phi công Mỹ đã ở trong khách sạn trước khi về Mỹ và nghĩ “trông họ đẹp thế kia mà sao họ lại có thể dội bom xuống đất nước mình?”. Baez đã nắm tay Phương và cố gắng giải thích: “Lúc đó họ chỉ là những đứa trẻ phải làm theo mệnh lệnh”.
Nhà hoạt động xã hội tích cực
Năm 1973, khi từ Việt Nam trở về Mỹ, Baez đã phát hành album Where Are You Now, My Son? Album này gồm các bản thu âm những tiếng nói ở trong căn hầm, ở khách sạn và âm thanh của Hà Nội, trong đó có cả những tiếng còi báo động máy bay và tiếng bom rơi. Cùng với cây đàn piano, Baez hát về thời gian bà ở Hà Nội, đón lễ Giáng sinh tại sảnh khách sạn và những chuyến đi vào buổi sáng để chứng kiến bom Mỹ đã tàn phá thành phố như thế nào.
Chuyến đi tới Việt Nam của Baez chỉ là một phần trong cuộc đời có nhiều điều đáng nói của bà.
Baez bắt đầu sự nghiệp âm nhạc trong các câu lạc bộ nhạc dân gian ở Cambridge, nơi bà đã gặp Bob Dylan hồi năm 1961. Thời đó, bà đã là một ngôi sao dân gian đang nổi, còn Dylan vẫn chưa được biết đến mấy. 2 người từng duy trì mối quan hệ tình cảm và âm nhạc trong vài năm.
Baez chủ yếu thể hiện ca khúc của những nghệ sĩ khác. Bà đã thu âm hơn 50 album. Song bà luôn đặt các hoạt động xã hội lên trên sự nghiệp âm nhạc. Là người yêu hòa bình, bà từng là nhân vật hàng đầu trong trào lưu về nhân quyền và phản đối chiến tranh Việt Nam. Bà đã tham gia nhiều chiến dịch ở khắp nước Mỹ nhằm đối phó với nạn đói nghèo, nạn phân biệt chủng tộc, sự suy thoái môi trường, phản đối chiến tranh ở Iraq…
Lần này Baez tới Việt Nam với mục đích riêng. Bà đã thăm một ngôi trường quốc tế ở Hà Nội. Tới đây, bà đã hát và nói chuyện với học sinh. Khi được hỏi tại sao vẫn là một nhà hoạt động không biết mệt mỏi, Baez đã nói về tầm quan trọng của cá nhân trước những sự việc lớn, như sự thay đổi khí hậu và tình trạng bán vũ khí trên khắp thế giới. Song bà cũng nói tới việc cần thiết phải dành thời gian ở bên người mẹ già của mình.
Giờ Baez vẫn lưu diễn khắp toàn cầu, song đã giảm bớt thời lượng. Năm nay, bà chỉ có 2 chuyến lưu diễn kéo dài 1 tháng. Hiện nay, vẽ tranh mới thực là đam mê của bà, song bà mới chỉ cầm cây cọ vẽ 8 tháng và bức tranh đầu tiên của bà đã vẽ một cậu bé Việt Nam. Bà giải thích niềm đam mê mới của mình là do "đã hoạt động âm nhạc 53 năm rồi và giờ không còn dễ hát nữa”.
Việt Lâm (theo AP)
Thể thao & Văn hóa