(Thethaovanhoa.vn) - "Đưa ra giá vé một triệu đồng là phép thử của Nhà hát về nhu cầu xem kịch cổ điển của khán giả bây giờ. Chỉ mười hay vài ba chục người đặt chân tới Nhà hát Lớn vào tối 3/11 tới, chúng tôi vẫn trân trọng"- giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam Thế Vinh chia sẻ.
- Đưa trò Xuân Phả vào kịch Hamlet
- Các tài tử đóng vai Hamlet kinh điển: Người thăng hoa, kẻ thành trò cười
- Hành xử với Hamlet như thế nào cho "phải phép"?
Một Hamlet trẻ trung và tươi mới
Kịch bản của Shakespeare về chàng hoàng tử xứ Đan Mạch là sự chồng chéo dày đặc của không biết bao nhiêu tầng nghĩa. Còn với cách cắt nghĩa của mình, đạo diễn NSƯT Anh Tú không sa đà vào những ý tưởng quá xa vời. Lần lượt, các lớp kịch và hệ thống nhân vật đều được anh "xoay"về mẫu số chung: những góc khuất tăm tối nhất của con người khi được phơi bày ra ánh sáng.
Claudius, Polonius, Gertrude….chừng ấy nhân vật trong kịch bản đã biến xứ Đan Mạch thành một "ngục thất khổng lồ" (lời của Shakespeare) bằng dục vọng của mình. Vậy nhưng, với đạo diễn Anh Tú chừng ấy là chưa đủ. Hamlet của Nhà hát Kịch Việt Nam không đơn giản là người tốt, lạc lõng đi tìm chân lý giữa bể dục vọng và tội ác ấy.
Hamlet ở bản dựng này cũng là nhân vật của sự đan xen giữa cao cả và tầm thường. Cũng luôn dằn vặt, đau đớn khi tự nhìn về lựa chọn của bản thân: muốn trả thù nhưng do dự khi thủ phạm là mẹ và chú ruột, muốn tìm sự thật nhưng run sợ trước cái chết; muốn tiêu diệt cái ác, nhưng lại phải cắn răng phụ bạc bạn tình hoặc bày mưu trừ khử những đại thần đang hãm hại mình…
Khó có thể nói đến chuyện đúng sai - khi mỗi cách hiểu Shakespeare từ trước đến nay vẫn được coi là sáng tạo riêng của đạo diễn. Nhưng, không thể phủ nhận, NSƯT Anh Tú đã khá mạnh dạn trong vở diễn lớn nhất mà anh từng dàn dựng. Kịch bản của Shakespeare được biên tập, cắt bỏ khá mạnh những chi tiết không phục vụ cho ý tưởng chính.
Không chỉ vậy, một số lớp diễn vốn không có trong kịch bản cũng được đạo diễn này phát triển thêm. Đó là cảnh Claudius mưu sát anh trai rồi sám hối trước mộ, cảnh Ophelia tự tử trên sông băng, cảnh các nhân vật chính nói lời giã từ khi cái chết đến với tất cả…
Có lẽ, chính sự mạnh dạn và tự tin này đã tạo nên cá tính của Hamlet - nếu so với phiên bản tương đối nhạt nhòa, mọi chi tiết đều trung thành với kịch bản gốc của Nhà hát kịch Hà Nội 13 năm trước. Và ở một chừng mực nào đó, thay vì "tận dụng" những gương mặt gạo cội nhưng đều buớc qua tuổi U50 của Nhà hát Kịch Việt Nam, việc sử dụng hầu hết các diễn viên trẻ trong một vở bi kịch cổ điển, ngoại trừ NSƯT Trung Anh, cũng mang lại cho Hamlet một màu sắc trẻ trung và tươi mới.
Hy vọng Hamlet không là bi kịch với người trong cuộc
Khó khăn về địa điểm khiến Hamlet chỉ có thể công diễn một đêm tại Nhà hát Lớn thay vì hai đêm như dự kiến. Nhưng có lẽ, việc tìm "đầu ra" trong bối cảnh hiện nay mới là thách thức thật sự, với việc dàn dựng vở bi kịch lớn nhất của Shakespeare.
"Tôi rất hiểu điều ấy. Nhưng, đó cũng là một bước cản mà Nhà hát Kịch Việt Nam phải đối diện, nếu muốn lấy lại vị trí vốn có của mình trong đời sống sân khấu" - giám đốc Thế Vinh khẳng định.
Ông Vinh cùng Phó giám đốc, NSƯT Anh Tú về Nhà hát năm 2013, ở thời điểm "anh cả" của làng sân khấu được biết đến bởi những lùm xùm hậu trường, thay vì các vở diễn lớn như truyền thống. Và năm 2014, khi công việc đã tạm ổn định, kế hoạch chuẩn bị cho một vở bi kịch cổ điển vào năm sau được đặt ra.
"Chúng tôi gắng làm một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Nhiều lựa chọn được đặt ra: Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Oedipus làm vua, Medea, thậm chí là Vua Lia cũng của Shakespeare. Cuối cùng, đáp số là Hamlet - kịch bản mà mọi đạo diễn, diễn viên đều mơ ước được một lần thử sức trong đời"- đạo diễn Anh Tú chia sẻ với Thể thao & Văn hóa.
Mơ ước của Anh Tú và dàn diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam ít nhiều cũng đã thỏa. Còn bây giờ là mơ ước của những người yêu sân khấu: Hamlet không trở thành một vở bi kịch cho… chính những người trong cuộc, bởi sự thiếu vắng khán giả.
"Phép thử" với giá vé 1 triệu đồng cũng chỉ diễn ra tại Nhà hát Lớn, trong một đêm. Sau đó, Hamlet sẽ phải biểu diễn một thời gian tại trụ sở Nhà hát kịch - nơi mà từ nhiều năm qua, các nghệ sĩ luôn lên tiếng than phiền về sự chật hẹp của sàn diễn, cũng như sự hạn chế về số ghế.
Và trên hết, trong sự cạnh tranh với các phương tiện giải trí bây giờ, liệu sẽ có bao nhiêu khán giả mặn mà với một vở bi kịch cổ điển, dù được dàn dựng bằng rất nhiều tâm huyết?
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags