Khương Văn thành công nhờ “chiều” theo khán giả

Chủ nhật, 27/02/2011 11:04 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Đạo diễn Khương Văn hiện đang ở đỉnh cao của làng điện ảnh Trung Quốc. Bộ phim Nhượng đạn phi tử của anh - phát hành hồi cuối năm 2010 - đã phá vỡ kỷ lục doanh thu phim nội địa khi “bỏ két” được khoảng 700 triệu NDT (107 triệu USD).

Rõ ràng, Khương Văn - diễn viên kiêm đạo diễn điện ảnh - đang “nhấm nháp” thành công đó. Tuy nhiên, để có được thành công như ngày hôm nay Khương Văn cố gắng đúc kết từ những trải nghiệm thất bại của mình. Khi lao vào làm phim Nhượng đạn phi tử, anh không làm phim theo ý thích nữa, mà “chiều” theo thị hiếu của khán giả. Nhà làm phim này hơi chút cay đắng khi nói về sự đón nhận của công chúng với tác phẩm điện ảnh trước của mình - The Sun also Rises - khi nó được phát hành vào năm 2007.

1. Hầu hết mọi người đánh giá The Sun also Rises là một bộ phim nghệ thuật và là một tác phẩm mới trong dòng phim này. Hay còn có những đánh giá cho rằng đây là một kiểu phim viễn Tây Trung Quốc. Khương Văn cười vào những cách phân loại đó và cho biết: “Tôi đã dành cả trái tim và tâm hồn mình vào phim The Sun also Rises. Tôi nghĩ khán giả sẽ đánh giá cao bộ phim. Nhưng tôi đã rơi vào thất vọng. Vì vậy, với Nhượng đại phi tử tôi làm phim theo xu hướng của khán giả”.

Nói như vậy không có nghĩa là anh không tự hào với phim Nhượng đại phi tử. Đối với anh, bộ phim này mang lại sự vui vẻ, còn The Sun also Rises là sự nguy hiểm chết người.

Bộ phim đầu tay của anh - In the Heat of the Sun - được dàn dựng dựa trên tiểu thuyết của Vương Sóc viết năm 1991. Bộ phim mang bối cảnh mùa Hè Bắc Kinh trong những năm 1970, mô tả thanh, thiếu niên Trung Quốc, vừa bị gò bó trong truyền thống, vừa háo hức, khát khao tự do. Phim đã đoạt 6 giải Kim Mã. Tiếp đó, anh làm phim Devils on the Doorstep với câu chuyện mang bối cảnh trong Thế chiến II. Bộ phim mô tả những chân dung của quân xâm lược Nhật Bản và người Trung Quốc sống trong sự chiếm đóng cùng trạng thái tâm lý phức tạp của họ.

Trong 4 bộ phim của Khương Văn thì có 2 phim “đụng chạm” đến thời Cách mạng văn hóa (1966-76). Do vậy mà Khương Văn thường bị chỉ trích là người có ý thức hệ bảo thủ. Khương Văn giải thích, mỗi nghệ sĩ có cách nhìn thế giới riêng. Anh từ chối những “nhãn, mác” mà mọi người gán cho mình như là người theo “chủ nghĩa siêu thực” hay theo “thuyết duy thực”.

Khương Văn nhớ lại trong quá trình quay bộ phim The Sun also Rises, anh dựng một cảnh sa mạc phủ đầy hoa. Trong quá trình tìm kiếm địa điểm quay, anh đã nhìn thấy những bông hoa hoa và nhiều màu sắc hơn cả với những gì anh tưởng tượng. “Bạn có thể thai nghén những cảnh không có thực trong thực tế, tuy nhiên trong quá trình làm phim bạn có thể tìm thấy thứ còn lạ lẫm hơn cả trong hư cấu. Người dân bản địa không biết loại hoa đó gọi là gì. Cho nên qua đây, tôi rút ra được bài học là đừng bao giờ đánh giá quá cao sức tưởng tượng của mình”.

2. Khương Văn từng theo học diễn xuất tại Viện Hàn lâm Hý kịch Trung ương. Anh nổi tiếng là người có sức tưởng tượng phong phú. Anh thích có người đọc kịch bản cho mình bởi như vậy sẽ khiến từ ngữ sống động hơn là do tự mình đọc.

Nhiều người cho rằng phong cách làm phim của Khương Văn chịu ảnh hưởng của nhà làm phim người Serbia Emir Kusturica và đạo diễn Sergio Leone người Italia - bậc thầy của dòng phim viễn Tây được sản xuất ở Italia. Nhưng Khương Văn phủ nhận: “Tiết tấu trong phim của tôi tương phản với phim của họ”. Chỉ có Martin Scorsese là nhà làm phim duy nhất mà Khương Văn thừa nhận là có sự tác động lớn tới anh.

Thường bị chỉ trích bởi tính kiêu ngạo, nhưng Khương Văn cho biết, giờ đây anh đã kiềm chế “tính xấu” đó chứ không như thời sinh viên. Song nhà làm phim này vẫn nói, nếu một ngày nào đó khi đạo diễn Mỹ Martin Scorsese không thể huy động được kinh phí làm phim thì anh sẵn sàng gây quỹ ở Trung Quốc để tài trợ cho ông - cũng như Scorsese và Steven Spielberg đã từng làm cho nhà làm phim xuất chúng Nhật Bản Akira Kurosawa (1910-1998).

Việt Lâm

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›