Kiến trúc sư Nhà hát Opera Sydney: Tài năng và số mệnh

Thứ Tư, 10/12/2008 06:01 GMT+7

Google News
(TT&VH) - Ông là ví dụ tiêu biểu cho việc một kiến trúc sư có thể trở nên nổi tiếng với một công trình duy nhất và cùng với nó có thể thay đổi một chút thế giới: Kiến trúc sư Đan Mạch Joern Utzon với kỳ quan độc nhất vô nhị - Nhà hát Opera Sydney. Ngày 29/11 vừa qua, ông đã từ giã cuộc đời tại một nhà điều dưỡng ở Copenhagen.
 
 Utzon bên mô hình nhà hát opera Sydney
Joern Oberg Utzon, sinh năm 1918 ở Copenhagen, thủ đô Đan Mạch, và là con trai một kỹ sư thiết kế tàu thủy. Bị gạt đơn xin vào trường sĩ quan hải quân vì điểm kém, ông xin học môn kiến trúc ở Học viện nghệ thuật rồi lên đường chu du châu Âu, Mexico và Hoa Kỳ, xen lẫn với những công việc ngắn hạn tại một số văn phòng kiến trúc sư. Trong thời kỳ này, Utzon được chú ý bởi một số đồ án mang tính phóng khoáng, song tựu trung chưa có gì để giới chuyên môn phải ngước nhìn.

Một ngày đẹp trời của năm 1956, khi Sydney tổ chức đấu thầu thiết kế một nhà hát nhạc kịch và trong số 277 đồ án gửi tới dự thi có một bản vẽ được ban giám khảo đặc biệt chú ý thì không hiếm thành viên chấm thi ngán ngẩm lắc đầu khi thấy tất cả chỉ ở dạng phác thảo sơ sài. Không ai từng nghe cái tên Utzon của một kiến trúc sư trái tính trái nết mới đến tuổi 38, đã thế lại còn chưa hề đặt chân tới Sydney lần nào mà chỉ tưởng tượng ra địa điểm xây dựng qua ảnh chụp.

Đó là chuyện của thời khắc sinh ra sự kiện mà người đời vẫn quen gọi là số mệnh. Vì sau khi thiết kế của Utzon được chọn để thi công, ông còn tham gia nhiều cuộc thi quốc tế trong hai thập kỷ 60 và 70 nữa. Với những ý tưởng khoáng đạt khi quy hoạch những khu dân cư ở Helsingoer (1958 -1960), Fredensborg (1962-1963), bảo tàng mỹ thuật Silkeborg (1963) hay nhà hát thành phố Zurich, Untzon nay đã đứng trong tâm điểm của sự chú ý. Vào những năm cuối đời, ông còn vụt sáng với đồ án tòa nhà nghị viện Kuwait (1983). Không chỉ làm kiến trúc, Utzon còn được giới tạo mẫu công nghiệp Bắc Âu biết đến với các sáng tác đồ gỗ và thủy tinh gia dụng.

Thành công quá sớm

Năm 2003, Utzon được đánh giá xứng đáng qua giải thưởng Pritzker "Nobel của ngành kiến trúc". Song hình như giải này - kỳ thực để tôn vinh thành tựu cuộc đời - được ban ra cho một công trình duy nhất: nhà hát ca kịch Sydney. Có thể nói cả thành phố Sydney, cả nước hay châu lục Australia không có một công trình thứ hai nào tiêu biểu hơn những cánh buồm trắng cao đến 60 mét bên bờ vịnh Sydney. Cụm nhà này là một trong những công trình hiếm hoi của thế kỷ 20 được lưu danh vĩnh viễn không chỉ trong danh sách di sản văn hóa thế giới của Unesco, mà còn trong tâm trí của người xem. Nói một cách khác, trong sự nghiệp sáng tác của mình Utzon còn hơn nửa thế kỷ để lặp lại hay vượt qua thành công sớm này. Và như ta biết, ông không bao giờ trở lại được đỉnh cao ấy nữa.
 
 
Bí quyết thành công là một cuốn sách mở, những không phải ai cũng đọc được, và nếu có hiểu được thì cũng do tình cờ. Trong ngành kiến trúc có một quan điểm mà ai cũng biết những ít ai bám theo được: kiến trúc lớn là phải vượt qua tính thực dụng và diện mạo ưa mắt để đưa ra một “thông điệp”. Những cánh buồm trắng của Utzon là một trường hợp như vậy. Chúng tải thế giới bao la của nhạc kịch sang châu lục thứ năm vốn là vùng đất hoang để đày ải những kẻ tội phạm và thả neo ở cảng, rồi sẵn sàng lại hút no gió để lên đường thám hiểm tiếp các vùng đất xa xôi chưa có dấu chân người. Bê tông hóa được một ẩn dụ lớn như vậy, trách gì Utzon không thể lặp lại được “kỷ lục thế giới” của mình.

Chia tay Nhà hát Opera Sydney trong thất vọng

Ngày nay, công nghệ máy tính và kỹ thuật xây dựng hiện đại cho phép thực hiện nhiều ý tưởng táo bạo, và thế giới ngày càng nhiều các Gehry, Hadid và Libeskind. Nhưng hồi 1956, những vỏ cong bằng bê tông cốt thép thể hiện hình cách buồm còn là một thử thách ngặt nghèo. Cũng là lý do để Utzon đi vào vết xe đổ của vô số kiến trúc sư quá khứ và tương lai: chi phí và thời hạn xây dựng ngày càng vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Như đã nói, khi Sydney hối hả bắt tay đào móng thì người ta mới chỉ có vài nét vẽ sơ sài, thậm chí các tính toán cơ học mới chỉ ở dạng vừa làm vừa đoán.
 
Phía trong nhà hát opera Sydney

Thoạt tiên người ta đã dự báo rằng thiết kế của Utzon không tránh khỏi đổ bể. Ngân quỹ dự toán là 3,5 triệu USD bị thâm thủng ở mọi khoản, và khi chi đến 57 triệu thì thủ hiến bang New South Wales ngày ấy là Robert Askin quyết định ra tay chặn cú trượt dốc vô tiền khoáng hậu này. Utzon không chỉ đưa ra giải pháp xây dựng mà còn trang trí toàn bộ nội thất, và ông không nhượng bộ khi bị đòi phải đưa ra các lựa chọn “rẻ” hơn. 1966, chính phủ Australia ra quyết định gạch tên Utzon ra khỏi dự án vì thời hạn hoàn thành đã bị quá một năm. Một nhóm kiến trúc sư trẻ được đưa vào thay chân ông và lễ cắt băng diễn ra mãi tận năm 1973 bởi đích danh Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị. Utzon phủi tay đứng dậy trong căm hận và thề sẽ không bao giờ đặt chân trở lại đất Australia nữa, vì ông tin rằng những biện pháp tiết kiệm sẽ chôn vùi ý tưởng nghệ thuật của mình. Ít nhất thì ông cũng phần nào có lý về mặt này; ngay tại lễ khai trương các quan khách đã lên tiếng phàn nàn sự chặt chội của nhiều khán phòng, cầu thang quá dốc, và nhất là chất lượng âm thanh quá tệ. Cái ruột bên trong không bao giờ vươn tới nổi vỏ hoành tráng phía ngoài.

Một kết cục độ lượng

Quả thật cho đến khi nhắm mắt, Utzon không bao giờ quên nỗi nhục nhã bị đuổi khỏi nhóm chỉ huy công trình nhà hát nhạc kịch, và ông cũng không nhìn lại Australia lần nào. Những năm về già, khi cơn giận đã nguôi ngoai thì tuổi và và sức yếu không cho phép ông làm cuộc hành trình xa xôi ấy nữa. Utzon không bao giờ gặp lại đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau của mình từ khi nó chào đời.

Cho đến nay, mỗi đồng đô-la lạm chi ngày đó đã được đền đáp gấp nhiều lần bởi vé tham quan bán cho 7,5 triệu du khách đến đây mỗi năm. Công trình này, cho dù không hẳn theo ý Utzon, là một sự kết hợp cộng sinh tiêu biểu giữa kiến trúc mang tính biểu tượng và tính thực dụng duy lý. Suốt cuộc đời mình, Utzon phản đối ý tưởng cho rằng hình dáng phải phù hợp công năng, mà luôn cố gắng kết hợp cả hai mặt một cách hài hòa. Thời hậu chiến, ông là một trong số ít kiến trúc sư dám trung thành với quan điểm này.
 
Có lần ông viết: “Đơn giản là khi hình dáng và công năng hòa tan vào nhau thì người ta mới đạt được kiến trúc lớn và sự hài hòa, vì đó là tấm gương mà thiên nhiên đưa ra”. Cánh buồm hay vỏ sò của nhà hát ca kịch Sydney hôm nay được sách giáo khoa xây dựng không chỉ coi là thành tựu tiên phong của cái gọi là “kiến trúc hữu cơ”, mà nó còn thể hiện một nhu cầu thực ra rất đơn giản của người sử dụng: kết hợp sự hài lòng thị giác với tính thực dụng dễ chịu.

Đức Lê (tổng hợp)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›