TT&VH đã trò chuyện với Đỗ Anh Tuấn.
- Tại sao tôi lại chọn sách nghệ thuật? Đây là một câu hỏi mà chính tôi cũng khó trả lời thấu đáo. Trước năm 1994, sau khi ra trường nhiều năm nhưng làm gì cũng thất bại, bạn bè rủ tôi vào Sài Gòn làm trong ngành nhập khẩu sách và tạp chí ngoại văn. Chính ở đây tôi mới bắt đầu gắn bó với sách, một lĩnh vực mà trước kia tôi chẳng mấy thích thú. Cũng chính ở đây, tôi mới thấy các anh chị em làm trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, thiết kế, đồ họa, hội họa… đang rất thiếu sách vở chuyên ngành. Tuy nhiên trong những năm đầu, do chưa có đủ kinh nghiệm và chưa có cửa hàng riêng nên tôi cũng có rất ít thông tin phản hồi từ phía khách hàng. Mãi đến tháng 2/2004 khi ra cửa hàng Art Book đầu tiên, tôi mới có thông tin nhiều hơn từ phía độc giả của loại sách này. Từ tháng 10/2008, khi mở Art Book thứ hai, tôi mới mạnh dạn đầu tư nhiều hơn cho sách nghệ thuật. Sau 15 năm nhìn lại, có thể nói giữa tôi và sách nghệ thuật có một cơ duyên được định sẵn.
* Nhìn vào hai cửa hàng Art Book của anh, có thể thấy số lượng sách nghệ thuật lên đến hàng chục ngàn cuốn, nhưng cụ thể thì số lượng đầu sách là bao nhiêu?
- Từ năm 2004, chúng tôi luôn cập nhật khoảng 400-500 tựa sách mỗi năm, từ khoảng 2.000 tựa sách được cập nhật, số sách “trụ” được với độc giả vào khoảng 500. Cuối năm 2008 vừa rồi, chúng tôi bổ sung thêm hơn 600 tựa, đây là loại sách nghệ thuật chuyên sâu, chủ yếu là để thăm dò khách hàng.
Sách nghệ thuật vốn đắt tiền, nên cách của chúng tôi là phải nhập khẩu từ từ, chủ yếu là sách tiếng Anh, tựa nào bán được thì nhập thêm. Tựa nào bị đào thải thì đành phải bán đại giảm giá để lấy tiền nhập sách khác. Tôi không phải là dân nghệ thuật, lại vốn bị bệnh mù màu, nhưng lại được trời cho một chút nhạy cảm, nên số sách tôi nhập về ít khi bị đào thải. Bạn bè trong giới hay gọi tôi là kẻ mù màu bán sách nghệ thuật, áo màu xanh và áo màu đỏ tôi thường không phân biệt được, nhưng khi đi các hội chợ sách quốc tế, tôi thường cảm nhận được sách mà giới làm nghệ thuật ở Việt Nam cần.
* Sau rất nhiều khó khăn, nay thì anh và Art Book đã thành địa chỉ quen thuộc của giới làm nghề, cái “thú” mà anh tìm được trong công việc kinh doanh này là gì?
- Cái thú của người làm kinh doanh là kiếm được nhiều tiền, nhưng với sách nghệ thuật thì không thể kiếm được nhiều tiền. Từ năm 1994 đến 2003, sách nghệ thuật với tôi chỉ thuần là chuyện hàng hóa, lấy sự sống còn làm chân lý. Từ năm 2004 đến nay, sách nghệ thuật với tôi đã là chỗ bạn bè, là đam mê. Lúc trước, khi mua 1 cuốn sách là tôi nghĩ ngay đến chuyện lời lãi, còn bây giờ thì đã bắt đầu mua theo cảm hứng, mua rồi mới nghĩ đến cách bán. Một cái thú khác là bản thân những cuốn sách này đã rất đẹp, tôi bị hạn chế về màu, nên càng phải tưởng tượng về chúng gấp bội. Ngoài ra, những khách hàng của tôi đều có trình độ tri thức khá cao, hơn nữa họ còn là những người cực kỳ lãng mạn, được tiếp xúc thì mình học hỏi được nhiều điều, tôi ngày càng có nhiều bạn.
* Đa phần sách nghệ thuật của anh có gốc tích ở nước ngoài, trong tương lai anh có nghĩ đến sách nghệ thuật của Việt Nam không?
- Khi ra cửa hàng Art Book ở Đồng Khởi, tôi mới thấy điều bạn hỏi là một thiếu sót lớn, nhưng thật lòng mà nói thì sách nghệ thuật của Việt Nam còn quá ít, chưa thấm vào đâu so với nhu cầu. Giải pháp trước mắt là tôi nhập phần lớn các sách về nghệ thuật, văn hóa Việt Nam nói chung để trưng bày thành một khu, chủ yếu phục vụ cho khách nước ngoài.
* Xin cảm ơn anh!
Văn Bảy thực hiện