LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 6: Thêm một cánh cửa cho Việt Nam

Thứ Năm, 05/06/2014 08:31 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - LHP tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 đến 12/6 và tại TP.HCM từ ngày 21 đến 29/6/2014. Vẫn như 5 lần trước, lần này LHP đã quy tụ được các phim tài liệu có chất lượng nên thu hút sự quan tâm của giới truyền thông cùng công chúng.

Khởi động từ năm 2009, lúc ấy đã có ý kiến nghi ngờ về sức sống của LHP này, vì “phim tài liệu khô khan, ít thu hút”. Đến nay thì tình thế dường như ngược lại, vì nó đã thu hút được hàng chục tổ chức uy tín của quốc tế và Việt Nam cùng vào cuộc, với mong muốn thay đổi lại nhận thức về thể loại phim này. Bởi nói như nhà làm phim Patricio Guzman (người Chile): “Một đất nước mà không có phim tài liệu cũng giống như một gia đình không có album ảnh”.

Một cơ hội rõ ràng

Công chúng quốc tế, khi nghĩ đến phim Việt Nam nói chung, phim đầu tiên mà họ khâm phục không thuộc thể loại điện ảnh, mà là tài liệu - đó là Chuyện tử tế (1985) của Trần Văn Thủy.

Nhà làm phim Wu Wenguang (Ngô Văn Quang, Trung Quốc) từng thẳng thắn: “Trong bối cảnh ngày càng bị chi phối bởi các đại gia lớn như Hollywood thì cánh cửa chung để bước vào nền công nghiệp và giải trí phim ảnh quốc tế sẽ hẹp dần với các nhà làm phim sống ở “ngoại vi Hollywood”, như Việt Nam chẳng hạn. Thế nhưng không phải tất cả các thể loại phim đều bị như vậy, bởi phim tài liệu vẫn là thế mạnh của những nhà làm phim độc lập, gắn bó với từng địa phương, với những câu chuyện lay động người xem bằng sự nhạy cảm, chân thật. Hơn nữa, kỹ thuật và đầu tư của phim tài liệu phù hợp với những người làm phim có ít kinh phí”.


Cảnh trong phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng

Theo số liệu của nhà làm phim Nguyễn Trinh Thi, từ năm 1965 đến năm 1973 Việt Nam đã làm 463 phim thời sự, 307 phim tài liệu, 141 phim khoa học, trong khi đó chỉ có 36 phim truyện và 27 phim hoạt hình. Từ đầu thế kỷ 21, khi máy quay video cá nhân và phần mềm dựng phim phổ biến, ở Việt Nam đã hình thành thêm đội ngũ các nhà làm phim tài liệu độc lập,  đóng góp giọng điệu riêng vào môi trường phim quốc tế.

Tuy nhiên, “các liên hoan phim tại Việt Nam, kể cả liên hoan lâu đời nhất ra đời năm 1970, thường do chính phủ tổ chức và điều phối toàn bộ, do đó có rất ít cơ hội cho các bộ phim tài liệu độc lập tiếp xúc với công chúng nước nhà”, Nguyễn Trinh Thi cho biết. Như năm nay, LHP tuyển chọn 8 phim từ châu Âu và 9 phim Việt Nam do Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất, không có phim độc lập.

“Giữ lửa” bằng vài phim đáng xem

Nếu năm vừa rồi LHP có bộ phim Người thắp lửa (ĐD: Nguyễn Như Vũ), thì năm lại là Người giữ lửa (Phan Huyền Thư), với thông điệp: làm sao để gia đình bước qua được bạo hành và giữ được ngọn lửa hạnh phúc.

Có hai phim lấy tứ từ cái ti vi. Nếu Chiếc ti vi màu khác (Yovista Ahtajida & Dyantini Adeline, Indonesia) là chuyện bà nội trợ cố gắng chuyển tải lại gia đình mình những giá trị và quan điểm đã xem trên ti vi. Thì Chiếc ti vi vẫn bật (Carol Morley, Anh) là chuyện cô Joyce Vincent bị chết trong căn hộ của mình, sau 3 năm mới được phát hiện, với chiếc ti vi vẫn mở.

Rất đáng xem nữa là Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (Nguyễn Thị Thắm) với hành trình theo chân gần 5 năm qua các thành phố ở miền Trung Việt Nam cùng một gánh hát hội chợ. Các phim đáng chú ý khác là Xin đừng quên tôi (David Sieveking, Đức), Nơi nào tôi đi (Neang Kavich, Campuchia), Cỏ xanh im lặng (NSND Nguyễn Thước - Lê Thị Thiện Đoan), Nhân văn đô thị (Andreasmoel Dalsgaard, Đan Mạch)…

LHP còn có 2 workshop dành cho các nhà làm phim trẻ Đông Nam Á và Hà Nội; có một ngày dành cho phim trẻ Đông Nam Á (7/6 tại Hà Nội và 22/6 tại TP.HCM). Khán giả có thể tra cứu lịch chiếu phim tại địa chỉ: http://www.goethe.de/ins/vn/han/ver/vi12845072v.htm

Khi các đạo diễn đưa chuyện gia đình lên màn ảnh

Năm nay, LHP sẽ là một bữa tiệc phim mà những nhà tổ chức gọi đây là bữa tiệc đối thoại giữa các nền văn hóa, phong cách làm phim và giữa các thế hệ đạo diễn khác nhau. Các bộ phim có đề tài vô cùng phong phú, đa dạng, tuy nhiên vẫn có những câu chuyện hết sức cá nhân, do chính các đạo diễn kể lại câu chuyện về gia đình mình.

Trong bộ phim Xin đừng quên tôi (chiếu khai mạc), đạo diễn người Đức David Sieveking kể về quá trình gia đình anh chăm sóc người mẹ bị mắc bệnh mất trí nhớ. Bệnh tật của người mẹ đã khiến gia đình xáo trộn, nhưng cuối cùng tất cả đã phải học cách giải quyết vấn đề một cách dịu dàng để cuối cuối cùng tất cả xích lại gần nhau hơn. Đây là một bộ phim rất xúc động, đầy tính nhân văn, nhưng cũng không kém phần hài hước. Phim đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế vào năm 2012 và 2013.


Cảnh trong phim Xin đừng quên tôi

Với Phía sau màn bạc, đạo diễn Aung Nwaio Htway kể câu chuyện về cha mẹ anh, hai diễn viên nổi tiếng, là biểu tượng của điện ảnh Myanmar thập niên 1960. Những cảnh đau lòng họ từng đóng trên màn bạc đã vận vào cuộc đời họ. Cuộc hôn nhân đứt gánh giữa đường của hai ngôi sao khiến người con trai của họ luôn day dứt khôn nguôi.

Bộ phim chiếu trong ngày Bế mạc LHP tại Hà Nội (12/6) là Ngày mai em đi của đạo diễn trẻ gốc Việt Martin Nguyễn kể về cuộc đời cha mình - ông Quang, người đã rời bỏ quê hương tới Áo sinh sống. Cuộc hành trình đầy gian khó, nhưng cũng nhiều may mắn bất ngờ của ông Quang đã được con trai chuyển tải thành một bộ phim giàu cảm xúc.

Ngọc Diệp

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›